Làm rõ những hoạt động của Phú Cường Group (Kỳ 2)
Từ một công ty truyền thông với số vốn ít ỏi, Phú Cường Group nhanh chóng lấn sang bất động sản với chiêu trò tự vẽ dự án để phân lô bán nền. Đi sâu vào hoạt động của Phú Cường Group, chúng tôi thật sự bất ngờ với những hình thức huy động tài chính theo mô hình đa cấp mà công ty này dùng để quay vòng vốn.
Tiếp cận với Nguyễn Thành Đ. (23 tuổi, nhân viên sale của Phú Cường Group) trong vai trò nhà đầu tư có khoản tiền nhàn rỗi, Đ. nhanh chóng giới thiệu với chúng tôi những hình thức đầu tư mà Phú Cường đưa ra và điểm chung những hình thức này là: “cam kết lợi nhuận”, “không cần làm gì nhưng vẫn có tiền”, “tiền đẻ ra tiền”…
Hình thức đầu tư mà Đ. giới thiệu là “hợp tác đầu tư”. Theo đó, Phú Cường có các gói hợp tác đầu tư chỉ từ 15 triệu đồng cho đến 100 tỷ đồng, với các mức lãi suất tương ứng.
Thí dụ, nhà đầu tư góp vốn 1 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4,5%/tháng (54%/năm). Sau 36 tháng sẽ thu về 1,62 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức 1 tỷ đồng, khách hàng còn được tặng một lô đất trị giá một tỷ đồng. Trong một tháng đầu (khi chưa trả lãi) nhà đầu tư có thể rút vốn bất cứ lúc nào. Sau một tháng, muốn rút vốn sẽ phải mất khoảng 30% giá trị do trừ tiền trả lãi và phí phá vỡ hợp đồng, Đ. cho biết.
Trường hợp thứ hai muốn rút vốn, nhà đầu tư có thể bán lại gói đầu tư của mình cho người khác, với giá thỏa thuận giữa đôi bên.
Trong trường hợp nhà đầu tư mời được người khác tham gia hợp đồng góp vốn này, nhà đầu tư sẽ được hưởng 3% giá trị của người tham gia.
“Trước bọn em có gói từ 10 triệu đồng, chu kỳ 24 tháng. Nhưng đợt này bên em chuyển sang huy động dài hạn, không cần ngắn hạn nữa”, Đ. nói.
Lãi suất cao, hậu đãi tốt, lại có thể hưởng phần trăm từ những người đến sau, hình thức hợp đồng hợp tác không khác gì “miếng bánh” thơm ngon để mồi chài các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ẩn trong “chiếc bánh” này, là những bẫy pháp lý tinh vi.
Cụ thể, điều 2.2 trong hợp đồng này ghi rõ: “Bên Góp Vốn đồng ý rằng, vốn đầu tư sẽ được Bên Nhận Vốn Góp toàn quyền điều phối, sử dụng”; ngay sau đó, điều 2.3 tiếp tục ghi: “Bên Góp Vốn không tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý, giám sát, điều hành nào”.
Những quy định này hàm nghĩa nhà đầu tư rót vốn nhưng không được quản lý tiền của mình. Bảo đảm duy nhất về nguồn tiền của nhà đầu tư chỉ là cam kết “Bên Nhận Vốn Góp có trách nhiệm thực hiện bảo toàn nguồn vốn góp cho Bên Góp Vốn”.
Hợp đồng này còn cài cắm “lối thoát” cho Phú Cường Group, tại điều 5.2 của hợp đồng ghi: Tùy thuộc vào kết quả kinh doanh trong từng thời kỳ Bên Nhận Vốn Góp sẽ tiến hành chi trả khoản phân chia lợi nhuận và/hoặc các lợi ích khác (nếu có)”.
Tức là nếu Phú Cường làm ăn có lãi thì nhà đầu tư có tiền, còn trong trường hợp thua lỗ thì nhà đầu tư không nhận được lãi. Trường hợp thua lỗ kéo dài, Phú Cường có thể thông báo không trả lãi cho nhà đầu tư.
Thực tế, vào đầu tháng 3/2023, Phú Cường đã thông báo số 0303/2023/TB-PC về việc chậm trả lãi cho nhà đầu tư với lý do kinh doanh khó khăn và cần tập trung vốn cho các dự án khác.
Gọi tiền đầu tư vào BĐS như đã nêu, sớm muộn việc Phú Cường vẽ dự án “ma” cũng bị nhà đầu tư nhìn ra. Đồng nghĩa với việc Phú Cường duy trì thanh khoản của mình chỉ dựa trên việc kêu gọi, lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào hệ thống “Hợp tác kinh doanh” của mình.
Luật sư Vũ Văn Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cảnh báo, các hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân; tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh… trước khi tham gia, góp vốn đầu tư.
Để duy trì, Phú Cường còn đưa ra mô hình mua cổ phần và tạo nên các vòng quay tăng giá cổ phần để kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, Đ. cho biết, hiện Phú Cường tập trung vào hai công ty: Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc Phú Cường (Địa ốc Phú Cường) và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Phú Cường (Tài chính Phú Cường).
Trong đó, địa ốc Phú Cường là đơn vị phát triển các dự án BĐS (đã nêu ở kỳ 1), còn tài chính Phú Cường là doanh nghiệp ký hợp đồng “Hợp tác đầu tư” như đã nêu ở trên. Nhưng điểm chung là cả hai doanh nghiệp này đều được Phú Cường chia cổ phần và rao bán cho nhà đầu tư.
Cụ thể như Công ty Tài chính Phú Cường có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, tương ứng 20 triệu cổ phần, mỗi cổ phần định giá 10.000 đồng.
Ngày 27/4/2022, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Công ty Tài chính Phú Cường đã ký thông báo chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích là bổ sung vốn lưu động, thực hiện các dự án bất động sản và cơ cấu cổ đông chiến lược trước khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Thông báo này cũng nói rõ, số cổ phần này là cổ phần ưu đãi cổ tức trong hai năm. Khách hàng đầu tư được trả cổ tức đều đặn mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Hình thức nhận có thể nhận theo tháng hoặc theo năm. Điều đáng nói, ngày chào bán tại 27/4 là 10.000 đồng/cổ phần, nhưng tới ngày 16/5/2022, giá trị mỗi cổ phần là 14.000 đồng/cổ phần.
Giải thích về điều này, Đ. cho biết, cứ sau một khoảng thời gian, công ty sẽ mở một vòng quay vốn mới. Nhà đầu tư mua cổ phần có thể bán lại cổ phần đã mua ở giá 10.000 đồng cho công ty với giá trị định trước (14.000 đồng/cổ phần), nhưng công ty sẽ thu 30% phí. Hoặc nhà đầu tư có thể bán lại cho những người có nhu cầu mua để lấy lại tiền.
“Thông thường các nhà đầu tư sẽ giữ qua nhiều vòng, nếu người nào có dòng tiền rỗi thì sẽ giữ đến khi IPO. Hiện nay cổ phần của Tài chính Phú Cường đang là 15.000 đồng/cổ phần”.
Trao đổi ý kiến với luật sư Đỗ Quang Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các điều khoản về Phú Cường phát hành cổ phần riêng lẻ này rất mù mờ, có dấu hiệu gài bẫy nhà đầu tư. Doanh nghiệp phát hành cổ phần riêng lẻ là hoạt động bình thường, nhưng theo quy định tại điều 123, 125 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì việc phát hành phải quy định rõ thời điểm phát hành, khoảng thời gian phát hành. Số lượng phát hành cho cổ đông hiện hữu, không quá 100 người. Sau khi phát hành thành công, phải có thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về việc phát hành thành công bao nhiêu, từ đó làm thay đổi vốn điều lệ thế nào.
Còn ở đây, đến tháng 3/2023, vốn điều lệ của Tài chính Phú Cường vẫn là 200 tỷ đồng – không đổi so với trước khi phát hành. Thêm vào đó, Phú Cường ký kết tràn lan với mọi người, đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Hình thức chào bán tương tự cũng được Phú Cường triển khai tại Địa ốc Phú Cường. Hiện, Địa ốc Phú Cường chào bán cổ phần ở giá 200 đồng/cổ phần. “Khi huy động được khoảng 50 tỷ đồng, bên em sẽ mở vòng quay bán vốn mới. Sẽ có nhiều vòng quay được mở, đến tận khi IPO mới thôi”, Đ. giải thích và khuyên chúng tôi nên mua cổ phần thời điểm này vì “còn rẻ và nhiều tiềm năng quay vòng vốn”.
Khi được hỏi về “những người có nhu cầu mua lại” như đã nói ở trên, Đ. cho biết, đó có thể là những người thân, những người quen biết… “Cứ mỗi người anh giới thiệu đầu tư vào, anh sẽ có hoa hồng là 3% tổng số tiền của người đó”, Đ. gợi ý về việc kêu gọi thêm nhiều người góp vốn.
Đ. cho biết, KPI của Đ. và đội của mình phải kêu gọi thêm ít nhất 30 người đầu tư/tháng để duy trì thanh khoản.
Có thể thấy, thông qua trả phần trăm lợi nhuận và những cam kết mua lại với giá cao, những vòng quay vốn này cũng là “miếng bánh” mê người cho nhà đầu tư.
(Còn nữa)