Những ai đang chi phối Y Dược phẩm Vimedimex?
–
Thứ sáu, 16/04/2021 06:00 (GMT+7)
Nhóm của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan đang nắm giữ 52,7% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE:VMD) – tỉ lệ sở hữu có thể chi phối nhiều quyết định quan trọng của công ty theo Luật Doanh nghiệp 2014.
Vimedimex2 đang là cổ đông lớn nhất tại VMD.
Ảnh: H.L.
Như Lao Động đã thông tin, VMD tiền thân là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập năm 1984. Sau khi cổ phần hóa, trải qua nhiều lần tăng vốn dẫn đến hiện tượng pha loãng, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 19,14% (tháng 7.2010).
Đến nay, tỉ lệ sở hữu của Tổng công ty Dược Việt Nam (doanh nghiệp do Bộ Y tế sở hữu 65% vốn) tại VMD chỉ còn 10,1%.
Theo thống kê trên HOSE, cổ đông lớn nhất đang sở hữu 45,3% vốn tại VMD là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2. Bà Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch VMD đồng thời là Chủ tịch Vimedimex 2.
VMD “đẻ” ra Vimedimex2
Vimedimex 2 – cổ đông lớn nhất của VMD được thành lập ngày 24.3.2014. Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 18 ngày 1.12.2020 của Vimedimex2, công ty có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng, có trụ sở tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Vimedimex 2 có 3 cổ đông sáng lập là Công ty Cổ phần BV Pharma, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex và ông Lê Mạnh Hùng.
Có thể thấy, ban đầu Vimedimex 2 được sáng lập bởi VMD (2014), nhưng sau đó, VMD lại bị Vimedimex 2 thâu tóm.
Trong 3 cổ đông sáng lập Vimedimex2, Công ty Cổ phần BV Pharma cũng là cái tên đáng chú ý – gắn liền với tên tuổi của Phó Chủ tịch HĐQT VMD, ông Nguyễn Tiến Hùng.
Ông Nguyễn Tiến Hùng từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BV Pharma một thời gian dài. Theo tìm hiểu của Lao Động, ông Hùng cũng đang là đại diện phần vốn góp (4,2%) của BV Pharma tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.
Ông Nguyễn Tiến Hùng sinh năm 1948, đi lên từ cán bộ Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam (nay là Tổng Công ty Dược Việt Nam).
Từ năm 2006 đến tháng 9.2012, ông Nguyễn Tiến Hùng là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VMD. Trong đó, theo tìm hiểu của Lao Động, đến tháng 5.2010 – ông Nguyễn Tiến Hùng vẫn là người đại diện vốn Nhà nước tại VMD (19,49%) cùng với ông Lê Thanh Long.
Tuy nhiên, đến tháng 9.2010, khi cổ phiếu VMD niêm yết trên HOSE thì vai trò đại diện vốn Nhà nước của ông Nguyễn Tiến Hùng được chuyển sang cho ông Bạch Quốc Chính.
Tại thời điểm mới niêm yết (tháng 9.2010), ngoài phần vốn Nhà nước chiếm 19,14% thì VMD có 2 cổ đông lớn khác là chị gái bà Nguyễn Thị Loan (Nguyễn Thị Liên) sở hữu 6,79% và vợ ông Nguyễn Tiến Hùng (Đào Thị Bình) chiếm 6,64% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Nhóm của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan chi phối VMD
Cổ đông lớn thứ 2 tại VMD là ông Lê Xuân Tùng (1995) đang nắm giữ 7,4% vốn cổ phần tại VMD, cũng là con ruột của bà Nguyễn Thị Loan.
Ông Lê Xuân Tùng được biết đến là nhân vật thuộc thế hệ 9x sở hữu khối tài sản khổng lồ khi là cổ đông góp 10,73% vốn điều lệ (tương đương 482,85 tỉ đồng) tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng, doanh nghiệp được giao làm 1,6km đường đổi lấy 60ha đất vàng Hà Nội từng gây xôn xao dư luận.
Năm 2017, con trai Chủ tịch VMD đã thâu tóm thành công Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Đông Sơn – Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Sơn Đồng.
Như vậy, nhóm của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan đang nắm giữ 52,7% cổ phần của VMD.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, việc nắm giữ 51% cổ phần công ty trở lên khiến nhà đầu tư có thể thâu tóm quyền lực về tay mình trong công ty.
Cụ thể: Quyền triệu tập và thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014; quyền chi phối biểu quyết thông qua Nghị quyết theo Khoản 2 và Khoản 4 Điều 144; chi phối biểu quyết bổ nhiệm nhân sự theo Khoản 3, Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014.
Ngoài ra, VMD có 2 cổ đông lớn khác là các cá nhân Trần Kiên Cường (7,1%) và Trần Đoan Trang (5,2%).