Lưu ý khi sử dụng thuốc ho cho trẻ

Ho là triệu chứng khi niêm mạc đường hô hấp bị kích thích. Phản xạ ho giúp tống đờm hoặc dị vật ra khỏi đường hô hấp, nhờ đó không khí dễ lưu thông làm cho bé dễ thở hơn.

1. Các nhóm thuốc ho cho trẻ

1.1 Nhóm thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương

Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế trung tâm ho gồm codein, dextromethorphan. Thuốc cũng gây ức chế trung tâm hô hấp nên cần thận trọng khi dùng cho bé, đặc biệt trẻ sơ sinh không được dùng. Cần chú ý thuốc ho có dextromethorphan khá phổ biến trên thị trường, thành phần nhiều biệt dược như siro, thuốc viên chỉ dùng cho các bé trên 6 tuổi và có khả năng gây nghiện.

Riêng đối với thuốc ho chứa hoạt chất Codein chống chỉ định cho trẻ dưới 12 tuổi, thận trọng sử dụng cho các bé từ 12 đến 18 tuổi có các vấn đề về hô hấp.

Đồng thời, chống chỉ định codein cho bệnh nhân mang gen chuyển hóa thuốc nhanh ở tất cả mọi lứa tuổi, phụ nữ cho con bú. Bên cạnh đó, codein cũng chống chỉ định cho các trẻ em dưới 18 tuổi vừa cắt amidan và/hoặc thủ thuật nạo V.A.

1.2 Nhóm thuốc có tác dụng làm loãng đờm, tan đờm (acetylcystein, methylcystein, carbocystein, bromhexin, ambroxol, eprazinon…)

Đây là nhóm thuốc có tác dụng làm loãng đờm (theo nhiều cơ chế khác nhau) nhưng nói chung đều giúp tống đàm ra khỏi đường hô hấp.

Thuốc ho nên dùng khi trẻ ho có đờm hoặc đờm quá đặc không khạc ra được. Không dùng cho bé bị suy hô hấp hoặc hen phế quản vì đàm được tiết ra nhưng không đẩy ra ngoài được, làm tăng tắc nghẽn ở phế quản và phổi.

Nhóm thuốc này không nên dùng cho các trẻ bị ho dưới 2 tuổi, chống chỉ định với người bị hen phế quản. Thuốc long đờm cũng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày cần thận trọng. Trong nhóm này còn terpin hydrat có tác dụng hoạt hóa dịch nhầy phế quản làm long đờm, giúp lông mao biểu mô phế quản hoạt động dễ dàng để tống đàm ra ngoài thuốc tương đối an toàn hay kết hợp với codein trong các biệt dược. Nhóm này còn có các dược chất cổ điển như guaifenesin, amoni clorid, natri citrat.

Trẻ bị ho có đờm, khò khè, phải làm thế nào?

1.3. Nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng

Những thuốc chống dị ứng như alimemazin, diphenhydramin, clopheniramin,…Các thuốc này có tác dụng chống dị ứng, giảm kích ứng họng và giảm ho, đặc biệt ho do dị ứng. Thuốc gây buồn ngủ nên làm giảm ho về ban đêm. Thuốc cũng gây cho bé khô miệng, chán ăn và táo bón.

1.4. Nhóm thuốc có tác dụng co mạch chống sung huyết

Nhóm thuốc có tác dụng co mạch như pseudoephedrin, giảm sung huyết mũi, chống nghẹt mũi. Nhóm thuốc này thường có trong các biệt dược chữa cảm cúm (ngoài thành phần pseudoephedrin còn có các thành phần khác như paracetamol do đó nếu bé không sốt không nên dùng).

Do tác dụng co mạch, tăng nhịp tim tăng huyết áp, không nên dùng cho các bé bị bệnh tim mạch. Thuốc ho cho trẻ em còn gây kích thích nhẹ nên bé uống thuốc có thể khó ngủ, chán ăn. Cũng lưu ý thêm là các bậc cha mẹ cần thường xuyên cho các bé khám sức khỏe tổng quát định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo cho bé một cơ thể khỏe mạnh.

2. Thuốc ho có an toàn không?

Ho ra chất nhầy sẽ giúp cho phổi sạch. Dextromethorphan có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc điều trị trầm cảm. Ngoài ra, một số kết hợp thuốc cảm và thuốc ho chứa chất làm thông mũi có thể gây tăng huyết áp. Vì vậy, không sử dụng loại này nếu trẻ bị bệnh tim.

Tóm lại, nếu bạn đang cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử một loại thuốc ho nào.

3. Một vài lưu ý quan trọng khi dùng thuốc ho cho trẻ

Với trẻ em dưới 6 tuổi, không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi thuốc ho bất kì có thành phần hoạt tính (thuốc long đờm, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi) nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bởi vì tác dụng phụ của các chế phẩm này còn lớn hơn các lợi ích có được của thuốc.

Cho trẻ uống thuốc

Lưu ý khi kết hợp thuốc ho với nhóm thuốc khác

Nhiều phương pháp điều trị ho kết hợp các thuốc giảm ho và thuốc long đờm với các thuốc điều trị các triệu chứng khác, bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc làm thông mũi và thuốc giảm đau. Các dạng kết hợp này có thể tốt nếu bạn có kèm theo các triệu chứng cảm lạnh như đau nhức người, ho và nghẹt mũi. Tuy nhiên, nhược điểm là bạn có thể dùng loại thuốc mà mình không cần đến.

Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi mua thuốc từ các cửa hàng dược phẩm hay siêu thị nếu chúng có dùng chung với bất kì loại thuốc nào bạn đang dùng. Một số loại thuốc ho còn chứa các loại thuốc khác. Ví dụ, một vài thuốc có chứa paracetamol hay ibuprofen hoặc một số có chứa cồn. Điều này rất quan trọng nếu dùng thêm paracetamol hay ibuprofen để làm giảm triệu chứng sốt. Bởi nếu dùng quá liều paracetamol hay ibuprofen (quá liều) mà không biết có thể gây tổn thương gan.

Nếu đang dùng thuốc chống trầm cảm – một thuốc ức chế monoamine – oxydase (IMAO) – có thể gây ra phản ứng với vài thành phần trong thuốc ho. Dùng thuốc chung có thể gây tăng huyết áp đột ngột (cơn tăng huyết áp) hoặc dễ bị kích thích hay chán nản. Đặc biệt, người dùng IMAO nên tránh dextromethophan, ephedrine, pseudoephedrine, phenylpropanolamine và nên dùng sau 2 tuần sau khi ngừng thuốc.

  • Dextromethophan khi dùng chung với thuốc chống trầm cảm có thể làm bạn bị kích thích hoặc chán nản.
  • Ephedrine, pseudoephedrine, phenylpropanolamine khi dùng chung với các thuốc MAOI có thể gây ra cơn tăng huyết áp.

4. Khi nào nên vứt bỏ thuốc cũ?

Nếu bạn cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác, thì các loại thuốc cũ và thuốc thừa còn lại sau mỗi đợt trẻ bị ho đang chiếm khá nhiều chỗ trong tủ thuốc. Cần vứt bỏ những gì:

Hãy vứt hết tất cả những thuốc ho cũ mà bạn không dùng nữa hoặc đã hết hạn, cộng với những sản phẩm đã lỗi thời như si-rô ipecac (không được Hội Nhi khoa Mỹ khuyên dùng), nhiệt kế thủy ngân (có thể vỡ và khiến bé tiếp xúc với thủy ngân), oxy già (tốt cho giặt tẩy, nhưng xà phòng làm sạch vết thương tốt hơn), aspirin cho trẻ em (có thể gây hội chứng Reye), cùng các thuốc trị ho và cảm lạnh không cần đơn dành cho trẻ dưới 6 tuổi (không được FDA Mỹ khuyên dùng).

Vứt bỏ tất cả các thuốc kháng sinh cũ. Luôn đi khám bác sĩ nếu bé có những triệu chứng mà bạn nghĩ là cần điều trị kháng sinh. Việc bác sĩ nhi khoa sẽ quyết định bé có cần dùng kháng sinh không là rất quan trọng. Dùng kháng sinh khi không cần thiết, dùng sai kháng sinh hoặc dùng sai liều có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Alternate Text Gọi ngay