Nuôi Kumanthong cầu tài lộc: Sai lầm tai hại

Trong thời gian thâm nhập, phóng viên Báo Người Lao Động chứng kiến nhiều màn “diễn xuất” tài tình của những người trong đường dây mua bán búp bê Kumanthong. Những mỹ từ quảng cáo về Kumanthong có “năng lực siêu phàm” đã khiến không ít người nhẹ dạ cả tin sập bẫy.

“Không nuôi bé, làm sao bé cho lộc?”

Trong vai đôi vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi được Kim (người phụ nữ trong đường dây mua bán búp bê Kumanthong) cho biết các “bé” chỗ Kim rất thiêng, ai xin gì cũng được đáp ứng. Đã có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn “thỉnh bé” về nuôi sau đó đều có con. Chủ thầu lô đề, cờ bạc… được “bé” thưởng trúng đậm nhiều tỉ đồng. Một người đàn ông đến mua Kumanthong hỏi: “Nếu vậy, chị có thể cho tôi đề ra số chiều nay không?”. Kim tỏ ra khó chịu: “Anh mua bé về nuôi bé mới cho số đề chứ. Không nuôi bé, làm sao bé cho lộc?”.

Nuôi Kumanthong cầu tài lộc: Sai lầm tai hại - Ảnh 1.

Chị Cún kể lại quá trình nuôi búp bê Kumanthong dẫn đến bị trầm cảm Ảnh: SỸ HƯNG

Sự lo lắng, thiếu niềm tin, ước vọng hạnh phúc, làm giàu nhanh nhờ tâm linh… của nhiều người nên Kumanthong đã trở thành món hàng dễ buôn bán, trục lợi của kẻ xấu.

Chỉ vào dãy búp bê cỡ lớn được trưng bày trên kệ, Kim bảo đó là Kumanthong có “năng lực siêu phàm” đã được các “thầy phép” ở Thái Lan yểm bùa, được Kim nuôi trong nhà mấy năm nay. “Nuôi Kumanthong tối kỵ nhất là bán cho người khác hoặc vứt bỏ. Nếu bé giận dỗi thì người bán xui cả đời” – Kim dọa nhưng ngay sau đó, khi chúng tôi chỉ vào con búp bê Kim đang nuôi, Kim liền nói giá bán 8 triệu đồng. “Mấy bé này đều nghe lời em nên em bán cho ai cũng được. Các bé hiểu hết mà, không giận em đâu”.

Cô gái tên Huệ nằm trong đường dây mua bán búp bê Kumanthong khác ở TP Cần Thơ còn kể cho chúng tôi những chuyện ly kỳ mà Kumanthong mang lại cho chủ nhân của nó. Gặp chúng tôi tại một quán nước, Huệ ra hiệu cho cô gái đi cùng đem ra 2 con búp bê được cất giấu trong cốp xe máy. Cầm một con búp bê Kumanthong lên tay, Huệ nói mới được “bé đỡ nạn” trong một vụ tai nạn giao thông. “Hôm đó, em đang chạy xe máy thì bị té gãy ngón tay út. Em đau quá vội vàng chạy xe về nhà. Lạ là khi về đến nhà, ngón tay út của em tự nhiên lành hẳn như chưa bị gì. Em nhìn vào ngón tay út của bé thì thấy bị gãy. Em biết bé đã đỡ nạn cho em. Anh thấy không, nó thương chủ nhân vậy đó” – Huệ huyên thuyên.

Khi chúng tôi xưng là dân thầu đề, mới thua liểng xiểng, không có cách nào gỡ được, Huệ khuyên mua một loại búp bê Kumanthong có “siêu năng lực” cộng thêm 5 bộ yểm bùa và tro cốt để “đá văng” con số đề mà Kumanthong yếu hơn đang giúp cho chủ nhân của nó trúng số. Giá mỗi con búp bê “siêu năng lực” khoảng 39-40 triệu đồng. Lấy điện thoại ra khoe hình một con búp bê Kumanthong, Huệ thúc giục chúng tôi mua. “Nếu các anh thầu lô đề thì nhanh “thỉnh” một bé như vậy về nuôi chứ để lâu còn thua nhiều tiền nữa. Nếu không đem theo tiền thì đặt cọc 50% rồi “thỉnh” bé sau cũng được” – Huệ nói. Chúng tôi xin số điện thoại và hẹn dịp khác đến lấy hàng, Huệ và cô gái lập tức tỏ thái độ khó chịu: “Anh không mua thì xui xẻo tự gánh đó nha”.

Hối hận vì nuôi Kumanthong

Cún (biệt danh của một cô gái mới 19 tuổi từng nuôi Kumanthong) kể chỉ vì tin lời bạn, cô đã “thỉnh” một búp bê Kumanthong với giá 2 triệu đồng về nuôi và đặt tên là “bé My”. Sáng sớm thức dậy, Cún phải đánh răng, cho “bé My” ăn, uống… rồi mới đến nhà hàng làm nhân viên chạy bàn. Cún đi đâu cũng hay bế “bé My” theo vì cho rằng có nó bên cạnh, Cún sẽ được bảo vệ. Nhiều lần cô bế “bé My” đến nhà hàng rồi ngồi thủ thỉ trò chuyện cùng nên bị chủ quán la, cấm đem búp bê tới quán. “Bé My” ở nhà, trưa Cún phải chạy về cho ăn uống, chiều tối cũng tranh thủ về phục vụ nó.

Nuôi Kumanthong cầu tài lộc: Sai lầm tai hại - Ảnh 3.

Búp bê Kumanthong được bày bán công khai trên mạng xã hội

“Không biết sao lúc đó tôi rất mê muội, cứ nghe theo lời thầy bói dọa không được để nó đói khát, nếu không thì xui xẻo cả đời. Ông thầy bói còn khuyên tôi thường xuyên mua áo mới, thay đồ yểm bùa… cho nó. Những món đồ này được bày bán ở nhà ông thầy bói” – Cún kể và cho hay hơn 1 năm nuôi búp bê Kumanthong, tính sơ sơ, chị đã “cúng” cho gã thầy bói hàng chục triệu đồng.

Khi được hỏi có thực sự tin Kumanthong linh thiêng, có khả năng đặc biệt hay không, Cún lắc đầu: “Nếu búp bê Kumanthong có khả năng đặc biệt thì tôi đâu khổ sở như bây giờ? Vì nghe theo lời thầy bói, nuôi Kumanthong mà tôi bị gia đình xa lánh, người yêu bỏ rơi. May mà giờ đây tôi đã thoát ra được cái trò mê tín này” – Cún kể trong nước mắt.

Cũng vì tin thầy bói, chị My (20 tuổi, quê Long An) “thỉnh” búp bê Kumanthong về nuôi nhưng khi muốn “sang tay” cho người khác thì không ai nhận. Cho không ai lấy, vứt bỏ không đặng vì thầy bói từng phán: “Nếu phản bội lại Kumanthong thì xui xẻo cả kiếp người”, chị My đành tiếp tục nuôi, chờ đến khi tìm được người nhận nuôi Kumanthong để tránh kiếp nạn. Chưa hết, gã thầy bói còn buộc chị My cắt máu nhỏ vào miệng Kumanthong, thề không bao giờ phản bội lại Kumanthong, mỗi tháng phải mua của thầy bói các loại bùa yểm và đồ dùng để chiều chuộng búp bê Kumanthong. Chỉ đến khi biết mình bị lừa, chị My dọa báo công an, gã thầy bói mới dừng lại rồi âm thầm dọn đi nơi khác.

Nuôi Kumanthong cầu tài lộc: Sai lầm tai hại - Ảnh 4.

Búp bê Kumanthong được bày bán công khai trên mạng xã hội

Còn chị Lan (28 tuổi, quê An Giang) “thỉnh” Kumanthong về nuôi với mục đích để nó phù hộ, bảo vệ, giúp kiếm được nhiều tiền và có được ý trung nhân – như lời thầy bói phán. Hai năm nuôi Kumanthong, chị Lan tận tụy phục vụ ăn uống, mua đủ thứ “đồ yểm” cho “cô bé vàng” của mình. Tính sơ sơ, “cô bé vàng” tiêu tốn của Lan hàng chục triệu đồng. Chưa kể, suốt thời gian dài, chị Lan phải mua thêm… tro cốt thai nhi, bùa yểm được cho là đem về từ Thái Lan với giá vài triệu đồng để tăng sức mạnh cho Kumathong của mình.

Tốn kém là thế nhưng Kumathong chẳng giúp được gì cho chị Lan như ước nguyện. Cứ mỗi lần hỏi đến, gã thầy bói lại xúi chị Lan phải mua thêm đồ này, vật kia… Quá chán ngán và thất vọng, chị Lan đem Kumathong biếu không cho gã thầy bói rồi nói lời chia tay. Biết chẳng thể ăn thêm từ Lan đồng nào nhờ vào trò lừa gạt, gã thầy bói khuyên chị Lan: “Thôi thì con cố gắng để dành tiền sửa lại cái mũi với độn cằm mà lấy chồng. Cải tạo nhan sắc rồi may ra Kumathong mới có thể giúp cho con được”. 

Nghi vấn đường dây lừa đảo chuyên nghiệp

Sau khi Báo Người Lao Động ngày 5-4 đăng bài “Thâm nhập đường dây mua bán búp bê Kumanthong”, nhóm phóng viên điều tra vụ việc này bị hăm dọa, “khủng bố” bằng những từ ngữ bẩn thỉu, không chỉ là đòi yểm bùa Kumanthong để hại mà họ còn tuyên bố “sẽ lấy mạng” phóng viên khi ra đường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả những người này đều tham gia vào hội nhóm và nằm trong hệ thống mua bán búp bê Kumanthong từ Bắc vào Nam. Đây là một nhóm hoạt động theo kiểu hội kín, chuyên giới thiệu mua bán Kumanthong, xăm phép, trói yêu, yểm bùa… Nhóm người này đã móc nối với một số người tự xưng là “thầy phép”, “thầy sư”… ghi lại cảnh nhà sư đang yểm bùa, cầu hồn búp bê Kumanthong ở Thái Lan để tạo lòng tin cho người mua. Đó cũng là lý do khiến có người bỏ hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng “thỉnh” búp bê “siêu năng lực” về “phụ tá” cho mình.

Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

Kỳ tới: Giải mã hiện tượng Kumanthong

Alternate Text Gọi ngay