Phúc Sinh đầu tư 100 tỷ đồng xây nhà máy chế biến cà phê ở Sơn La – Mcredit

Phúc Sinh Group đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến cà phê Sơn La, trang bị máy móc, quy trình hiện đại với kỳ vọng đưa thương hiệu này ra thế giới.

Đầu tháng 11, Công ty Cổ Phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) vừa chính thức khánh thành Nhà máy Phúc Sinh Sơn La tại Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Đây là nhà máy thứ 6 trong hệ thống của Phúc Sinh Group được đưa vào hoạt động sau 5 nhà máy cà phê và gia vị, nông sản tại Bình Dương, Đắk Lắk, tiếp tục nâng cao năng suất xuất khẩu cà phê Sơn La chuẩn UTZ và BRC ra thế giới.

Năng suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm

Sơn La có địa hình đồi núi xen kẽ các thung lũng với 2 cao nguyên Nà Sản – Mộc Châu, tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác nhau, ôn hòa và có 2 mùa tương phản. Nền đất đỏ vàng tầng dày và phì nhiêu nơi đây phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, trong đó có cà phê.

Với sức sống tốt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa, nên cà phê Arabica nơi đây có vị ngon đặc biệt. Sau khi rang xay, hạt cà phê toát ra mùi nồng của gỗ lâu năm và mùi chua thanh của trái cây rừng rất đặc trưng sau khi ủ nước nóng.

Nhà máy Phúc Sinh Sơn La có thể đạt năng suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm.

 

Đến nay, diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh Sơn La đạt trên 17.817 ha. Cà phê nhân tính đến cuối 2017 đạt trên 60.000 tấn. Con số trên vẫn được xem là thấp so với tiềm năng và giá trị đời sống kinh tế, thương hiệu địa phương mà cà phê Arabica của Sơn La có thể mang lại. Nguyên do chủ yếu là việc sản xuất cà phê vẫn loay hoay với các vấn đề: Phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, xây dựng địa bàn sản xuất tập trung rời rạc và không có tính bền vững, chưa hình thành được mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu, hay hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm chủ yếu còn nhỏ lẻ, việc phơi sấy còn thủ công, lạc hậu.

Nhận thấy thực trạng và tiềm năng của vùng cà phê Sơn La, Phúc Sinh đã đầu tư, xây dựng nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến trên dây chuyền sản xuất cà phê ướt Arabica nhập khẩu từ Colombia.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group – cho biết Phúc Sinh Sơn La là nhà máy có quy mô lớn nhất trong hệ thống nhà máy của công ty.

Đặc biệt, Phúc Sinh Sơn La được xây dựng đạt tiêu chuẩn của BRC. Hệ thống nhà xưởng sản xuất rộng 6.384 m2. Khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, có diện tích 2.600 m2, công suất xử lý 200 m3/ngày đêm. Các khu vực phụ trợ của nhà máy rộng 12.000 m2. Văn phòng rộng 1.080 m2.

Về máy móc, thiết bị, Phúc Sinh đầu tư hệ thống máy xát tươi từ Colombia cùng các nhà sản xuất máy hàng đầu khác. Hiện tại, nhà máy có tổng quy mô 45 hecta, được hoàn thành sau 8 tháng xây dựng với vốn đầu tư giai đoạn I lên đến 100 tỷ đồng.

Khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp cà phê chỉ dẫn địa lý Arabica Sơn La. Năng suất dự kiến đạt 20.000 tấn cà phê tươi/năm, phục vụ cho thị trường xuất khẩu, tiêu dùng Việt Nam và tiến tới nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Bên trong nhà máy sản xuất cà phê của Phúc Sinh.

 

Bên cạnh việc sản xuất và chế biến, Phúc Sinh tiếp tục thực hiện việc đầu tư cho vùng trồng hữu cơ của bà con các huyện ở Sơn La, tiếp tục gia tăng độ chế biến sâu hơn đối với sản phẩm cà phê Sơn La.

Cụ thể, từ vùng trồng, Phúc Sinh phối hợp cùng các hộ sản xuất, nông dân để cùng với người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu của chuẩn UTZ.

Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty đến từng nông hộ để giúp nông dân hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp: Vi sinh, kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM), cách thức thu hái, phơi phóng an toàn, cách đóng gói nguyên liệu, vận chuyển đến kho…

Quy trình đào tạo và chuyển giao công nghệ được Phúc Sinh Sơn La áp dụng liên tục để góp phần mở rộng hơn nữa vùng trồng, nâng cao sản lượng cho tương xứng với tiềm năng của sản vật vùng Tây Bắc.

Đây cũng sẽ là nền tảng, đòn bẩy để thực hiện nâng tầm giá trị cà phê Blue Sơn La của Phúc Sinh Sơn La. Một điều đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của nhà máy đã được đăng ký nhãn hiệu Blue Sơn La.

Ông Vũ Việt Thắng – Tổng giám đốc Phúc Sinh Sơn La – cho biết thêm dự án sẽ thu hút khoảng 100 lao động địa phương, bao gồm lao động thường xuyên và thời vụ. Doanh thu hàng năm ước tính đạt 30 triệu USD.

Đưa thương hiệu cà phê Sơn La ra thế giới

Xuyên suốt quá trình xây dựng nhà máy là những trăn trở của ông Phan Minh Thông cùng Phúc Sinh Group về con đường đưa cà phê Sơn La ra thế giới.
Ông Thông cho biết tháng 3 năm ngoái, ông cùng ông Vũ Việt Thắng lên Tây Bắc. Biết Sơn La trồng rất nhiều cà phê, họ ghé tỉnh. Sau buổi sáng thăm vùng trồng cà phê ở đây, hai người rất bất ngờ và sửng sốt.

Lúc đó, câu hỏi “Tại sao không thấy nhiều nhà máy ở đây và cà phê Sơn La chưa được biết đến rộng rãi?” bật lên trong đầu Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group. Càng tiếp xúc nhiều, ông Thông càng bất ngờ về Sơn La. Ông xin một số mẫu về thử và nhận ra cà phê ở đây rất ngon. 

Ông trăn trở liệu Phúc Sinh có thể xây nhà máy, thực hiện sứ mệnh giới thiệu cà phê nơi đây với công chúng và xuất khẩu trực tiếp thương hiệu này ra thế giới với quy mô rộng lớn, thật bài bản không.

Phúc Sinh đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế phiến cà phê tại Sơn La.

 

Về Sài Gòn, họ lên lịch lên Tây Bắc, đến Sơn La lần thứ hai. Lần khảo sát này đã đặt nền móng đầu tiên cho Phúc Sinh Sơn La. Sau 8 tháng xây dựng, nhà máy chính thức đi vào hoạt động với kỳ vọng đạt 4.000 tấn trong tổng số 6.000 tấn cà phê Arabica của công ty.

“Arabica của đất Tây Bắc với thương hiệu Blue Sơn La, sở hữu những đặc tính riêng biệt với mùi thơm hương hoa và vị ít đắng nhưng chua thanh, hậu vị ngọt nhẹ của mật ong rừng, hoàn toàn thỏa mãn những tiêu chí khắt khe về hương và vị. Sản phẩm có thể được xếp vào hàng cà phê đặc biệt – specialty coffee, sánh ngang với những cái tên danh tiếng như Jamaica Blue và Hawaii Kona Coffee”, ông Thông cho biết.

Blue Sơn La sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài, hướng tới thị trường chủ yếu là châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ.

Ông Phan Minh Thông phát biểu tại sự kiện khánh thành nhà máy Phúc Sinh Sơn La.

 

Ông Phan Minh Thông kỳ vọng sẽ xây dựng thương hiệu vùng, để khi khách hàng dùng cà phê Sơn La, họ biết đến vùng đất này. “Sau đó, người ta đến đây, có thể không phải để mua cà phê của Phúc Sinh mà mở nhà máy hoặc làm việc khác. Họ nhìn cảm hứng từ mình, thấy kinh doanh có lời, cũng hoạt động, tạo ra ngành kinh doanh, đưa kinh tế đi lên”, ông chia sẻ.

Ông thừa nhận đây là cuộc chiến lâu dài, cần kiên nhẫn, kiên định đảm bảo chất lượng tốt thì mới có thể xây dựng được thương hiệu cho nguồn hàng.

Việc Phúc Sinh Sơn La thu mua cà phê của nông hộ, hỗ trợ kỹ thuật, tạo công ăn việc làm là những bước đầu tiên trên hành trình đưa Blue Sơn La ra thế giới đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhà máy đi vào hoạt động không chỉ đóng góp vào việc kinh doanh của công ty mà còn mang lại hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Sơn La.

Các nông hộ trồng cà phê không giấu vẻ vui mừng về sự kiện khai trương nhà máy Phúc Sinh Sơn La.

 

Nói về sự kiện khánh thành Phúc Sinh Sơn La, bà Hoàng Thị Bình, nông dân ở bản Chăm Diên, xã Chiềng Giong, huyện Mai Sơn, Sơn La, không giấu nổi vẻ vui mừng, phấn khởi. Bà Bình cho biết gia đình trồng cà phê hơn 10 năm nay, trải qua nhiều bấp bênh do cà phê khó bán.

“Giờ có Phúc Sinh về thu mua rồi, phấn khởi lắm. Chúng tôi yên tâm trồng cà phê, chăm bón tốt, quả to, được mùa, làm hàng sạch, bán cho nhà máy với giá tốt hơn, có tiền cho con cháu ăn học”, bà nói.

Alternate Text Gọi ngay