Lễ hội Am chúa và tục thờ mẫu ở Khánh Hoà

Cẩm Duyên

  –  

Thứ tư, 02/04/2014 17:14 (GMT+7)

Không biết tự bao giờ người dân trong vùng đã lập am thờ bà mẹ xứ sở trên núi Đại An, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Chỉ biết rằng, Am Chúa là di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn với tục thờ mẫu ở vùng đất Khánh Hòa. Hàng năm cứ đến ngày 1.3 âm lịch người dân khắp nơi hành hương về đây dâng lễ, múa bóng… tạ ơn mẹ và nguyện cầu cho quốc thái dân an. Năm nay, lễ hội Am Chúa được ngành VHTTDL địa phương tổ chức trọng thể gắn liền với các sinh hoạt văn hoá dân gian của gần 100 đoàn nam tế, nữ tế cùng hơn 1 vạn khách du lịch và nhân dân địa phương tham dự.

Lễ hội Am chúa và tục thờ mẫu ở Khánh Hoà
Chính điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na trên núi Đại An.

Câu chuyện huyền thoại 

Khánh Hoà có 2 nơi thờ mẫu là Am Chúa trên núi Đại An và tháp bà Ponagar bên cửa sông Cái. Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đều khẳng định Thiên Y A Na là thánh mẫu của người Việt, Poh Nư Gar là nữ thần của người Chăm. Tín ngưỡng thờ bà Thiên Y A Na bắt nguồn từ tục thờ nữ thần Poh Nư Gar – theo thời gian, quá trình giao lưu văn hóa của 2 dân tộc Chăm-Việt đã hình thành truyền thuyết thánh mẫu Thiên Y A Na Poh Nư Gar giáng trần trên núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà. Vì thế, từ xưa đến nay, dân gian vẫn lưu truyền câu sấm: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển Thánh”. Và, ẩn sau truyền thuyết Mẹ xứ sở là lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất .

Tấm bia lớn trước sân Am Chúa khắc ghi bút ký của Thượng thư bộ lễ Phan Thanh Giản – đề ngày 20.5 năm Tự Đức thứ IX-1858, rằng thủa xa xưa có 2 vợ chồng người tiều phu nghèo lên núi Đại An dựng nhà, vỡ đất trồng dưa. Dưa chín thường hay bị mất. Một hôm ông tiều bắt gặp một bé gái trạc 10 tuổi hái dưa rồi đùa giỡn dưới trăng. Thấy bé gái dễ thương, hai ông bà vốn không có con nên đón về nuôi và thương yêu như con ruột. Đó chính là tiên nữ giáng trần. Một lần bị cha la mắng, nhân thấy khúc kỳ nam trôi theo dòng nước, tiên nữ biến thân vào khúc trầm kỳ, để mặc cho sóng đưa đẩy…Kỳ nam trôi ra biển cả rồi dạt vào đất Trung Hoa, mùi hương bay ngào ngạt, dân chúng đến xem rất đông nhưng không ai nhấc nổi khúc gỗ lạ lùng ấy, duy chỉ có Thái tử Bắc Hải đưa được gỗ kỳ nam về cung. Vào cung, tiên nữ được hoá kiếp, tự xưng tên là Thiên Y A Na và sau đó kết duyên cùng Thái tử Bắc Hải. Ngày tháng trôi qua, lòng quê thúc dục…

Thiên Y A Na tạm biệt chồng, bồng 2 con nhập vào khúc kỳ nam trở về chân núi Đại An. Nhưng, bấy giờ vợ chồng người tiều phu đã qua đời. Thiên Y A Na bèn xây đắp mồ mả cha, mẹ và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Trước cảnh dân làng lạc hậu, nghèo đói… Bà không ngần ngại đem tất cả những gì đã học được từ nền văn minh Trung Hoa truyền dạy cho dân làng khai hoang, cày cấy, trồng bông, kéo sợi, dệt vải…, ruộng đồng nhờ vậy mà tốt tươi và làng xóm nhờ vậy mà sung túc, vui vẻ. Sau khi hoàn thành sứ mệnh cao cả, theo lệnh “nhà trời”, bà mẹ xứ sở cùng với hai con trở về cõi tiên. 

Trong tâm tưởng của cư dân vùng châu thổ sông Cái, Thiên Y A Na là một phụ nữ giỏi giang, nhân đức, hiếu thảo… và hơn thế bà là Mẹ xứ sở đã hy sinh tình riêng để tạo dựng cơ nghiệp nước nhà. Dân làng xây am, tạc tượng thờ bà trên núi Đại An và hàng năm, cứ đến ngày 1.3 âm lịch mọi người rủ nhau hành hương về Am Chúa dâng lễ, múa hát, tưởng nhớ công ơn trời bể của Bà mẹ xứ sở.

Di tích lịch sử văn hoá quốc gia

Am Chúa nằm giữa lưng chừng núi Đại An (còn gọi là núi Dưa), bốn bề là cánh đồng lúa bao la, xa xa làng xóm đông vui, tấp nập. Am Chúa chính thức xây dựng từ năm nào không rõ, trải qua nhiều lần trùng tu, hiện vẫn là nơi thờ phụng thánh mẫu rất trang nghiêm. Con đường sau cổng tam quan, từ chân núi lên chính điện cao hơn 100 bậc, lát đá hoa cương. Trên nóc bái đường và chính điện có đắp nổi hình tứ linh – “long, ly, qui phượng”.

Người dân địa phương diện trang phục truyền thống đến dự lễ hội Am Chúa.

Người dân địa phương diện trang phục truyền thống đến dự lễ hội Am Chúa.

Trong gian bái đường có đôi câu đối bằng chữ Hán đắp nổi ghi sự tích Thiên Y A Na. Chính điện thờ bà, 2 bên tả hữu thờ công chúa và hoàng tử cùng các ban liệt vị. Hiện Am Chúa vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, trong đó có sắc phong của vua Tự Đức, cho phép dân chúng thờ phụng Thiên Y A Na – “Hồng Nhơn phổ tế linh cảm diệu thông. Mặc tướng trang huy thượng đẳng thần” . Đặc biệt, trước sân am chúa vẫn còn cây mã tiền cổ thụ trên 350 tuổi. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây mã tiền được người dân Diên Điền chọn làm cột cờ giải phóng, biểu dương lực lượng cách mạng và tinh thần yêu nước. Năm 1999, Am Chúa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

 

Lễ hội Am Chúa do người dân địa phương tổ chức là một lễ hội thuần Việt. Lễ vật rất đơn giản, ai có gì cúng nấy, tất cả đều là những sản vật nhà nông. Nghi lễ dâng hương cung kính y hệt như ngày giỗ kỵ ông bà tổ tiên. Phần hội kéo dài suốt 3 ngày (từ sáng sớm mùng 1 đến sẩm tối mùng 3.3 âm lịch), chương trình múa bóng, hát chầu văn tưng bừng. Nội dung ca từ thể hiện ước mơ bình dị muôn đời của người nông dân là khẩn cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Thường thì sau khi kết thúc lễ hội Am Chúa, người dân Khánh Hoà lại tiếp tục chuẩn bị lễ hội Tháp Bà vào các ngày từ 21-24.3 âm lịch. Điều khác biệt là lễ hội Tháp Bà Pô Na Gar được tổ chức dựa trên nghi thức tín ngưỡng của người Chăm. 

Mối quan hệ cộng hưởng trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Chăm-Việt sinh sống ở vùng đất này đã hoà quyện thành những huyền tích dân gian. Tục thờ mẫu được lưu truyền đến tận ngày nay thể hiện nét đẹp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và cũng là bản sắc văn hoá các dân tộc. Điều quan trọng là trong tiến trình phát triển, tỉnh Khánh Hoà đã chú ý bảo tồn, khai thác vốn quí văn hoá dân gian gắn với quảng bá du lịch để thu hút sự chú ý của du khách bốn phương. 

Alternate Text Gọi ngay