Sắp tới, kích thước tiền âm phủ, tiền đồ chơi sẽ phải nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% tiền thật?

Ngày 11/8/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Cuộc họp do Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì.

Để phù hợp với thực tiễn  hoạt động, tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành chức năng hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát hiện và xử lý tiền giả, tiền nghi giả, công tác bảo vệ tiền Việt Nam một cách thống nhất theo quy định của pháp luật thì việc xây dựng, ban hành dự thảo Nghị định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam là cần thiết.

Trên tinh thần đó, dự thảo  lần 1 Nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam được ra đời và lấy ý kiến.

Có nhiều thông tin về việc tiền âm phủ, tiền đồ chơi theo dự thảo mới sẽ phải có kích thước nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% tiền thật. Tuy nhiên, nếu chiếu theo dự thảo, tiền đồ chơi, tiền âm phủ có phải là đối tượng điều chỉnh được quy định trong dự thảo này không?

Chương IV của dự thảo quy định về việc quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam. Trong đó, có thể thấy 3 vấn đề:

Thứ nhất, điều 18 dự thảo quy định tất cả các bản sao, chụp không làm thay đổi hình ảnh của tiền Việt Nam ngoài việc phóng to, thu nhỏ hoặc sao, chụp theo góc nghiêng cùng tỷ lệ và phải đảm bảo tính toàn vẹn của hình chân dung, quốc huy trên mặt trước tờ tiền.

Đối chiếu với mặt hàng tiền âm phủ hiện nay, nội dung, hình thức của các tờ mô phỏng tiền VNĐ không giống 100% tiền thật, thường sẽ có một số chi tiết khác đi như màu sắc không giống hoàn toàn, hay có thêm chi tiết và thay vì dòng chữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hàng chữ Ngân hàng địa phủ.

Sắp tới, kích thước tiền âm phủ, tiền đồ chơi sẽ phải nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% tiền thật? - Ảnh 1.

Hình ảnh tiền âm phủ các loại được bán trên thị trường

Thứ hai, điều 18 Dự thảo quy định, việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp dùng để viết báo, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về đồng tiền Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại Điều 17 Nghị định này (Ngân hàng Nhà nước, Cơ sở in đúc, tiền thuộc NHNN, cơ quan giám định, các cơ quan khác trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,…) muốn sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam nhưng không đáp ứng quy định phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thực tế, mặt hàng tiền âm phủ lâu nay vẫn thuộc nhóm ngành hàng vàng mã, có sự mô phỏng nhưng không sao chép 100% hình ảnh tờ tiền. Mặc dù vậy do việc hình ảnh và màu sắc tương tự nên nếu không nhìn kỹ nội dung hoặc ở khoảng cách xa rất dễ gây ra nhầm lẫn.

Nếu kích thước của các tờ tiền âm phủ phải nhỏ hơn hẳn (nhỏ hơn 50%) hoặc lớn hơn hẳn (lớn hơn 200%) như quy định trong điều 18 của dự thảo sẽ giúp người dân dễ phân biệt hơn so với hiện nay.

Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá”  – Điểm d, điều 18, dự thảo Nghị định Quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam quy định.


An Vũ

Theo

Alternate Text Gọi ngay