NGHI THỨC TRÌNH DIỄN DÂNG BÔNG, MÚA BÓNG TẠI LỄ HỘI AM CHÚA

Đôi nét về điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội.

Từ giữa thế kỷ XVII, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã chính thức thiết lập bộ máy tổ chức quản lý và khai phá vùng đất này. Những binh lính và lưu dân Việt ở các tỉnh phía Bắc theo lệnh chúa Nguyễn đến đồn trú, khai khẩn và định cư ở đây là những người có nguồn gốc ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…. đã đến vùng đất mới Thái Khang  (Khánhh Hòa ngày nay). Cư dân Việt sống xen kẽ với cư dân bản địa một cách hòa bình, tiếp nhận văn hóa của nhau tạo thành một nền văn hóa mới.

Theo cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – phần tỉnh Khánh Hòa của tác giả Nguyễn Đình Đầu thì Diên Điền ngày nay thuộc Đại An xã. Sau đổi thành xã Đại Điền, đến khoảng giữa thế kỷ XIX, tình hình kinh tế, xã hội của xã phát triển mạnh, cư dân đông đúc, phạm vi xã lại quá rộng nên xã Đại Điền chia làm 4 làng: Đại Điền Đông, Đại Điền Trung (nay thuộc xã Diên Điền), Đại Điền Nam, Đại Điền Tây (nay thuộc xã Diên Sơn).

Do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử – xã hội, sự tiếp biến văn hóa hoặc do sự hỗn dung tín ngưỡng, tôn giáo, phương thức sản xuất, lao động, nhu cầu và niềm tin của cộng đồng mà hình thành nên các dạng thức văn hóa, tín ngưỡng ở mỗi vùng miền tạo nên các sắc thái riêng.

Vì vậy, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa là một đặc trưng điển hình. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây là một bức tranh đa dạng về dạng thức thờ Nữ thần, Mẫu thần, về cách thực hành văn hóa và đặc biệt là sự hỗn dung văn hóa Việt – Chăm. Biểu hiện sự khác biệt ấy một các rõ nét nhất chính là hệ thống điện thờ Nữ thần, Mẫu thần của người Việt ở Khánh Hòa.

Am Chúa là một địa điểm thờ phụng Thiên Y A Na có những nét rất riêng và khác biệt với Tháp Bà và các ngôi miếu nhỏ thờ Bà trong toàn tỉnh. Không chỉ vậy, lịch sử hình thành và phát triển của Am Chúa còn là bức tranh thu nhỏ thể hiện tiến trình thờ phụng Thiên Y Thánh Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa từ khởi thủy cho đến hôm nay.

Năm 1653, vùng đất này chính thức được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, người Việt tiếp nhận Nữ thần Ponagar của Chăm và Việt hóa Mẹ xứ sở thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt.  Hình tượng của Bà, việc thờ phụng Bà đã kết tinh vào văn học, văn nghệ dân gian, vào đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân một cách sâu sắc và rộng rãi.

Lễ hội Am Chúa

Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất lâu đời, phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội cổ truyền Việt Nam. Lễ hội từ lâu đã là một phần hồn của dân tộc, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt qua bao đời. Trải qua thời gian, hoạt động lễ hội như mạch ngầm tuôn chảy trong đời sống cộng đồng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của cư dân. Đặc biệt, đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, lễ hội là những thời điểm để con người thực hành những nghi lễ quan trọng dâng lên đấng thần linh các vật tế nhằm thể hiện lòng thành của mình, bên cạnh đó cầu các vị thần linh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, mùa màng bội thu…

Lễ hội Am Chúa là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa,  phần lễ là chính, nhưng cũng chính là phần hồn, đưa lại cho người xem nhiều say mê, suy nghĩ, đồng thời thu hút người xem bởi trong “lễ” chứa “hội”. Ở lễ hội Am Chúa, có các trình diễn nghệ thuật dân gian hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Trước kia, trong những năm chiến tranh, lễ hội bị mai một; đến năm 1987 lễ hội Am Chúa được phục hồi và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa nói chung.

Theo quan niệm dân gian, “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Lễ hội Am Chúa cũng diễn ra vào tháng Ba và được diễn ra theo một diễn trình truyền thống. Gồm các lễ khai mạc, lễ tam hiến trơn, lễ tế nữ quan, lễ tế chính, lễ cúng hậu thường. Tuy nhiên, nghi thức trình diễn dâng bông, múa bóng ở Am Chúa diễn ra liên tục trong 3 ngày lễ hội, từ 1/3 – 3/3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Am Chúa là sự tập trung của rất nhiều đoàn theo đạo Mẫu không chỉ ở Khánh Hòa mà cả các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thừa thiên – Huế, Gia Lai, Đắc Lắk … Vì vậy, việc nghiên cứu về quy trình lễ Mẫu cũng có nhiều điểm khác nhau. Nhưng, tựu chung, có hai phái hoạt động chính ở Khánh Hòa là Tam phủ và Tứ phủ.

Phái Tam phủ gồm Thượng thiên, Trung thiên và Thủy phủ.

Phái Tứ phủ gồm: Thượng thiên, Trung thiên, Thượng ngàn, Thủy phủ.

Hai phái này gọi chung là “Tam tòa Thánh Mẫu”.

Ở Khánh Hòa việc một số cư dân người Việt vào định cư và lập nghiệp, mang theo tín ngưỡng thờ Mẫu miền Bắc vào đều lập đền, điện thờ, có tín đồ được gọi là điện thờ Tam phủ, Tứ phủ Bắc của người Việt. Đó là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Tuy nhiên, họ đã tích hợp thờ Thiên Y Thánh Mẫu, Ngũ Hành Thần nữ và Quan Thánh, ví dụ như (Bảo Hà Linh Từ – Cam Ranh); sơn Lâm Dạ Quán – Nha Trang.

Ngoài ra, có rất nhiều điện thờ Tứ phủ Huế (còn gọi là Tiên Thiên) chủ nhân hoặc con nhang đệ tử là những người di cư từ Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam… hoặc bản địa Khánh Hòa, họ theo tín ngưỡng này và lập điện thờ Mẫu trong đất của tư gia.

(Bàn thờ Mẫu tại Am Chúa)

* Nghi thức trình diễn dâng bông, múa Bóng ở Am Chúa

Để hiểu về các nghi thức trình diễn, trước hết ta phải đi tìm hiểu về chủ nhân thực hành các nghi thức trong lễ hội.

Một trong trung tâm thờ Mẫu lớn nhất ở miền Trung chính là Điện Hòn Chén; nơi mà Thánh Mẫu Thiên Y A Na được đồng nhất với Mẫu Thiên – Mẫu Liễu Hạnh (Tam tòa Thánh Mẫu); đặc biệt là sau sự kiện mẹ của vua Đồng Khánh xin Mẫu cho con bà được nối ngôi (là vua Đồng Khánh sau này). Và kể cả khi vua Đồng Khánh được lên ngôi, ông đã tự cho mình là “đệ tử” của Mẫu.2

Nói như vậy để thấy rằng, việc thờ Nữ thần Ponagar tại Khánh Hòa của người Chăm, được người Việt tiếp quản, sáng tạo lên hình mẫu Thiên Y A Na; tuy nhiên, quá trình đó diễn ra từ từ; đặc biệt, có lẽ được định hình và phát triển mạnh là sau khi triều Nguyễn (đặc biệt là triều vua Đồng Khánh lên ngôi) thì tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung (trong đó có Khánh Hòa) có điều kiện để phát triển.

Chính vì vậy mà nghi thức trình diễn dâng bông, múa Bóng đã trở thành nghệ thuật trình diễn dân gian ấn tượng nhất trong lễ Vía Thiên Y A Na tại Am Chúa và các địa điểm thờ Bà khác trong tỉnh Khánh Hòa. Dưới góc độ văn hóa – nghệ thuật, đây là một hình thức diễn xướng đặc thù, một loại hình sân khấu tâm linh.

Là hình thức diễn xướng tổng hợp, vì nó sử dụng một cách tổng hợp các yếu tố âm nhạc, hát, múa, các động tác trong trình diễn hầu bóng; còn gọi là loại hình sân khấu tâm linh là bởi vì môi trường, không gian, thời gian, tình huống và diễn xướng mang đầy đủ những đặc trưng của sân khấu tâm linh; tức nó diễn ra trước điện thờ, trước tượng thờ và bao trùm lên là một không khí thiêng liêng.

Nghi thức trình diễn dâng bông, múa Bóng ở Am Chúa sau khi quan sát, phân tích, tìm hiểu chúng tôi tạm thời chia làm 2 phần; tuy nhiên đôi lúc có đoàn thực hành quy trình này là tách bạch, rõ ràng; nhưng có đoàn thực hành song song.

Nghi thức trình diễn múa dâng lễ tại Am Chúa

Trước khi vào điện đảnh lễ, mỗi đoàn đều trang phục chỉnh tề, trên đầu mỗi thành viên đều đội một mâm (khay) vật tế, họ xếp thành hai hàng dọc trước Tam quan. Người dẫn đầu đoàn tế lễ đến dâng hương trước án thờ ở Tam quan. Xong nghi thức, cả đoàn tiến lên tiếp tục dâng hương trước mộ ông bà Tiều, miếu Ngũ Hành và miếu Sơn Lâm; sau cùng, đoàn vào điện Bà đảnh lễ. Trước kia là vậy, nhưng hiện nay do thời gian vào dâng Mẫu quy định chỉ 30 phút nên các đoàn tập trung trước võ ca.

Trước Chánh điện, cả đoàn đứng thành hàng ngang hai bên tả, hữu Võ ca. Mỗi người đội một lễ vật, Chánh tế đứng ở hàng đầu, mỗi bên ba người, còn mọi người đứng phía sau kế tiếp, trên tay hoặc trên đầu mỗi người đều có một khay bông hoặc trái cây dâng lên Mẫu. Riêng đội múa Bóng đứng thành hai hàng tại Võ ca đợi múa hành lễ. Người dẫn đầu đoàn tế lễ làm lễ niệm hương, rồi cùng cả đoàn thực hành nghi thức đại bái (ba lạy). Sau đó, nhạc lễ bắt đầu, đội múa Bóng múa theo điệu nhạc.

Làm nền cho múa dâng lễ người ta cũng dùng âm nhạc, đó là nhạc lễ gồm trống và đàn; diễn tấu bài Trống màn hay một bản đàn nào đó như: Mẫu đơn, khúc ca hoa chúc, Mạnh Lệ Quân.

Thông thường, tại các trình diễn múa dâng lễ, đoàn múa có sáu, tám hay mười hai thiếu nữ mặc áo dài, khăn đóng, khăn vắt vai cột chéo xuống thắt lưng. Mở đầu cho múa Dâng lễ là múa Dâng hoa linh. Để thực hiện điệu múa, các vũ nữ hai tay cầm loại dây xoắn như thừng, tẩm dầu đốt như nến và múa uyển chuyển theo tiếng nhạc.

Sau phần múa Dâng hoa linh là phần múa Dâng bông (dâng hoa) với các vũ nữ đội các mâm hoa thơm đủ loại sắc màu.

Phần thứ ba là phần múa Dâng đăng (hoa đăng) với các vũ nữ đội mâm nến thắp sáng.

Phần thứ tư là Dâng nước (khay đựng trà hoặc nước lọc)

Phần thứ năm là Dâng quả (ngũ quả – đồ quả thực): các khay ngũ quả được xếp thành đĩa hoặc mâm (rau, củ, quả… là thức ăn)

Phần thứ sáu là Dâng tấu cổ (vàng mã) mâm xếp hình tháp, được làm bằng giấy, gắn cờ xí hay giấy kính đủ màu thật lộng lẫy.

Đây còn được gọi là múa Lục cúng, nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với đấng siêu nhiên để cầu mong mọi điều tốt lành như lời giáo đầu cho múa Lục cúng:

“Nay dâng hương, hoa, đăng, trà, quả, thực.

Sáu mùi đều hương vị ngát lừng

Lòng kính thành xin Phật chứng minh

Cầu thiên hạ thái bình an lạc…”

Như đã phân tích ở trên, việc chi phái Tiên Thiên ở Khánh Hòa bị ảnh hưởng việc cúng Mẫu của cư dân Huế, do vậy, mẫu Liễu Hạnh khi được đồng nhất với Mẫu Thiên Y A Na lại càng là đòn bẩy để những nghi lễ, văn chầu, nghi thức trình diễn, có môi trường để phát triển và sáng tạo. Vậy nên đâu đó, trong tâm thức đệ tử Mẫu, Mẫu Thiên Y A Na còn được đồng nhất với Phật Mẫu Quan Âm; thể hiện trong các bài kinh, các bài văn cúng Mẫu với câu “Nam mô Thiên Y A Na Thánh Mẫu Đại Từ Tôn”.

Hay lời cầu trong bài Vãn Bà được các đoàn múa dân gian hát trong lúc làm lễ:

Ai mà vì nước vì dân

Cũng nhờ có sức tiên thần giúp cho

Muôn dân đều đặng ấm no

Gió mưa hòa thuận cơ đồ vững an…

Trong lúc đội múa Bóng đang múa ở võ ca thì bên trong Chánh điện có một nữ vũ công đang uyển chuyển múa, trên đầu người này đội từng mâm lễ vật, gồm 6 mâm tất thảy. Nhưng cũng có đoàn có cả 6 vũ công và trên đầu mỗi vũ công đội một mâm lễ vật dâng lên Bà. Sáu lễ vật được dâng là:

Dâng hương (nhang – trầm)

Dâng bông (hoa)

Dâng đăng (đèn)

Dâng thủy (nước – trà)

Dâng quả (trái cây)

Dâng tấu cổ (vàng mã)     

Để dâng mỗi lễ vật lên cúng Mẫu, vũ công phải thực hiện các động tác múa khác nhau. Đặc biệt, vũ công phải giữ cho vật tế trên đầu mình ở thế cân bằng, không được chao đảo, nghiêng đổ, dù khi người múa ở tư thế đứng, hay tư thế quỳ hoặc cả ở những lúc ngồi bắt chéo chân ra phía sau và toàn thân rạp người xuống phía trước rồi xoay nghiêng sang phải, sang trái ở góc 450.

“Quan sát kỹ điệu múa Bóng của vũ công thực hiện trước điện thờ, ta thấy các động tác của họ đều tuân thủ theo quy luật âm dương: sấp – ngửa, thượng – hạ, tiền – hậu, vay – trả như được quy định trong hệ thống lý luận về múa dân gian của người Việt. Kỹ thuật múa khá độc đáo của người múa Bóng là từ phần cổ lên đầu. Vũ công đã điều tiết các khớp ở cổ để giữ cho đầu luôn thăng bằng và gương mặt, ánh mắt của vũ công luôn nhìn thẳng về hướng điện thờ cho dù phần thân, phần chân tay của vũ công múa ở động tác xoay sang bên trái hay sang bên phải” [41, tr.26].

Khi phần dâng lễ lên Mẫu, hai bàn tay mềm mại của vũ công kết hợp với các bước nhún của đôi chân uyển chuyển theo nhịp nhạc. Trong khi đó, lễ vật dâng đội trên đầu của các vũ công lại luôn ở thế cân bằng. Tất cả đã tạo cho người xem nhiều cảnh huống lạ mà đẹp mắt. Thậm chí, các vũ công còn truyền nhiệt huyết của mình tới được người xem thông qua các động tác, để người xem cùng hứng khởi cổ vũ thậm chí là nhảy, múa theo các vũ công…  

Sau khi dâng lễ vật lên Mẫu, thì đến phần dâng lễ vật cuối cùng là dâng tấu cổ (mâm tháp cao khoảng 60 – 80cm). Theo thông lệ trước kia, khi mỗi đoàn kết thúc phần đảnh lễ trước điện thờ Bà thì tất cả đều phải đem chiếc tấu cổ ra đốt để hóa dâng lên Thánh Mẫu. Thậm chí, có đoàn đã vừa múa vừa hóa dâng tấu cổ trên đầu.

Với điệu múa này, ngọn lửa bập bùng cháy trên đầu các vũ công, trong khi họ vẫn tiếp tục múa uyển chuyển với đủ mọi tư thế, động tác cùng với tiếng reo hò, vỗ tay của mọi người tham dự. Thế nhưng, tập tục ấy bây giờ cũng được cải tiến. Thay vì đốt trực tiếp như trước đây, hiện nay khi kết thúc phần lễ, người đảnh lễ dâng tấu cổ lên xá ba xá trước án thờ rồi chuyển chiếc tấu cổ cho người phục vụ lễ của Am đem vào hậu điện, sau lễ hội mới đưa ra đốt.

Trong suốt khoảng thời gian múa và dâng đủ sáu lễ vật lên án thờ Bà, động tác múa luôn nhịp nhàng, uyển chuyển, thần sắc của các vũ công càng trở nên rạng rỡ hơn… Nhất là đôi mắt của họ tròn xoe hướng về phía tượng Bà đang tại vị nơi chính điện. Xem các vũ công múa trước điện thờ, ta có cảm tưởng như họ đã hóa vào chốn thiêng liêng, nơi Thiên – Địa hợp nhất, nơi Tiên – Nhân cùng hòa vào một cõi.

Nghi thức Trình diễn Múa Bóng (tập thể)

Có tài liệu cho rằng, điệu múa Bóng được bắt nguồn từ một điệu múa thiêng của người Chăm. “Khi hành lễ, trong tiếng nhạc và lời tụng niệm của các thầy tư tế, bà bóng được Poh Inô Nagar nhập cốt, đã tiến hành các động tác “múa thiêng” để biểu trưng trình diễn những hoạt động của Poh Nagar trong đối tác với tự nhiên, trong sản xuất và sinh hoạt.”

Múa Bóng thực chất chỉ là hành động dâng lễ của người trần lên thần linh, là hành động mang tính nghi lễ, do vậy nó dễ biến thể thành các trò tạp kỹ mua vui trong lễ hội4. Múa bóng ở Am Chúa chính là hình thức trình diễn trên.

Trong ghi chép của tác giả Quách Tấn năm 1969, đã mô tả phần múa Bóng như sau: “Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ; đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, quanh lộn nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn lừng lẫy. Họ múa rất khéo và rất tài. Chẳng những đôi tay và đôi chân luôn luôn cử động, vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay, không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình đỡ nâng.

Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục”

Tục múa Bóng của phái Tứ phủ còn nhập sâu vào tục ngồi Đồng múa Bóng của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung trong cư dân người Việt ở Khánh Hòa. Tuy nhiên tại lễ hội Am Chúa, do điều kiện về thời gian không nhiều, phần lớn đạo hữu theo phái Tiên Thiên, nên phần múa Bóng chủ yếu là múa bóng tập thể.

Trong các đội múa Bóng, mỗi người có trang phục, sắc phục và đạo cụ khác nhau. Sau khi dâng lễ và múa hầu Thánh Mẫu, họ sử dụng các đạo cụ khác nhau để trình diễn các tài nghệ của mình dâng lên Mẫu. Trong đoàn, có người múa bằng dải lụa, có người cầm cờ ngũ hành múa, có người múa bằng quạt đơn, người khác lại múa bằng quạt kép, người dùng tay không để múa không dùng đến đạo cụ. Đoàn múa có thể lên đến 20 – 30 người; có đoàn chỉ 10 người.

Động tác múa của các vũ công chủ yếu mô phỏng các động tác từ trong cuộc sống lao động. Đó là các động tác như cày, cấy, kéo sợi, dệt vải, đánh tranh, lợp nhà, chèo thuyền, kéo lưới, thêu thùa, may vá, luyện tập chống giặc ngoại xâm… Có đoàn múa theo nhạc lễ, cũng có đoàn múa theo lời văn ca ngợi Thiên Y Thánh Mẫu do một vũ công vừa đọc theo giọng kệ, ngâm nga, trầm bổng. Họ múa hoàn toàn tự do, không có đội hình, động tác múa không cùng đồng nhất. Khi người này đang làm động tác chèo thuyền thì người khác lại làm động tác kéo sợi, dệt vải. Khi người này đang làm động tác kéo lưới thì người kia lại làm động tác cấy lúa…

Thỉnh thoảng, lại có người bằng động tác cưỡi ngựa, chạy nhiều vòng từ đầu võ ca này đến đầu võ ca kia. Tất cả đều múa hết sức sôi nổi, nhập thân vào những gì mình đang thể hiện và họ trình diễn hết khả năng của mình chỉ nhằm một mục đích là dâng lên Thánh Mẫu để Thánh Mẫu chứng cho lòng thành kính của mình.

Nghi thức múa Bóng của những bản hội theo Tiên Thiên đến từ những địa phương trong và ngoài tỉnh; họ thực hiện múa hầu đồng vui (còn gọi là hầu tập thể). Mỗi cá nhân trong đoàn chuẩn bị các giá đồng khác nhau như Tam vị Thánh Mẫu, Quan đệ nhất Thượng Thiên, Quan đệ nhị Thượng Ngàn, ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, cô Bơ…vv. Khi tiếng nhạc nổi lên thì họ nhập thân vào các vị thánh mà mình đã lựa chọn trang phục, đạo cụ trước để múa; trình diễn những đạo cụ với tài năng và nhập xác của các giá đồng. Với trang phục, đạo cụ và điệu múa khác nhau, mỗi đoàn tham dự là một sắc màu riêng cho bức tranh lễ hội Am Chúa phong phú và đa dạng.

Các động tác trong múa bóng thường đơn giản, mang tính mô phỏng, dễ liên tưởng và thường lặp đi lặp lại nhiều lần. Các động tác múa tay như cuộn, lượn (dùng quạt, khăn, mồi); xoay (kiếm, lao, kích), tay ở các tư thế cao, thấp, trung…. các động tác của chân như bước đi xiến (hai bàn chân đuổi nhau), các bước nhảy nhỏ… tuyến múa lên, xuống, đi ngang, đi nửa vòng cung.

Nhạc nền của các giá hầu trên, có bản hội mang theo để mở, có bản hội thuê ban cung văn của nghệ nhân tại tỉnh hoặc ngoài tỉnh. Do hầu tập thể nên chỉ có nhạc làm nền, các đệ tử có bóng của vị thánh nào sẽ mặc trang phục, trang điểm, múa, trình diễn theo vị thánh đó. Còn riêng ở các điện, đền thờ tư gia hoặc tại các miếu, chùa có miếu thờ Mẫu thì khi được sự cho phép tổ chức hầu đồng thì họ sẽ chuẩn bị cung văn. Múa Bóng là nghệ thuật trình diễn theo lối múa sinh hoạt dân gian, người múa được tự do thể hiện khả năng của mình nhằm biểu hiện niềm vui, lòng thành kính, tri ân đối với Thánh Mẫu Thiên Y A Na trong những ngày diễn ra lễ hội Am Chúa.

(Thực hiện dâng lễ tại Am Chúa)

Thay lời kết

Thực tế các đoàn về dâng lễ và múa bóng trong lễ hội Am Chúa là sự tổng hòa của nhiều sắc màu, nghi lễ khác nhau. Tuy nhiên, phần trình diễn dâng lễ (gồm 6 Phần múa dâng) được trình diễn gần với múa Lục cúng trong Phật giáo. Điều này cho thấy, từ nghi thức lễ, đến các câu kệ (kinh) trong các bài văn: Vãn Bà, đến việc trình diễn trong quá trình dâng lễ, lễ vật dâng Mẫu, rõ ràng có ảnh hưởng và mang yếu tố Phật giáo nhiều. Tuy nhiên, nó đã được biến đổi để phù hợp với việc dâng lễ Mẫu chứ không bị quy định chặt chẽ như trong Phật giáo. Ví dụ như Dâng hoa linh, hay phần cuối là Dâng tấu cổ (vàng mã) chứ không phải “thực”; quy trình nghiêm ngặt của mỗi lần múa Lục cúng, ví dụ lúc dâng hương, hai tay kiết ấn và xả ấn, hai bàn chân khẽ rê dàn ra theo hình chữ “nhật”; hay hình “liên hoa 4 cánh” khi dâng hoa; hình chứ “á” khi dâng đăng (đèn)… nhưng khi dâng lễ Mẫu thì chưa tài liệu nào ghi chép lại hay nghiên cứu có quy định nghiêm ngặt như vậy.

Quan sát nghi thức múa dâng lễ trong lễ hội Am Chúa hoặc lễ hội Thiên Y A Na ở Khánh Hòa được tiếp biến từ chính việc thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Huế  nhưng đã được tiếp biến, sáng tạo; có 2 nguyên nhân sau: cư dân Khánh Hòa là cư dân di cư từ khu vực miền Trung vào là chính; thứ 2 là do triều đình nhà Nguyễn sau này đã tôn sùng Bà, đưa Bà vào hàng Thánh Đệ nhất; trong kinh văn chầu Bà của chi hội Tiên Thiên đều có câu “Nam mô Thiên Y Thánh Mẫu Đại Từ Tôn” – mang âm hưởng của Phật giáo, coi Bà như Phật Quan Âm, Phật Bà. Âm nhạc múa Bóng được pha trộn với âm hưởng của nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Bài Chòi; thậm chí có cả âm hưởng của nhạc Chăm.

Thứ hai, múa Bóng tập thể: Rõ ràng việc hầu đồng không có ở các lễ hội Thiên Y A Na trong các cơ sở thờ tự ở Khánh Hòa; chỉ diễn ra ở các đền, điện thờ tư gia của các con nhang đệ tử.

Một thực tế cho thấy hai lễ hội Thiên Y A Na ở Khánh Hòa (Lễ hội Am Chúa và Lễ hội Tháp Bà) chỉ có múa Bóng, không có Hầu đồng. Việc múa bóng tập thể diễn ra trong các lễ hội cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi lý do không gian điện thờ, thời gian dâng lễ ngắn nên không có môi trường, điều kiện thuận lợi để trình diễn. Do vậy, họ lui về các am, điện thờ tư gia để hầu đồng, múa bóng.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử truyền thống, giá trị đạo đức và giá trị văn hóa sâu sắc. Việc nghiên cứu và định hướng cho loại hình tín ngưỡng này phát triển theo đúng đường lối là việc làm có ý nghĩa, giá trị sâu sắc bởi nó phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của đại đa số người dân. Bên cạnh đó việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu về âm nhạc, văn học, các bài kinh văn, Vãn Bà… được các đoàn diễn xướng, ca tụng trong lúc dâng lễ và múa Bóng là cần thiết để chúng ta gạn đục khơi trong, tìm ra nét đặc trưng của tín ngưỡng này tại Khánh Hòa. Từ đó có những định hướng phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong xu thế phát triển xã hội đương đại.

                                                                   Nguyễn Thị Thúy Hằng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

2.  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, (2001), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thời kỳ (1930 -1975), Nha Trang.

3. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Diên Khánh, Đảng ủy xã Diên Điền (2002), Lịch sử đấu tranh và xây dựng xã Diên Điền (1945 -2000), Nha Trang.

4. Bảo tàng Khánh Hòa, Chi hội văn nghệ dân gian Khánh Hòa (2000), Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất, tập 2, Nha Trang.

5. Bảo tàng Khánh Hòa, Chi hội văn nghệ dân gian Khánh Hòa (2001), Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất, tập 3, Nha Trang.

6. Nguyễn Công Bằng (2007), Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa Khánh Hòa, Sở Văn hóa – Thông tin Khánh Hòa.

7. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

8. Bộ Văn hóa Thông tin (2005), Một con đường tiếp cận Di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa xuất bản, Hà Nội.

9.  Chỉ thị số 14/1998/CT – TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

10. Nguyễn Thị Phương Châm (2009), Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa – Thông tin và Viện văn hóa, Hà Nội.

11. Ngô Văn Doanh (2011), “Thờ Thiên Y A Na – Nét đặc trưng văn hóa truyền thống của vùng biển duyên hải Khánh Hòa”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa, tr.156-163.

12. Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Khánh Hòa, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

 

Những tục thờ và lễ hội tiêu biểu của Khánh Hòa, tr.26.

Đạo Mẫu ở Việt Nam – Ngô Đức Thịnh, tr.251

Quách Tấn (2002), Xứ Trầm hương, tr.165 – 166

Những tục thờ và lễ hội tiêu biểu của Khánh Hòa, tr.27

 

Alternate Text Gọi ngay