Những điểm khó hiểu trên smartphone mới ra mắt của Asanzo
Được xem là có mức giá vừa phải với thu nhập của người Việt, Asanzo không giấu giếm tham vọng giành cho mình miếng bánh thị phần tại thị trường tỉnh lẻ. Đại diện hãng cho biết sẽ bán ra S5 và Z5 tại 6.000 đại lý của mình trên toàn quốc và thực hiện các chương trình quảng bá ở các làng quê.
Đối tượng khách hàng là của Asanzo những người không quan tâm nhiều đến công nghệ mà chỉ cần một chiếc smartphone vừa túi tiền, làm tốt chức năng nghe gọi giải trí, chụp ảnh. Có lẽ vì lí do đó mà cấu hình của Asanzo S5 và Z5 không có nhiều điểm nhấn.
Cấu hình Asanzo Z5 và S5 – Nguồn: Tinhte.vn
Với mức giá 5 triệu đồng nhưng độ phân giải màn hình của Asanzo Z5 chỉ dừng lại ở mức HD 720p, trong khi cùng tầm giá này Lenovo K6 Note hay Asus Zenfone 3 Max đã có màn hình IPS Full HD, công nghệ in-cell chất lượng tốt hơn công nghệ cũ on-cell dùng trên Asanzo Z5. Vi xử lý của Lenovo K6 Note và Zenfone 3 Max cũng là Qualcomm Snapdragon 430 – một cái tên đảm bảo hơn nhiều so với Mediatek của Asanzo.
Ngoài ra, thiết kế của các smartphone Asanzo cũng bị đa số người trải nghiệm đánh giá thấp. Một thành viên trên diễn đàn Tinh Tế cho biết: “Đường nét thiết kế của sản phẩm không thực sự tinh tế, kèm theo con chip Mediatek nữa, nếu nhắm vào đối tượng là công nhân thì thấy có vẻ ổn”.
Một trong những điều kì lạ trên bộ đôi S5 và Z5 của Asanzo đó là… vừa có phím điều hướng ảo lại vừa có phím home vật lý (?). Có lẽ đây là smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu thiết kế này.
Máy vừa có phím home vật lý vừa có phím điều hướng ảo.
Ngoài ra, ngoại hình của Asanzo Z5 được đánh giá là khá giống iPhone 7 Plus, thậm chí tỷ lệ copy theo nhiều chuyên gia nhìn nhận lên tới con số 95%. Đặc biệt là những đường nét của dải anten phía sau máy và cụm camera kép. Nếu che logo đi thì khó có thể phân biệt đâu là Asanzo, đâu là iPhone.
Asanzo Z5 – Nguồn: Techrum
iPhone 7 Plus
Có lẽ việc thiết kế của Asanzo Z5 giống iPhone 7 Plus không phải là sự ngẫu nhiên. Trong một bài phỏng vấn được đăng trên website của chính Asanzo mới đây, CEO Phạm Văn Tam đã phát biểu rằng: “Mình không cần phải sáng tạo hay đột phá, bởi nếu làm cũng không bằng các doanh nghiệp lớn. Không phải lĩnh vực nào đầu tư nghiên cứu phát triển cũng là tốt. Nền tảng của thế giới đã có sẵn, mình chỉ cần sao chép, tối ưu hóa các chi phí để có giá cạnh tranh nhất là đủ”.
Ngọc Quang