Một số quy luật của âm dương lịch
Vì quy luật để tạo ra âm dương lịch khá phức tạp như chúng tôi đã nói ở bài trước nên hầu như rất khó để biết chính xác lịch âm, nếu chúng ta không có bảng ngày giờ sóc cũng như ngày giờ của các trung khí. Ngày nay, với kỹ thuật hiện đại, bằng máy tính, con người đã tính được chính xác bảng này để tạo ra lịch vạn niên.
Bảng này dựa trên sự chuyển động có tính tuần hoàn của Trái đất trên đường hoàng đạo, với trục quay đã được tính toán sẽ lệch thêm sau bao nhiêu năm. Cũng vậy, dựa trên thời gian quay quanh Trái đất của Mặt trăng tại những vị trí khác nhau của Trái đất trên đường hoàng đạo mà xác định chính xác được giờ sóc và các trung khí.
Âm dương lịch đã và đang còn gắn bó với cuộc sống của chúng ta. Có 12 tiết khí và 12 trung khí thay phiên nhau một cách tuần hoàn trong năm dương lịch dùng để tạo âm dương lịch là: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh chập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn. Mỗi ngày này đều có một ý nghĩa về mặt thời tiết, mùa vụ và thường cách nhau từ 14 đến 16 ngày. Ngày Đông chí thường là 21-12 hoặc 22-12 dương lịch và bắt buộc phải rơi vào tháng 11 âm lịch. Theo đó, ngày Tết Nguyên đán sẽ vào khoảng từ 21-1 (như năm 1985) đến 19-2 (như năm 1996), tùy thuộc ngày Đông chí là ngày nào của tháng 11 âm lịch.
Việt Nam chọn ngày Lập xuân là thời điểm đầu tiên của một năm âm dương lịch (có thể không trùng Tết Nguyên đán), thường khoảng ngày 3 hoặc 4 tháng 2 dương lịch (năm 2014 ngày Lập xuân là 4-2). Đó là ngày mà ở miền Bắc bắt đầu có mưa phùn, gây ra hiện tượng nồm, rất thích hợp cho sự phát triển của cây cối và vi khuẩn. Những ngày như Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông đều là đánh dấu ngày đầu tiên của mỗi mùa. Ngoài ý nghĩa gắn với lễ hội, tâm linh, tục giỗ ông bà tổ tiên, phong thủy, tướng số… thì âm dương lịch còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống từ xa xưa của người Việt. Đó là việc xác định chính xác mùa vụ cho lịch của nhà nông và thủy triều để tiện cho việc đi biển.
Theo chu kỳ 19 năm, rất nhiều tháng cách nhau 19 năm có lịch giống nhau cả ngày dương lịch và ngày âm dương lịch. Chẳng hạn tháng 1 của những năm 2014, 1995, 1976, 1957 hay 2033 đều giống nhau: Ngày 1-1 là mùng 1 tháng Chạp, ngày 31-1 là ngày Tết Nguyên đán. Sau mỗi lần 19 năm, âm dương lịch lại thiếu so với dương lịch khoảng 1 giờ 12 phút. Như vậy, sau 20 lần hay 380 năm, âm dương lịch sẽ lệch 1 ngày so với lịch dương và chu kì 19 năm như trên của tháng 1 năm 2014 sẽ thay đổi (lịch tháng 1 năm 2052 khác năm 2033).
Kết quả kỳ trước: Tháng nhuận của các năm âm lịch 2012, 2009, 2006, 2004, 2001 tương ứng là tháng 4, 5, 7, 2, 4. Trao giải 50.000 đồng/người cho bạn Trần Quang Ngọc (42E1, Lý Thường Kiệt).
Kỳ này: Em có biết Tết Nguyên đán năm 2015 là ngày nào dương lịch? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.