Lý do khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt
Nhiều cha mẹ khi thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt thì lo lắng không biết trẻ đang mắc bệnh gì và phải làm sao? Thực tế là có một số tình trạng khiến cho trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt khắp người. Với mỗi một nguyên nhân sẽ có cách xử lý khác nhau.
- Trẻ bị chàm
Chàm là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh từ 1-5 tháng tuổi. Biểu hiện của tình trạng này là sự xuất hiện thường xuyên các nốt mẩn đỏ như muỗi đốt ở vùng da má, quanh miệng, phía tai sau hay mu bàn tay của trẻ.
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt là do bị dị ứng với sữa. Phần lớn những nốt mẩn đỏ này sẽ tự biến mất khi trẻ lớn hơn và thường không để lại sẹo nếu được chăm sóc, vệ sinh đúng cách.
Trẻ đang bú thì mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn, tránh sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng và sử dụng chất tẩy rửa phù hợp với da của bé. Đồng thời, vệ sinh da sạch sẽ, chỉ sử dụng thuốc, kem bôi da khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Trẻ bị nấm da
Nếu như trẻ bị nổi nốt đỏ như muỗi đốt ở khu vực quanh miệng hay mặt, mà không xuất hiện ở khu vực khác trên cơ thể thì cũng có khả năng trẻ bị nấm da, chủ yếu là vi trùng nấm men (Candida).
Nếu không được điều trị hiệu quả và đúng cách, trẻ bị nấm da sẽ cảm thấy khó chịu, hay quấy khóc gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống. Nấm có thể lây lan từ lưỡi, miệng của trẻ xuống đường hô hấp dưới như phế quản, phổi gây viêm nhiễm đường hô hấp. Khi đó trẻ sẽ bị đau, rát miệng gây khó khăn trong việc ăn, uống.
Nếu như bạn đã vệ sinh vùng da bị nhiễm nấm cho trẻ bằng nước muối sinh lý mà những nốt mẩn đỏ trên da vẫn không có dấu hiệu biến mất thì bạn nên đưa con đi khám để có biện pháp xử trí kịp thời, tránh nấm lây lan hoặc tổn thương da bị bội nhiễm trở nên nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, kem bôi da khi trẻ chưa được thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
- Trẻ bị tay chân miệng
Nhiều cha mẹ hay nhầm lẫn trẻ bị tay chân miệng với một số bệnh ngoài da. Vì biểu hiện trong 1 – 2 ngày đầu khi trẻ mắc tay chân miệng sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da như các tình trạng trên. Sau đó, các nốt ban này mới trở thành mụn nước.
Các mụn nước thường xuất hiện ở các vị trí như miệng, lòng bàn tay và chân, vùng mông, đầu gối, khuỷu tay. Bên cạnh đó trẻ còn có các biểu hiện khác như là sốt, mệt mỏi, kém ăn, ho ít, chảy nước mũi, có thể tiêu chảy hoặc nôn trớ. Tuy nhiên, điều làm cho trẻ cảm thấy khó chịu hơn cả đó là những mụn loét ở miệng làm trẻ bị đau, ăn không ngon và quấy khóc.
Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được nặn, chích các mụn nước này, cũng không nên bôi các loại thuốc, kem bôi da khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Bởi việc sử dụng thuốc không đúng có thể khiến cho trẻ bị nhiễm trùng huyết và da.