Nhóm máu hiếm nhất là gì? | BvNTP
Máu được chia thành các nhóm dựa trên sự xuất hiện hoặc thiếu vắng của kháng nguyên A, B trên bề mặt tế bào hồng cầu và kháng nguyên RhD. Cách ghi nhóm máu bao gồm: phần chữ cái là sự có mặt hay không của các kháng nguyên A, B; phần dương hoặc âm là sự có mặt hay không của RhD.
Theo đó, phân loại về nhóm máu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay chia nhóm máu thành 8 loại khác nhau:
-
A (-): Có kháng nguyên A, không có Rh
-
A (+): Có kháng nguyên A và Rh
-
B (-): Có kháng nguyên B, không có Rh
-
B (+): Có kháng nguyên B và Rh
-
O (-): Không có cả kháng nguyên A, B và Rh
-
O (+): Không có kháng nguyên A, B nhưng có Rh
-
AB (-): Có kháng nguyên A và B, không có Rh
-
AB (+): Có cả kháng nguyên A, B và Rh.
Nhóm máu hiếm nhất là gì?
Ngoài hệ thống ABO kể trên, còn có hơn 600 loại kháng nguyên khác được tìm thấy trên bề mặt hồng cầu. Nếu máu của bạn thiếu các kháng nguyên mà hầu hết mọi người đều có hoặc có kháng nguyên mà hầu hết mọi người không có, bạn có thể sở hữu nhóm máu hiếm nhất. Tỷ lệ xảy ra nhóm máu hiếm là khoảng 1/1.000 người hoặc ít hơn. Làm xét nghiệm máu là cách duy nhất giúp bạn biết được mình thuộc nhóm máu gì và có phải là nhóm máu hiếm hay không.
Hiện nay, nhóm máu được cho là hiếm nhất thế giới có tên là Rh-null. Người sở hữu nó không có bất kỳ kháng nguyên Rh nào cả, chứ không chỉ riêng RhD. Chỉ có chưa tới 50 người mang nhóm máu này và nó được gọi là “máu vàng”.
Tuy nhiên, trong truyền máu hiện nay chỉ quan tâm tới 8 nhóm máu theo phân loại kể trên. Theo đó, thống kê tại tháng 12/2018 cho thấy tỷ lệ các nhóm như sau:
-
O dương: 35%
-
O âm: 13%
-
A dương: 30%
-
A âm: 8%
-
B dương: 8%
-
B âm: 2%
-
AB dương: 2%
-
AB âm: 1%
Như vậy, nhóm máu AB (-) được coi là nhóm máu hiếm nhất.
TS.BS Nguyễn Minh Hà – trưởng khoa Xét nghiệm