Lược sử Giáo xứ Nam Am.
Từ dấu mốc lưu truyền ấy, khoảng 60 năm sau, vào cuối năm 1689, xứ Nam Am được thành lập do các cha dòng thừa sai Đa Minh và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Đấng bảo trợ.
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ NAM AM.
I. VỊ TRÍ VÀ TÊN GỌI
Giáo xứ Nam Am là một xứ đạo trung tâm, trước đây thuộc phủ Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, cách Tòa Giám mục Hải Phòng khoảng 36 km về phía Tây Nam.
Theo dân gian, Nam Am được kể vào vùng Đất Trạng, vì gắn liền với cuộc đời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, với 18 làng Am (Thập bát Trang Am). Cho đến nay tên nhiều thôn làng vẫn gắn liền với chữ Am, trong đó có Nam Am. Thời kỳ chưa chia tách, Nam Am là xứ đạo lớn của Giáo phận với 4 khu và 24 giáo họ, nằm rải rác khắp huyện Vĩnh Bảo.
Năm thành lập: 1632
Số nhân danh: 2.700 người
Quan thầy: Chúa Kitô Vũ Trụ
Linh mục chính xứ: Gioan Baotixita Nguyễn Quang Sách
Giáo học trực thuộc: Lôi Làng và Tân Am
Địa chỉ: Nam Am, Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Đầu thế kỷ 17, các thừa sai Tây Phương theo đường biển đã đến Vĩnh Lại rao truyền Phúc Âm. Sau khi thăm dò thấy nơi đây là đất Trạng, người dân ít nhiều có trình độ văn hoá, nên các ngài đã nhờ thuyền đánh cá đưa vào đất liền để rao giảng lời Chúa, trong đó có Lôi Trạch, một vùng đất giáp với Nam Am.
Theo lưu truyền của các bậc tiên tổ làng Nam (tức Nam Am) thì người Nam Am được đón nhận Đạo Chúa đầu tiên là cụ Thiên Hộ. Cụ là một võ tướng triều đình, có công dẹp giặc cứu nước. Lúc còn ở Kinh Đô, cụ và gia đình đã được chịu Phép Rửa. Vào khoảng năm 1632, khi cáo quan trở về quê hương sống vui với ruộng vườn, cụ ra sức giới thiệu Đạo cho dân làng, giúp cho cả làng được theo Đạo.
Từ dấu mốc lưu truyền ấy, khoảng 60 năm sau, vào cuối năm 1689, xứ Nam Am được thành lập do các cha dòng thừa sai Đa Minh và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Đấng bảo trợ. Trên đất làng Nam Am lúc ấy có một nhà thờ gọi là nhà thờ Đức Mẹ và 4 nhà thờ của 4 khu: Khu Đông: Nhà thờ Thánh Vicentê, Khu Đoài: Nhà thờ Thánh nữ Anê, Khu Nam: Nhà thờ thánh Gioan Baotixita và Khu Trung: Nhà thờ Thánh Philomena. Kể từ khi thành lập, Nam Am đã trở thành xứ đạo trung tâm, gồm nhiều họ đạo trực thuộc trong vùng Lục Tổng Vĩnh Lại.
Xét thấy Nam Am là một xứ đạo trung tâm với nhiều thế mạnh, nên ngay từ những ngày đầu đời giám mục, Đức cha Hêrônimô Liêm đã chọn Nam Am là nơi đầu tiên cắm Toà Giám mục Đông Đàng Ngoài, lưu động từ năm 1841 đến 1861. Thời ấy, Nam Am có Tiểu chủng viện, Đại chủng viện, có sở của các cha thừa sai dòng Đa Minh. Nam Am được nhiều đấng thừa sai đến chăm sóc mục vụ; rồi lại đưa nhiều đấng qua xứ Đông vào xứ Nam, lên xứ Bắc nhận nhiệm sở và rao giảng Tin Mừng, coi sóc bổn đạo trên địa phận Đông Đàng Ngoài rộng lớn.
Là xứ đạo trung tâm nên Nam Am diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như: Ngày 30/6/1841 diễn ra hội nghị bàn về phương hướng mục vụ nhằm dìu dắt con chiên bổn đạo sau thời Minh Mạng cấm cách bách hại, do Đức cha Hêrônimô Liêm chủ trì; Ngày 8/8/1844 diễn ra Lễ Đầu Dòng trọng thể, quy tụ mọi thành phần dân Chúa trong Địa phận; Ngày 29/6/1847, Nam Am được vinh dự đăng cai thánh lễ tấn phong Đức Giám mục phó Marti Gia.
Vào giai đoạn khó khăn vì cấm đạo dưới thời vua Tự Đức, đời sống đức tin gặp nhiều khó khăn, nhà thờ chính và 4 nhà thờ khu cũng như các cơ sở tôn giáo bị tháo dỡ nhiều lần.
Sau thời gian ngưng cấm đạo, năm 1864, Đức cha Nghĩa được Đức cha Hy phong làm Giám mục phó, và phân công phụ trách tái thiết Trường thần học Nam Am. Trong thời gian này, xứ đạo Nam Am phát triển lớn mạnh, có tới 19 họ đạo: Dương Am, Tiên Am, Địa Linh, Xuân Điện, Lôi Làng, Lôi Mía, Lạng Am, Liêm Khê, Cổ Chính, Cổ Trại, Vạn Hoạch, Hội Thượng, Hội Bến, Thủy Giang, Cống Hiền, Hạ Đồng, An Quý, Từ Lâm, Thâm Động. Vì sự lớn mạnh đó, cha Guirro (Toàn) cho rỡ 4 nhà thờ khu để làm nhà thờ lớn bằng gỗ theo kiến trúc Nam phương: kẻ chuyền, lòng thuyền, khởi công ngày 23/6/1878, tọa lạc trên đất nhà thờ hiện nay.
Từ năm 1886 đến năm 1890, cha chính Velasco (Khâm) xây khuôn viên nhà thờ, mở đường thẳng cuối nhà thờ, sau đó ngài được đặt làm Giám mục Bắc Ninh.
Năm 1891 – 1906, cha Josemassip (Tràng Sĩ) mở chợ Nam Am với quy mô khá lớn, lấy 70 mẫu ruộng, lập thành ấp Thanh Khê (Thanh Giáo) và xây dựng họ đạo tại đó vào năm 1904.
Từ 1907 – 1917, cha Chiểu làm tòa vàng ba gian cung thánh, xây hai nhà dẫy bên hông hai bên nhà thờ. Giáo xứ có thêm họ Cổ Phái được thành lập 1914.
Từ năm 1918 – 1920, cha chính Moreno (Liêm) xây tầng 1 nhà xứ, tổ chức đóng ghép gạch toàn bộ đường làng ngõ xóm, làm cho đường của Nam Am thời ấy đứng hàng nhất huyện.
Từ năm 1921 – 1924, cha chính Antonio (Bình) xây lại tháp chuông, mua hai quả chuông tại Pháp. Cuối năm 1924, Đức cha Minh chia tách và thành lập xứ Hội Am ra từ xứ Nam Am.
Từ năm 1925 – 1927, cha Pernandez (Xuyên) coi xứ
Từ năm 1928 – 1929, cha Pernandez (Vọng) coi xứ.
Từ năm 1930 – 1937, cha chính Arenas (Hiền) xây hai nhà gác, thành lập đội kèn đồng, mua kiệu vàng, bát bảo. Cha chính Hiền là thừa sai ngoại quốc cuối cùng làm cha xứ Nam Am.
Từ năm 1938 – 1944, cha Đôminicô Nguyễn Duy Nhật là người Việt Nam đầu tiên làm cha xứ Nam Am. Cha cho lấp ao hồ, chuyển nhà dẫy bên Bắc, xây ba cổng ra vào và tường vây cuối thánh đường, thành lập hội Thánh Thể ở bốn khu, hội Nghĩa Binh nam nữ của nhà xứ.
Từ năm 1945 – 1948, cha Hinh chuyển nhà dẫy bên Nam.
Từ năm 1949 – 1956, cha Đôminicô Nguyễn Ôn Lương đóng ghế nhà thờ bằng gỗ lim, củng cố hội Dòng Ba Đaminh, thành lập ca đoàn Têrêxa, hội khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Từ năm 1957 – 1977, Nam Am dưới thời các cha quản xứ: cha Cẩn, cha Nhật, cha Triều.
Tháng 6/1978 – 6/1992, cha Giuse Phạm Văn Dương kiện toàn Ban hành giáo, Giới trẻ, các hội đoàn, đảo ngói nhà thờ xứ lần bốn; thiết lập giáo họ Tân Am vào năm 1991.
Tháng 7/1992 – 2007, cha Antôn Nguyễn Văn Ninh thành lập Hội Mẫu Tâm, ca đoàn Trinh Vương, Thiếu Nhi Thánh Thể, họ đạo Xuân Am, xây Nhà Tình thương, Nhà hội trường giáo lý. Năm 1998, Nam Am tổ chức mừng sự kiện trọng đại 120 năm xây nhà thờ (1878-1998).
Ngày 25/6/2001, Nam Am khởi công xây nhà thờ mới theo kiến trúc Á Đông. Đến ngày 15/10/2006, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên cắt băng khánh thành và cung hiến với tên gọi: Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi Nam Am.
Từ năm 2007 – 2011, cha Antôn Nguyễn Văn Thục làm cha xứ.
Từ năm 2011 – 2014, cha Đaminh Nguyễn Văn Phòng làm cha xứ.
Từ ngày 9/8/2014 đến nay, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sách làm cha xứ.
Với lịch sử gần 400 năm đón nhận Tin Mừng, trải qua bao biến cố thăng trầm, xứ đạo Nam Am luôn giữ truyền thống sống đạo đức, lập nhiều công phúc, như được ghi trong “Sắc phong Năm toàn xá kỷ niệm 120 năm xây nhà thờ” của Tòa Thánh: “Nam Am một xứ đạo lớn và cổ kính, có tầm quan trọng ngay từ những ngày đầu khi Tin Mừng của Chúa được rao giảng tới mảnh đất của Giáo phận, và có nhiều công lao trong thời kỳ cấm cách”. Trước đó, Đức cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương ban tặng: “Nam Am trái tim của Địa phận”. Tất cả cho thấy lịch sử hào hùng và vai trò quan trọng của giáo xứ kỳ cựu và to lớn mang tên Nam Am.
III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Hiện nay, giáo xứ Nam Am chỉ còn 4 khu và hai giáo họ là Lôi Làng và Tân Am, với số nhân danh khoảng 2.700 người. Mặc dù địa bàn thu gọn lại, nhưng không vì thế mà Nam Am mất đi truyền thống đạo đức và sự lớn mạnh trong đời sống đức tin.
Là một xứ đạo lớn và truyền thống nên Giáo xứ có nhiều hội đoàn đạo đức đông đảo và hoạt động tích cực, như: Hội Mân Côi, Hội Mặc áo Đức Bà, Hội Thánh Thể, Hội Nam nhạc, Hội Dòng ba Đaminh, Hội Khấn, Hội hát, Hội bát âm, Hội kèn đồng, Hội trống, Hội đoàn Giới trẻ, hội Mẫu Tâm, hội Thiếu Nhi Thánh Thể…
Nam Am còn là xứ đạo có truyền thống học Kinh nguyện, Giáo lý. Rất đều đặn, cứ 3 năm giáo xứ tổ chức một lần thi kinh trong toàn xứ. Tính từ năm 1906 cho đến năm 2005, giáo xứ có 27 người đoạt thủ khoa cấp giáo xứ và Giáo phận. Trong những năm gần đây, Nam Am là một trong những giáo xứ đoạt nhiều giải nhất trong các kỳ thi Kinh và Giáo lý cấp Giáo phận.
Phụ lục: TRUYỆN CÁC VỊ TỬ ĐẠO
1. Ông Visentê Tuyên, lý trưởng, hội viên Hội Mân Côi và Dòng Ba Đaminh
Ông Visentê Tuyên sinh tại Nam Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Nhờ ảnh hưởng của mẹ, ngay từ nhỏ ông rất ngoan ngoãn đạo đức, sáng tối đọc kinh. Dầu chưa đến tuổi, ông đã tập ăn chay mỗi tuần. Ông có hai đời vợ. Người vợ trước chết mà không sinh con. Ông lấy vợ hai và sinh được hai người con trai. Ông làm việc chung trong làng, nhưng thật thà ngay thẳng, không ăn gian nói dối. Ông vào hội Mân Côi và khấn dòng Ba Đaminh.
Ngày 19/11/1859, là đầu mục trong làng, ông Tuyên bị bắt bỏ ngục. Ông bị tra khảo, đánh đập, nhưng vẫn bình tĩnh vui vẻ. Ba năm trong tù, ông không bao giờ đạp chân lên Thánh giá. Các quan nhiều lần dụ dỗ ông bỏ đạo để được về với gia đình, nhưng ông trả lời: “Tôi giữ đạo từ nhỏ đến ngày nay. Không bao giờ tôi dám bỏ Chúa tôi. Quan muốn giết thì giết, tôi sẵn sàng”.
Ngày 07/03/1862, ông Tuyên cùng một số người khác bị bắt bước qua Thánh giá, nhưng tất cả không chịu, nên bị đưa sang ngục tù khổ hơn.
Ngày 09/05/1862, ông bị đưa đi xử. Ông vừa đi, vừa giục lòng ăn năn khóc lóc và luôn kêu tên Giêsu. Năm ấy, ông được 57 tuổi.
2. Ông Phêrô Tràng, hội viên Hội Mân Côi
Ông Tràng là người Công giáo ở Nam Am. Từ nhỏ, ông đã đạo đức sốt sắng và vào hội Mân Côi. Khi lớn lên, ông lấy vợ và sinh được 5 người con trai. Ông siêng năng lần hạt và đọc kinh sáng tối.
Khi có lệnh bắt các đầu mục, các quan đem quân về Nam Am, ai nấy lớn bé già trẻ đều trốn chạy, nhất là những ông đứng đầu trong làng. Ông Phêrô Tràng bình tĩnh tin cậy và dâng mình cho Chúa. Ông cứ đứng xem quân làm gì. Quân quan lùng khám các nơi, không thấy ai cả, nên quan truyền bắt ông Tràng, đóng gông và đưa về phủ. Ngày 13/12/1860, ông Tràng bị bắt đưa về phủ. Thấy vậy, đông đảo mọi người đổ ra xem, nhưng ông bảo: “Anh em đi về, đừng theo tôi. Theo làm gì”. Ông bị đưa lên tỉnh Hải Dương và bị giam. Vợ con lên thăm, ông vui vẻ và nhắc vợ con hãy cầu nguyện cho ông.
Ngày 07/05/1862, ông bị đưa ra tòa bắt quá khóa, nhưng ông không chịu.
Ngày 09/05/1862, ông đã được phúc đổ máu vì Chúa. Ông vừa tròn 55 tuổi.
Ban Truyền thông Giáo phận biên soạn