Những truyện cổ tích ngắn hay, ý nghĩa dành cho bé mầm non

Kể chuyện cho bé nghe là một việc làm giúp gắn kết tình cảm giữa ba mẹ và con cái, bên cạnh đó thông qua những câu chuyện ba mẹ còn có thể dạy cho bé những bài học ý nghĩa trong cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sự phát triển của con yêu trong tương lai. Dưới đây là những câu truyện cổ tích ngắn hay và có ý nghĩa nhất mà các bậc phụ huynh có thể lựa chọn để kể cho các bé nghe.

1. Truyện cổ tích Cây khế (Sự tích ăn khế trả vàng)

Truyện cổ tích Cây khế là một câu truyện kể về chuyện phân chia tài sản của 2 anh em nhà nọ. Cha mẹ mất sớm để lại hai anh em nương tựa vào nhau. Người anh bản tính tham lam, ích kỷ còn người em thì lại hiền lành chất phác và luông biết nhường nhịn. Khi thấy người em trai được chim ăn khế trả vàng, người anh đã nổi lòng tham đã yêu cầu người em giao lại túp lều và cây khế lại. Đến ngày nọ, chim bay đến ăn khế và căn dặn người anh mang túi ba gang đựng vàng. Nhưng do bản tính tham lam, người anh đã đem theo túi 12 gang và nhét đầy vàng vào đó khiến chim không chịu được mà nghiêng cánh, người anh cùng chỗ vàng rơi xuống biển sâu và bị cuốn đi mất. Qua truyện này ba mẹ có thể dạy các bé rằng là anh em phải biết yêu thương, đoàn kết và làm người thì không nên quá tham lam, phải biết ơn người đã giúp đỡ mình.

Nội dung truyện cổ tích: Cây khế

Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Khi người anh lấy vợ, người anh không muốn ở chung với em nữa, nên quyết định chia gia tài. Người anh tham lam chiếm hết cả nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho cây khế và cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.

Truyện cổ tích Cây khế - Sự tích Ăn khế trả vàng

Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường, cành nào cũng trĩu quả ngọt, vàng ruộm. Người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi mừng thầm tính chuyện bán khế lấy tiền đong gạo. Một hôm, có con chim phượng hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế, người em vác gậy đuổi chim và nói:

 – Này chim! Ta chỉ có duy nhất một cây khế này, và ta đã khó nhọc chăm sóc đến ngày hái quả. Nay nếu chim ăn hết ta chẳng có gì để bán đi mua gạo. Vậy nếu chim muốn ăn hãy mang trả ta vật gì có giá.

Chim vừa ăn vừa đáp:

Ăn một quả,  trả cục vàng

May túi ba gang, mang theo mà đựng

Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để chim ăn. Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế. Ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Chim bay mãi, bay mãi qua núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim phượng hoàng bảo lấy thêm, người em cũng không lấy. Xong xuôi, người em trở về nhà.

Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc giúp đỡ những người nghèo khổ. Người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt, người em cũng đồng ý đổi cho anh. Thế là người anh chuyển sang nhà người em. Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, chim phượng hoàng lại tới ăn. Người anh giả vờ khóc lóc, chim bèn nói:

Ăn một quả, trả cục vàng

May túi ba gang, mang theo mà đựng

Người anh mừng quá, giục vợ may túi không phải 3 gang mà là 12 gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim phượng hoàng đưa người anh đi lấy vàng. Vừa đến nơi, người anh đã vội vàng vơ lấy vàng bỏ vào túi, lại còn giắt thêm đầy vàng bỏ vào người. Chim cố sức bay nhưng đường thì xa mà vàng thì nhiều nên nặng quá. Mấy lần chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh vẫn khăng khăng ôm lấy túi. Chim phượng hoàng bực tức, nó nghiêng cánh hất người anh tham lam xuống biển.

2. Câu chuyện Chú Chồn lười học

Câu chuyện xoay quanh chú Chồn mướp sống trong khu rừng thông, vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Cũng vì lẽ đó mà đã đến tuổi đi học, Chồn mướp không chịu đến trường chỉ rong chơi mà thôi. Vì được nuông chiều quá, Chồn đâm ra rất bướng bình, không chịu nghe lời ai. Vào hôm nọ, Chồn mải chơi nên bị lạc vào trong rừng sâu mà không biết đường ra, đi mãi mới có bảng chỉ đường nhưng cậu lại không biết chữ. Khi đó, Chồn mướp mới cảm thấy hối hận mà òa khóc, nếu chịu đi học thì đã biết đọc đường về. Thật may khi bác Sư Tử xuất hiện khuyên răn Chồn mướp và chỉ đường cho cậu. Từ đó về sau Chồn mướp luôn chăm chỉ học tập và nghe lời cha mẹ. Bài học rút ra ở đây cho các bạn nhỏ là khi còn nhỏ phải chăm chỉ học hành và phải biết nghe lời cha mẹ.

Nội dung truyện cổ tích: Chú chồn lười học

Chồn mướp sống ở khu rừng thông. Vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Tới tuổi đi học rồi, nhưng Chồn mướp vẫn không chịu đến trường, cứ lo rong chơi suốt ngày. Vì được nuông chiều quá, chồn mướp đâm ra bương bỉnh, không chịu nghe lời ai. Ai khuyên gì cậu cũng không nghe mà còn cãi bướng lại nữa.

Truyện cổ tích Chú Chồn lười học

Một ngày nọ, cậu rủ Nhím đi chơi, nhưng Nhím từ chối vì phải lo đi học. Cả Thỏ và Sóc cũng phải đi học nữa.

Thế là Chồn phải chơi một mình, mải ham chơi và đuổi bắt bướm nên càng lúc chú càng đi lạc vào trong rừng sâu. Đến lúc nhận ra bị đi lạc, Chồn vội vàng tìm đường về, cậu ta lang thang mãi mới tìm được bảng chỉ đường. Nhưng khổ nỗi, không biết chữ nên chồn không đọc được. 

Cậu ngồi xuống vừa khóc vừa hối hận, cậu nghĩ nếu mình chịu khó đi học thì bây giờ đã biết chữ và đâu phải bị khổ thế này. Đúng lúc đó thì bác sư tử xuất hiện, chồn tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha mạng. Bác sư tử bảo: “Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ chứ gì?” Chồn gật đầu. Được bác sư tử khuyên răn và chỉ đường, chồn đã tìm về được ngôi nhà của mình. Chú mừng lắm và nhất quyết từ nay phải đi học

3. Sự tích Sọ Dừa

Truyện Sọ Dừa là một truyện cổ tích mang lại rất nhiều bài học bổ ích cho các bé nhỏ. Hai vợ chồng nọ có một mụn con nhưng là một cục thịt có mắt mũi, không có tay chân tên là Sọ Dừa. Vì vẻ bề ngoài xấu xí nên cậu luôn bị chê bai, nhưng có một người không chê bai mà còn đồng ý làm vợ của Sọ Dừa, đó chính là cô Út con gái phú ông. Sau khi cưới về, Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, học hành thông minh và đậu Trạng Nguyên khiến tất cả mọi người đều bất ngờ. Vì thế mà hai cô chị đã mưu kế đẩy em xuống biển khi Sọ Dừa từ giã vợ đi sứ. Thật may mắn khi chuyến đi sứ trở về nghe tiếng gà gáy trên đảo hoang, quan trạng ghé vào đảo xa rước vợ về nhà ăn tiệc mừng còn hai người chị xấu hổ trốn đi mất biệt. Câu truyện muốn ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người chứ không phải là bề ngoài và còn đề cao quy luật nhân quả của cuộc đời “ở hiền gặp lành”.

Nội dung truyện cổ tích: Sự tích Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành và chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.

Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời lúc đó nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống cho đỡ khát. Thế rồi, về đến nhà, bà có mang.

Nội dung truyện cổ tích: Sự tích Sọ Dừa

Ít lâu sau thì người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không hề có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn bã, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng liền bảo.

– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.

Lớn lên, Sọ Dừa vẫn cứ thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì giúp mẹ. Bà mẹ phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông lại ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao nhiêu nên phú ông đã đồng ý. Chẳng thể ngờ cậu lại chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò lùa về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người nên đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

Truyện cổ tích Sọ dừa

Một hôm đến phiên cô út mang cơm đến cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô đã nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần nhìn thấy như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ.

Bà mẹ đang buồn phiền cũng ngạc nhiên, phì cư­ời mà nói:

– Mày thì có ma nó lấy! Mình mẩy chân tay chẳng có mà lại đòi lấy vợ.

Như­ng Sọ Dừa thiết tha, nằn nì, thúc giục, cuối cùng bà cũng chiều lòng con phải đánh bạo kiếm một buồng cau đến nói với phú ông.

Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

– Mẹ sang nói ngay với ông chủ là con có đầy đủ các thứ ấy.

Sáng hôm sau đến hạn nạp lễ vật mà tối hôm trư­ớc đó, bà mẹ vẫn chư­a thấy gì ngoài túp lều tranh ở góc v­ườn. Sọ Dừa bảo bà cứ yên tâm, rồi đâu sẽ vào đấy.

Không ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà xuất hiện đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ linh đình. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu cả mà chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người lúc đó thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra vô cùng thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

Ganh tị với cô em, hai cô chị đã sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai cô chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước.

Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:

ò… ó… o

Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là người vợ của mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Khi đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra kiểu thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

Hai vợ chồng quan Trạng từ đó sống cuộc sống yên bình hạnh phúc.

4. Sự tích cây vú sữa

Nội dung truyện kể về một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch ngợm và ham chơi. Một lần bị mẹ măng nên cậu đã bỏ nhà đi la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà mong ngóng con, một thời gian trôi qua cậu vân không về, vì quá đau buồn mà bà đã qua đời. Đến khi cậu cảm thấy nhớ mẹ và quay về thì mẹ đã không còn nữa dù cậu đã gọi khản tiếng mà mẹ vẫn không trả lời. Nghe tiếng gọi, cây xanh cậu bé ôm run rẫy, trổ hoa, hoa tàn, quả xuất hiện và lớn nhanh, da căng mịn. Cây xanh nghiêng cành rơi đến quả thứ ba mới là quả ngon chảy ra một dòng sữa trắng ngọt và thơm giống sữa mẹ. Về sau, hạt của cây xanh được mọi nười đem về gieo trồng và đặt tên là Cây vú sữa. Bài học từ câu chuyện này chính là các bé phải biết trân trọng người đã có công ơn sinh thành, phải biết hiếu thảo, yêu thương và quan tâm ba mẹ đừng để mất đi rồi mới hối hận.

5. Thỏ và Rùa

Rùa và thỏ

Câu chuyện về cuộc tranh tài xem ai chạy nhanh hơn của Rùa và Thỏ. Bắt đầu cuộc thi, Thỏ đã xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng, chạy được một quãng đường, sau khi đã xác định bỏ Rùa một đoạn khá xa thì Thỏ yên tâm nằm chợp mắt dưới bóng cây mát ven đường. Rùa dù chạy chậm nhưng vẫn miệt mài tiến về phía trường, cố gắng không ngừng nghỉ đến khi đi qua gốc cây thấy Thỏ đang nằm ngủ, Rùa đã từ từ vượt qua và về đến đích giành chiến thắng. Lúc này, Thỏ giật mình dậy và nhận ra Rùa đã về đích, Thỏ biết mình đã thua cuộc vì sự chủ quan của bản thân. Qua đó, các bé yêu có thể học được rằng con người cần phải siêng năng, kiên trì, không được chủ quan, khinh địch dù ta có mạnh hơn nhiều đi chăng nữa.

6. Sự tích Củ cải trắng

“Sự tích Củ cải trắng” kể về ba người bạn Thỏ con, Dê con và Hươu dù đang rất đói bụng và muốn ăn củ cải trắng đó nhưng vì nghĩ đến bạn mình đang không có gì để ăn trong mùa đông lạnh lẽo này nên đã chia sẻ cho bạn. Bắt đầu từ Thỏ con tìm được 2 củ cải trắng nên đã đem đến cho Dê con một củ. Dê con về nhà thấy và nghĩ đến bạn rồi mang đến cho Hươu con vì Dê cũng tìm được một củ cải. Hươu con đi về nhà thấy củ cải trên bàn lại mang củ cải ấy đến cho Thỏ con. Khi Thỏ con thức dậy thấy củ cải đã rất vui và gọi các bạn đến ăn củ cải trắng thơm ngon này. Từ đó, rút ra bài học cho các bé, chỉ cần cho đi thì sẽ nhận lại được nhũng thứ nhiều hơn mình có.

Trên đây là những câu truyện cổ tích ngắn hay nhất để bạn có thể tham khảo và kể cho các con yêu của mình nghe. Hi vọng những mẩu chuyện nhỏ này sẽ giúp cho bạn và các bé có những giây phút vui vẻ bên nhau mà vẫn có được những bài học lý thú mỗi ngày.

Alternate Text Gọi ngay