Mạo nhận phân phối dịch vụ kỳ nghỉ của các doanh nghiệp lớn trục lợi
Timeshare hay Sở hữu kỳ nghỉ đã du nhập vào Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây mang theo nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người sở hữu. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến mô hình này đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi bất chính.
Cùng sự tăng trưởng của dịch vụ Timeshare tại Việt Nam, thời gian gần đây đang xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân mạo danh uy tín và thương hiệu của các doanh nghiệp lớn, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính cũng như vận hành của thị trường Timeshare nói chung.
Đối tác tự xưng
Ghi nhận của phóng viên theo đơn thư của độc giả gần đây, nhân viên của một tổ chức có tên Paday Timeshare đã liên lạc và tự giới thiệu doanh nghiệp mình là một trong những đơn vị quản lý, phân phối các gói dịch vụ nghỉ dưỡng 5 sao của nhiều tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup, FLC Group, Bim Group… để mời chào khách hàng mua sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, trao đổi với đại diện của FLC, đơn vị này cho hay hiện chỉ có FLC Holiday là thương hiệu duy nhất được trao quyền khai thác dịch vụ Sở hữu kỳ nghỉ trên toàn hệ thống của Tập đoàn.
FLC Holiday là thương hiệu duy nhất được trao quyền khai thác dịch vụ Sở hữu kỳ nghỉ trên toàn hệ thống quần thể của Tập đoàn FLC.
Trong danh sách đơn vị đại lý phân phối chính thức của FLC Holiday đăng tải trên website: http://flcholiday.com/, không hề có đơn vị nào là Paday Timeshare.
Cũng theo phản ánh của nhiều khách hàng, Paday Timeshare hứa tặng khách hàng voucher nghỉ dưỡng cao cấp sử dụng tại FLC Hạ Long, một quần thể cao cấp của FLC. Nhưng khi liên hệ đặt phòng để sử dụng voucher thì khách hàng được biết FLC Hạ Long không có bất kỳ liên kết nào với Paday Timeshare, do đó voucher này không có giá trị.
“Nhân viên Paday sau đó có giải thích việc tặng voucher có sự nhầm lẫn do đơn vị in, nhân viên telesale giới thiệu sai với khách hàng”, chị P.T.K.G, một nhân vật được đề cập trong loạt bài về Paday cho hay và nhận định rằng hành vi này có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, quảng cáo sai sự thật.
Khi tìm hiểu sâu hơn, có thể thấy Paday Timeshare không phải trường hợp duy nhất trong hàng loạt tổ chức đang cố ý gây nhầm lẫn là đối tác chiến lược hay đơn vị phân phối kỳ nghỉ của các thương hiệu lớn để kinh doanh trục lợi.
Trước đó, tháng 2/2019, FLC Holiday đã đăng tải một thông báo trên fanpage chính thức về việc tồn tại Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ Du lịch Nghỉ dưỡng FLC (có tên gọi rất dễ gây nhầm lẫn với FLC Holiday) hoàn toàn không phải là công ty con/công ty liên kết/ đại lý phân phối/đại diện bán hàng của FLC Holiday.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp khách hàng phản ánh liên tục nhận được cuộc điện thoại từ các nhân viên tự xưng là công ty đối tác hợp tác với tập đoàn nghỉ dưỡng lớn trong nước để chào thuê hoặc mua lại kỳ nghỉ của khách với mức cam kết chia sẻ lợi nhuận hấp dẫn tại khu nghỉ dưỡng đó. Nhưng thông tin đối chiếu thực tế cho thấy, những đơn vị này không hề có bất kỳ sự hợp tác nào với các khu nghỉ dưỡng như lời quảng cáo.
Thông tin từ FLC Holiday cho hay, rất nhiều khách hàng đã liên hệ trực tiếp tới công ty để phản ánh và kiểm tra lại thông tin về những tổ chức như YTS, HFV, Dreams Holiday, Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng FLC tại Cần Thơ… hay trường hợp của Paday Timeshare nói trên.
Nhiều chiêu trò giả mạo
Theo tìm hiểu của PV, trong trường hợp của Paday Timeshare, một trong những nhân sự chủ chốt của tổ chức này từng làm việc tại FLC Holiday. Tuy nhiên, từ tháng 8/2019, FLC Holiday đã chấm dứt quan hệ sử dụng lao động, quan hệ ủy quyền thực hiện mọi công việc của người này.
Đáng chú ý, trong thời gian làm việc tại FLC Holiday, nhân viên này từng bị công ty xử vi phạm hành chính do có nhiều hành động vi phạm như: lạm dụng quyền hạn, chức vụ, lợi dụng sự tín nhiệm của khách hàng để tự ý nâng giá trị sản phẩm hoặc cam kết với khách hàng chi trả lợi nhuận cao không đúng với quy định.
Vụ việc của Paday Timeshare là một trong những trường hợp “mạo danh” điển hình đang gây lũng đoạn thị trường timeshare tại Việt Nam. Các tổ chức “mạo danh” thường sử dụng nhiều biện pháp để cố ý gây nhầm lẫn về mặt thông tin và trục lợi từ khách hàng, bao gồm đặt tên doanh nghiệp tương tự như các tổ chức uy tín, phát hành các voucher quà tặng vô giá trị để mời chào khách hàng hay tự xưng là đối tác chiến lược của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch…
Nhiều công ty trong số này có điểm chung là bản thân người điều hành từng làm trong lĩnh vực Timeshare, tường tận về dịch vụ cũng như những kẽ hở của sản phẩm, thị trường để đưa ra các sản phẩm tương tự nhưng bị “biến tướng” để che mắt, lừa gạt khách hàng.
Ví dụ bán thẻ nghỉ dưỡng tại khách sạn cao cấp nhưng trên thực tế không hề có bất cứ hợp đồng ký kết đối tác hay liên kết với các khu nghỉ dưỡng này, hay cam kết mua hoặc cho thuê lại các gói sản phẩm của khách hàng với lợi nhuận cao nhưng không thể thực hiện được.
Nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước những hành động “mạo danh” có dấu hiệu lừa đảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp cũng như uy tín của thị trường Timeshare tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này đã liên tục khuyến cáo tới khách hàng thông qua nhiều văn bản chính thức.
Một thông tin được đăng tải trên fanpage chính thức của FLC Holiday thông báo: “Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến các đối tượng “mạo danh” hoặc “có dấu hiệu gây nhầm lẫn” với các đơn vị kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ, khách hàng cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đồng thời thông báo cho FLC Holiday theo đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời”./.
Viettel và FLC tiếp tục hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số
VOV.VN – FLC và Viettel sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung trong thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2018 – 2022 mà hai bên đã ký hồi tháng 10/2018.
Tập đoàn FLC và Agribank hợp tác chiến lược phát triển toàn diện
VOV.VN – Thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết, FLC và Agribank cùng nhau phát huy năng lực, nguồn lực tài chính cho các chiến lược đầu tư mở rộng.