Nafoods Group: Từ bờ vực phá sản đến mục tiêu doanh nghiệp tỉ đô

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu các mặt hàng rau quả chế biến của nước ta thời gian qua đã khẳng định được lợi thế, khi vẫn giữ được đà tăng trưởng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành chế biến rau quả cũng đã được Chính phủ đặt mục tiêu tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đứng trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến rau quả.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nafoods (Nafoods Group) đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về hành trình đầy gian khó của công ty trong 25 năm đầu tư vào lĩnh vực chế biến rau quả.

Thực tiễn của Nafoods Group cũng gợi mở nhiều vấn đề đòi hỏi cần phải có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa cho ngành chế biến rau quả của nước ta trước thời cơ trong giai đoạn tới. 

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, trong khi nhiều mặt hàng rau quả tươi xuất khẩu bị tụt giảm mạnh về xuất khẩu do ảnh của dịch bệnh Covid-19, thì đáng mừng là các mặt hàng rau quả chế biến vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể ở Nafoods, dịch bệnh Covid-19 có tác động khó khăn nào cho hoạt động xuất khẩu không, thưa ông?

Có thể nói khi dịch bệnh Covid-19 nổ ra, Nafoods cũng đã đối diện với một cú sốc rất lớn. Trong đó ảnh hưởng đầu tiên là hoạt động về xuất khẩu các loại quả tươi. Việc xuất khẩu quả tươi sang nhiều thị trường trong thời gian đầu xẩy ra dịch Covid-19 đầu năm 2020 gần như bị đóng băng, đặc biệt là tại thị trường chủ lực Trung Quốc.

Nhiều thị trường khác bối rối. Chi phí vận tải bị đẩy lên mức cao khủng khiếp. Đây được xem là cuộc khủng hoảng chưa có trong tiền lệ.

Đơn cử như đối với mặt hàng quả chanh leo mà Nafoods xuất khẩu đi Châu Âu, bình thường chi phí vận chuyển hàng không chỉ khoảng 3 USD/kg, tuy nhiên thời gian cao điểm xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi đã phải trả chi phí vận chuyển lên tới 7 USD/kg.

Đó là thời điểm mà gần như hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang EU của Nafoods chỉ hòa vốn, thậm chí có thời điểm phải chịu lỗ.

Có rất nhiều lô hàng chanh leo quả tươi do ách tắc trong xuất khẩu, buộc phải vận chuyển ngược trở về nhà máy để chế biến, khiến chi phí hết sức tốn kém.

Trong bối cảnh xuất khẩu quả tươi gặp nhiều khó khăn đó, rất may là lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đối với các sản phẩm trái cây chế biến lại nổi lên,  giúp  vẫn giữ được sự thăng bằng trước cú sốc của dịch Covid-19.

Cũng như nhiều doanh nghiệp chế biến khác trong lĩnh vực rau quả, Nafoods đã đẩy mạnh việc thu mua phục vụ chế biến sâu nhằm “giải cứu” cho nhiều loại trái cây bị ùn ứ do không xuất khẩu được, nhất là đối với quả thanh long do ngưng trệ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngay trong quý I/2020, thời điểm mà dịch Covid-19 bùng lên, tổng doanh thu và sản lượng của Nafoods vẫn tăng so với quý I/2019 lên tới gần 40%. Trong quý II/2020, hoạt động sản xuất và kinh doanh của Nafoods vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngay trong hoàn cảnh khó khăn đó, mảng chế biến sâu về hoa quả không chỉ giúp Nafoods giữ được tăng trưởng ngay trong khó khăn, mà còn đón được những cơ hội.

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Nafoods cũng đã xác định thách thức này không chỉ diễn ra trong tháng, trong năm, mà thậm chí phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn trong nhiều năm nữa. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tái diễn phức tạp ở nước ta, chúng tôi đã sớm xác định.

Rõ ràng, chế biến sâu đối với ngành rau quả đã khẳng định được lợi thế, không chỉ mang lại giá trị gia tăng mà còn giúp ngành rau quả đứng vững được trong các sự cố về thị trường tương tự như dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên nhìn tổng thể, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến ngành rau quả hiện nay vẫn còn hạn chế. Vậy theo ông, đâu là những nút thắt cần phải tháo gỡ để đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp vào ngành hàng này?

Qua thực tiễn triển khai đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến rau quả thời gian qua, chúng tôi cho rằng nhìn chung, nước ta đã và đang có những định hướng chiến lược, chính sách, cơ chế một cách tổng thể tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhất là hướng tới mục tiêu của Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành một trong số 5 quốc gia hàng đầu về chế biến nông sản, hoa quả.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu lớn này, Nhà nước cần phải có thêm những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực này.

Một là cần phải có một gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho vay dành riêng cho lĩnh vực chế biến, kèm theo một cơ chế giải ngân thật nhanh chóng, linh hoạt. Theo đó, những doanh nghiệp làm tốt, đã chứng minh được năng lực trong quá trình hoạt động thì cần có cơ chế cho vay thuận lợi nhất, chứ không nhất thiết phải trải qua tất cả các quy trình phức tạp về thủ tục.

Hai là đối với các địa phương, việc quy hoạch về nông nghiệp, trồng trọt, hãy nhắm ngay vào những đối tượng cây trồng có lợi thế của địa phương mình. Khi đã có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đối với sản phẩm cây ăn quả nào đó rồi, muốn có thêm các doanh nghiệp khác đầu tư vào tiếp, thì lãnh đạo các tỉnh cần phải ngồi lại với các doanh nghiệp, để có phân định rõ về vùng nguyên liệu cho từng doanh nghiệp, tránh chuyện chồng chéo, tranh mua tranh bán nguyên liệu.

Thứ ba là về thủ tục đầu tư, cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở xa, mà thủ tục đầu tư làm sai, làm chưa rõ một xíu đã lại bắt vòng đi vòng lại thì vô cùng khó khăn.

Chúng tôi đầu tư vào Tây Ninh, An Giang, Gia Lai… rất điển hình, giải quyết hết mọi vướng mắc về thủ tục trong quá trình đầu tư. Lãnh đạo các địa phương đều rất hồ hởi, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp. Vì thế nên thời gian qua, việc xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án diễn ra rất thuận lợi. Đó cũng là điều tạo ra sự phấn khởi, nhiệt huyết để doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa.

Vấn đề thứ tư, đó là việc hoạt động, thể hiện vai trò của hiệp hội các doanh nghiệp trong ngành chế biến rau quả, cần phải được củng cố tổ chức, thể hiện được vai trò trong thời gian tới.

Muốn ngành rau quả của chúng ta phát triển vững mạnh hơn nữa, thì phải có những hiệp hội hoạt đông tương tự như các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… Ở đó, các hiệp hội thể hiện tinh thần dân tộc, tinh thần hợp tác, tính liên kết vô cùng chặt chẽ.

Những doanh nghiệp chơi xấu nhau, tranh mua tranh bán, tăng giá, hạ giá nhằm cạnh tranh không lành mạnh… sẽ đương nhiên sẽ bị tẩy chay.

Tẩy chay ở đây không phải về phương diện kinh tế, về tiền, mà là tẩy chay về uy tín, là vấn đề để cơ quan quản lí nhà nước đóng vai trò như cán cân trọng tài để phân xử…

Trong khi đó, điểm yếu của hiệp hội của chúng ta, đó là luôn tìm cách cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí hạ bệ nhau, chứ không tìm cách để cùng nhau vươn ra để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vươn ra tầm quốc tế…

Câu chuyện ví dụ như Nafoods hiện nay chanh leo đang xuất khẩu rất tốt, số lượng đã tương đối lớn, thế rồi có những doanh nghiệp mới đầu tư vào mảng chanh leo, có thể số lượng rất ít thôi, họ cố bán với giá cho đối tác nước ngoài với giá rẻ hơn Nafoods 500 USD/tấn.

Đây là điều mà khách hàng nước ngoài họ chỉ chờ có thế để gây sức ép mua chanh leo của Việt Nam với giá rẻ, và rồi chính các doanh nghiệp Việt Nam với nhau cùng phải chịu thiệt thòi, sau nữa là nông dân phải chịu chung thiệt thòi vì giá hạ dần.

Doanh nghiệp chúng ta mất, nông dân thiệt, chỉ có doanh nghiệp nước ngoài là vui, lại vừa cười mỉa chính các doanh nghiệp của mình.

Một vấn đề nữa là phát triển HTX nông nghiệp, những năm gần đây, chúng ta đã có sự phát triển nhanh về số lượng, nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại sự hình thức, chưa đi vào hoạt động một cách thực chất. Nếu chúng ta làm mô hình HTX vận hành đúng như các nước, thì sẽ tạo động lực cho phát triển rất tốt, đương nhiên là cần phải có thêm bàn tay của các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết ấy.

Vừa qua, Nafoods cùng một số doanh nghiệp lớn về nông nghiệp cũng đang bàn bạc, tính toán để có mô hình doanh nghiệp có thể tham gia một chân vào ban quản trị của các HTX nhằm gắn chặt hơn nữa mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX.

Được biết, Nafoods đã có tầm nhìn tỷ đô. Vậy, việc này đã được hoạch định thế nào?

Đến nay, Nafoods đã đầu tư các vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến cũng đã có mặt tại cả ba miền cả nước. Bao gồm vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chanh leo tại Mộc Châu (Sơn La), nhà máy chế biến từ lâu tại Nghệ An, tại Tây Nguyên hiện đã có tổ hợp chế biến công nghệ cao và tới đây sẽ cam kết đầu thêm một nhà máy chế biến giai đoạn II nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chế biến tại Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

Nafoods cũng đang đầu tư một tổng kho đóng gói thanh long tại Bình Thuận, cùng với đầu tư sản xuất trên 10.000 ha thanh long an toàn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Hiện Nafoods đang triển khai tập huấn, cấp chứng chỉ Global GAP cho hơn 1.000 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất với Nafoods. Đồng thời, cũng đang đầu tư 10 giàn máy sấy thanh long tại Bình Thuận…

Tại Long An, năm 2018, Nafoods đã đầu tư và khánh thành đi vào hoạt động tổ hợp chế biến với rất nhiều chủng loại trái cây, đồng thời đang tiếp tục đầu tư tổ hợp chế biến giai đoạn II.

Thời gian qua, công ty cũng đã làm việc với tỉnh Tây Ninh để xúc tiến đầu tư một dự án lớn tại đây trên diện tích khoảng 500 ha, trong đó trên 450 ha vùng nguyên liệu với 2 loại trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao, một viện nghiên cứu giống và một nhà máy chế biến tại tổ hợp này.

Tại Bến Tre, Nafoods đang xúc tiến đầu tư xây dựng dự án một nhà máy chế biến sâu theo hướng giá trị gia tăng cao đối với các sản phẩm từ quả dừa. Tương tự tại tỉnh An Giang, Nafoods đang phối hợp với tỉnh này để triển khai chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu chủ lực, gắn với chế biến đối với quả xoài…

Nafoods đã đưa ra tầm nhìn sẽ trở thành doanh nghiệp tỉ đô. Chúng tôi là một doanh nghiệp không sở hữu nhiều về đất đai, mà lựa chọn con đường liên kết, mở rộng nguyên liệu trong dân, trong các HTX…

Cơ duyên nào ông gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp?

Năm 2020 là năm tròn 25 năm Nafoods đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tiền thân của Nafoods hiện nay, ban đầu khởi nghiệp của chúng tôi là Công ty TNHH Thành Vinh, một doanh nghiệp chuyên về sản xuất đồ uống, nước giải khát, với thương hiệu nước giải khát Festi đầu những năm thập niên 90, đã từng khẳng định được thương hiệu ở thị trường Việt Nam hồi còn non trẻ về công nghiệp chế biến nước giải khát.

Còn nhớ hồi ấy, Festi còn tài trợ cả cho một giải chạy lớn xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Thương hiệu này đã từng gần như có mặt khắp nơi ở các cửa hàng, tiệm giải khát một thời…

Thế nhưng sau những năm đầu rất thuận lợi, đến khoảng năm 1995, đúng giai đoạn Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được ký kết, rất nhiều thương hiệu về nước giải khát như là Cocacola, Pepsi… đã nhảy vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Cơ duyên mà Nafoods đến với nông nghiệp cũng bắt đầu từ đó. Tôi từng tham gia Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh Nghệ An từ sớm. Khi ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông có gọi Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh lên, và nói rằng ở Nghệ An có một vùng nguyên liệu dứa vụ đông xuân (trước đây ở huyện Quỳnh Lưu), chuyên sản xuất dứa để phục vụ chương trình hàng đổi hàng với Liên Xô.

Ông Tuyển bảo tôi rằng, đây là sản phẩm rất tiềm năng, các doanh nhân trẻ nên nghiên cứu. Sau một thời gian tìm hiểu, cộng với tham khảo một số bạn bè ở Châu Âu về, mấy anh em trong hội đã hợp lực lại, và xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến dứa.

Năm 2000, nhà máy chế biến dứa ở xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng đã được ra đời, đến năm 2002 thì chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Năm 2003, những container đầu tiên về sản phẩm nước dứa cô đặc đã bắt đầu được xuất khẩu.

Còn nhớ khoảng năm 2007-2008, báo chí lúc đó phản ánh rất nhiều về tình trạng hàng dài xe tải chở nguyên liệu dứa đổ về xếp hàng ở nhà máy của Nafoods ở xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), nhiều xe dứa bị thối hỏng do không kịp chế biến… Có vẻ đó là giai đoạn hết sức khó khăn của Nafoods?

Sau 7 năm hoạt động, đến năm 2007, hoạt động sản xuất, kinh doanh về dứa của Nafoods đã gặp vô cùng khó khăn. Sau này nhìn lại, tôi mới nhận ra bài học va vấp đầu tiên khi bắt tay vào đầu tư ngành nông nghiệp, đó là báo cáo khả thi của dự án đầu tư đã không được xây dựng, đánh giá một cách đánh giá kỹ càng, từ nguyên liệu đầu vào cho tới khâu tiêu thụ.

Tại thời điểm xây dựng dự án, giá dứa là 1.750 USD/tấn, nhưng đến năm 2007 – 2008, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, giá dứa đã tụt xuống chỉ còn 700 USD/tấn. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, điều thất bại tai hại hơn, đó là công ty đã không thể làm chủ được nguyên liệu.

Khi chúng tôi làm việc với tỉnh Nghệ An, tỉnh cam kết rằng chúng tôi cứ xây dựng nhà máy, tỉnh sẽ đảm bảo 70% nguyên liệu, và chúng tôi đã đặt cái quan trọng nhất quyết định sự thành bại của mình vào tay của người khác.

Tỉnh Nghệ An lúc ấy cũng giao cho một doanh nghiệp nhà nước trong tỉnh đảm nhận khâu nhập giống, sản xuất nguyên liệu, còn chúng tôi thì chỉ lo mỗi khâu chế biến, xuất khẩu.

Theo đó, việc tổ chức thu mua nguyên liệu thường xuyên phải đối mặt với bất cập cố hữu trong liên kết sản xuất, đó là tình trạng khi giá dứa ngoài thị trường cao thì nông dân ồ ạt bán chui dứa ra ngoài.

Quả to, quả đẹp đều bị tuồn hết đi, khiến nhà máy thường xuyên phải gặp cảnh nguyên liệu không đều, chất lượng nguyên liệu kém.

Khi giá dứa thị trường tự do cao, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất, công suất chạy máy chỉ đạt rất thấp, 30-35%. Nhưng khi thị trường tự do giá tụt xuống thì nông dân lại ào ạt chở dứa đổ về cho nhà máy, gây quá tải, thừa nguyên liệu, có lúc phải đổ đi…

Sau 7 năm đầu tư vào nhà máy chế biến dứa đầu tiên ở Nghệ An, từ năm 2000 đến năm 2007, dự án ấy đã lỗ tới hơn 100 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu và đứng trên bờ vực phải phá sản.

100 tỷ đồng vào thời điểm đó là số tiền lớn với bất kỳ doanh nghiệp nào. Hẳn nhiên, đó là một trải nghiệm ban đầu không ngọt ngào chút nào khi bén duyên với nông nghiệp. Tâm trạng ông lúc đó thế nào?

Chán nản. Có lúc, tôi đã muốn từ bỏ, thoái lui, nhưng có lúc sự tự ái, tự trọng của tuổi trẻ lại trỗi dậy, nhất là khi nghĩ tới việc hàng trăm cán bộ nhân viên, hàng trăm sinh viên trẻ ra trường đã gắn bó với công ty ngay từ những ngày đầu, với hàng trăm gia đình trẻ đã kết hôn ở công ty qua quá trình gắn bó…, và cả hàng trăm hộ nông dân trong vùng nữa.

Ông đã vượt qua sự chán nản ấy thế nào?

Năm 2007, chúng tôi đã gặp được cơ duyên, khi quyết định đặt chân đầu tư vào Tây Nguyên, và lần đầu biết tới cây chanh leo cũng như tiềm năng của cây trồng này tại Việt Nam thông qua một doanh nghiệp Đài Loan nhập khẩu giống chanh leo về Việt Nam, cùng với một doanh nghiệp khác tại phía Nam.

Lúc ấy, chúng tôi thực sự không có tiền nữa, phải xoay đủ kiểu để nhập từng container giống chanh leo của Đài Loan về trồng thử để xuất khẩu. Thông qua một đối tác ở Thụy Sỹ, chúng tôi từng bước quảng bá về cây chanh leo của Việt Nam, và nhờ đó cứ thế nhúc nhắc xuất khẩu được.

Kiên trì như vậy cho đến năm 2010, có thể nói đã mở ra cho Nafoods một bước ngoặt mới, khi chúng tôi đã mở ra một sản phẩm mới để xuất khẩu, đó là nước chanh leo cô đặc của Việt Nam, và chúng tôi đã chiếm khoảng 7% sản lượng chanh leo cô đặc xuất khẩu của thế giới.

Và, đến giờ, chính cây chanh leo đã cứu doanh nghiệp của ông?

Đúng vậy! Cây chanh leo là cây trồng đã cứu Nafoods trong giai đoạn ngặt nghèo nhất. Chúng tôi cũng đã nhận thấy đây là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, phù hợp để phát triển tại Việt Nam, nhất là các vùng cao, miền núi, có thể làm giàu cho nông dân. Có thể nói đây là “cây tiền mặt”, sau 4 tháng trồng là nông dân đã có thể thu hoạch và ngày nào cũng có thể cho thu nhập.

Về sau, chúng tôi đã từng bước mày mò tìm hiểu, và quyết định không thể nhập khẩu giống mãi được nữa, mà chuyển sang đầu tư để sản xuất giống. Thông qua sự ủng hộ của Bộ NN-PTNT, đã giới thiệu cho chúng tôi các chuyên gia của Đài Loan, và đến năm 2013, chúng tôi đã có viện nghiên cứu giống chanh leo đầu tiên được đầu tư rất căn cơ về công nghệ ở Quế Phong (Nghệ An).

Sở dĩ chúng tôi chọn nơi đầu tư viện nghiên cứu giống ở đây bởi đây là vùng xa xôi, hẻo lánh, giáp biên giới Việt – Lào, đủ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là khả năng cách li với nguy cơ của dịch bệnh.

Đến nay, viện nghiên cứu giống của chúng tôi ở Quế Phong đã thực sự trở thành một trung tâm nghiên cứu sâu về giống chanh leo của Việt Nam, được đầu tư một phòng kiểm nghiệm, có thể đủ năng lực kiểm tra được các loại virus trên cây chanh leo.

Khi bắt tay vào đầu tư sản xuất giống chanh leo, thì vấn đề xây dựng về chuỗi giá trị cho cây chanh leo cũng bắt đầu đôi với một mối liên kết khép kín theo chuỗi từ giống, vùng trồng, nhà máy chế biến, cho tới khâu tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu.

Đến nay, Nafoods đã hoàn thiện được khâu giống một cách đồng nhất, đảm bảo năng suất, chất lượng, sạch bệnh, phù hợp với các vùng sinh thái ở Việt Nam. Hệ thống các nhà máy chế biến, đến nay cũng đã được Nafoods đầu tư với công nghệ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất. Khâu bán hàng, xuất khẩu cũng đã và đang được hoàn thiện, với trên 70 quốc gia trên thế giới.

Mặc dù vậy, một trong 4 mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi của Nafoods hiện nay, đó là khâu tổ chức vùng trồng, nhất là tổ chức liên kết sản xuất với nông dân, HTX thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục trong thời gian tới. Và để giải quyết được mắt xích này, cần phải có thêm sự hỗ trợ, đồng hành vào cuộc của không chỉ người nông dân, HTX, mà còn cả hệ thống ngành nông nghiệp, các địa phương…

 

Nội dung:

Lê Bền – Võ Việt

Thiết kế:

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Ảnh:

Tùng Đinh

Video:

Nhật Quang – Đoàn Quang Dũng

Alternate Text Gọi ngay