Ma trận lừa đảo trên mạng

Chú thích ảnh
 Website giả mạo trang thương mại điện tử của Amazon.

Nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Với lời cam kết, chỉ cần cú nhấp chuột, chuyển khoản mua hàng, người mua sẽ được hoàn ngay 100% tiền gốc kèm hoa hồng hậu hĩnh…, những kẻ giấu mặt đã nhiều lần thu được những khoản tiền lớn từ người dùng nhẹ dạ cả tin. Kịch bản của các đối tượng này rất tinh vi, bài bản với phương châm “Nhả cho ăn 1 lần rồi ‘giết’ lại 3 lần”.

Là người được bạn bè đánh giá là am hiểu cuộc sống, công việc chuyên môn làm trên máy tính, biết tiếng Anh, có cơ hội đọc nhiều thông tin “nóng hổi” nhưng anh N.T.T (khu chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn bị cuốn vào trận đồ lừa đảo và đã mất 130 triệu đồng vào trung tuần tháng 2/2023.

“Cách đây 6 tháng, một nick FB giới thiệu tên là Thanh (nữ) chủ động làm quen với tôi trên mạng. Thanh chia sẻ từng ở Pháp, nơi tôi công tác cách đây 2 năm. Thi thoảng, tôi và Thanh có chát với nhau, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, thậm chí cùng sở thích… Tôi thấy lạ, dường như Thanh hiểu rất nhiều về tôi, sau này tôi mới phát hiện, Thanh đã âm thầm theo dõi mọi động thái cũng như lịch sử hoạt động của tôi trên mạng và Zalo”, anh N.T.T nhớ lại.

Chú thích ảnh


Nội dung tin nhắn trao đổi về tiền hoa hồng để tạo niềm tin cho các thành viên trong nhóm VIP 128.

Sau thời gian dài nói chuyện, có chút thiện cảm, Thanh giới thiệu tôi tham gia vào group chát gồm 31 thành viên, gọi là nhóm kinh doanh với tên gọi 128 VIP. Ban đầu đối tượng tự nhận là Thanh động viên N.T.T là cứ theo dõi và giao lưu trong nhóm, không phải đầu tư gì cả. “Qua quan sát, tôi thấy trong nhóm có 5 quản trị viên và họ giới thiệu trang Amazon (amazonxn.com) đang có những chương trình lan tỏa thương hiệu, tăng lượng người mua hàng trên hệ thống của Amazon trên toàn cầu. Nếu thành viên của 128 VIP mua bất cứ sản phẩm nào tại amazonxn.com; đồng thời thả tim trên TikTok, Facebook sẽ được hoàn tiền gốc kèm lãi từ 10 đến 30%, thậm chí gấp đôi, tùy theo giá trị sản phẩm được mua”, anh N.T.T chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, hiện amazonxn.com vẫn đang hiển thị trên mạng, trên đó có rất nhiều mặt hàng được rao bán như: Đồ trang sức, đồng hồ, sản phẩm điện tử, phụ kiện, mỹ phẩm… “Ban đầu, khi tham gia vào nhóm 128 VIP, tôi cũng khá e dè. Tuy nhiên qua nhiều tháng theo dõi, cứ từ 9 giờ sáng tới 11 giờ đêm hằng ngày, tôi đều chứng kiến nhiều thành viên trong nhóm chốt đơn mua hàng trên amazonxn. com đều được nhà cung cấp trả tiền gốc và hoa hồng rất sòng phẳng, hậu hĩnh. Họ trao đổi cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt, khoe ảnh chốt đơn và ảnh biến động số dư sau khi tiền đổ về tài khoản cá nhân”, anh N.T.T cho biết.

Cảm thấy tin tưởng, N.T.T đặt mua sản phẩm chỉ vài trăm ngàn đồng, lập tức, N.T.T được nhà cung cấp hoàn trả gốc và hoa hồng đầy đủ. Sau đó, N.T.T tiếp tục mua đơn hàng 600 USD, tiền đổ về tài khoản của N.T.T là 650 USD; chi 800 USD mua đồ, tiền được nhận là 950 USD. Tới khi mua hàng trị giá 1.000 USD, bộ phận chăm sóc khách hàng tư vấn: N.T.T thuộc diện khách hàng VIP, được mua gói hàng đặc biệt với lãi suất từ 20 – 30%, nhưng để lấy lại số tiền gốc và lãi thì phải chuyển thêm tiền. Nếu nộp tiếp 2.000 USD, N.T.T còn được nhân đôi tài khoản. Nếu không nộp, tài khoản có nguy cơ bị phong tỏa vì một số lý do nào đó.

“Như bị lú, tôi liên tục chuyển tiền và nhân viên chăm sóc khách hàng vẫn cứ kiên trì thuyết phục rằng, tôi sắp nhận được toàn bộ số tiền gốc và lãi nhưng do lỗi hệ thống kỹ thuật nên tiền chưa đổ về…Cứ thế, tôi lại tiếp tục chuyển tiền, theo lời tư vấn của họ để mong lấy lại toàn bộ số tiền gốc trước đó. Đến khi chuyển tổng cộng 6.000 USD, tôi mới bừng tỉnh mình đã bị lừa”, anh N.T.T buồn bã nói.

N.T.T là một trong số hàng ngàn nạn nhân đã bị lừa trên mạng với nhiều chiêu trò, nhiều phương thức dụ dỗ.

Tương tự, chị N.N.Q (đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ) chia sẻ, chị cũng là nạn nhân của trò lừa đảo khi đặt các đơn hàng ảo trên một sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng.

Sau khi đặt hàng, “người tuyển dụng” yêu cầu chị N.N.Q thanh toán vào một tài khoản khác thay vì tài khoản chủ shop và được giải thích đây là tài khoản trung gian. “Với công việc này, bên kia sẽ gửi cho tôi một đường link, là một sản phẩm có giá tiền ghi sẵn. Tôi click vào đường link, sau đó chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một tài khoản khác. Ví dụ món hàng có giá trị hơn 500.000 đồng, tôi sẽ chuyển đủ tiền vào số tài khoản đó. Sau khi chuyển tiền xong 3 – 5 phút, họ hoàn lại cho tôi tiền gốc và tiền hoa hồng, có món thì 5%, món 10%, món 12%…”, chị N.N.Q kể.

Chú thích ảnh
Đối tượng lừa đảo đưa ra các lý do để người mua hàng “sập bẫy”.

Chị N.N.Q đã liên tục chốt các đơn hàng và đến đơn thứ 11 thì tài khoản của chị N.N.Q bị “đóng băng”. “Khi tôi phản ánh, họ nói phải làm thêm 3 nhiệm vụ nữa rồi mới rút được tiền. Tôi nghe theo và nạp thêm 30 triệu đồng để hoàn thành các nhiệm vụ còn lại nhưng toàn bộ số tiền đã bị mất”, chị N.N.Q nói.

Đề cập về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết: Các ứng dụng, trang web lừa đảo ngày càng nở rộ với chiêu dụ được nhiều người tham gia. Sau khi trả lợi nhuận một vài lần, khi ứng dụng thu hút được số tiền như mong muốn, các đối tượng lừa đảo sẽ lập website khác. “Cần cảnh giác với những website cam kết mang lại lợi nhuận cao bất thường, vì không thể kiếm tiền theo kiểu việc nhẹ lương cao”, ông Vũ Vinh Phú khẳng định.

Alternate Text Gọi ngay