Sharp Việt Nam thông báo sẽ khởi kiện Asanzo

Sharp Việt Nam vừa tiếp tục gửi đơn tố cáo Công ty CP Tập đoàn Asanzo tới 5 Bộ về hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật.

Ông Masashi Kubo – Tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử Sharp Việt Nam

Liên quan đến các cáo buộc Asanzo giả xuất xứ, vi phạm quy định Pháp luật về xuất nhập khẩu và lừa dối khách hàng gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, mới đây công ty này lại tiếp tục bị Sharp Việt Nam nộp đơn tố cáo và thông báo sẽ khởi kiện về hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật.

Ông Masashi Kubo, Tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử Sharp Việt Nam ngày 26/11 đã ký đơn tố cáo gửi 5 bộ (Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ) và Đội 4 Kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ – Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục hải quan) tiếp tục tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Trong đơn tố cáo, Công ty TNHH điện tử Sharp Việt Nam tiếp tục khẳng định Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có hành vi làm giả tài liệu và đưa thông tin không đúng sự thật.

Dẫn lại thông tin từ cuộc họp báo do Asanzo tổ chức ngày 17/9/2019, Sharp Việt Nam cho biết, Asanzo công bố trước công chúng về việc Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản như các phát ngôn trên truyền thông và Asanzo đang có quan hệ hợp tác với Sharp Roxy (Hong Kong – SHR); đồng thời công bố thư xác nhận của SHR về mối quan hệ hợp tác này vào ngày 12/9/2019. Tuy nhiên, Sharp Việt Nam cho rằng những thông tin này là không chính xác.

Đơn tố cáo của Sharp Việt Nam gửi cơ quan chức năng.

Ngày 27/9/2019, đại diện theo ủy quyền của Sharp đã làm việc với Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ – Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng khẳng định những thông tin là sai sự thật và tài liệu Asanzo đưa ra là giả mạo.

“Tập đoàn Sharp trước đây có hợp tác cùng Công ty Điện tử Roxy tạo thành liên doanh Sharp – Roxy Hong Kong. Tuy nhiên ngày 25/9/2016, Tập đoàn Sharp kết thúc việc liên doanh cùng Công ty Điện tử Roxy và SHR trở thành công ty con 100% vốn sở hữu bởi Tập đoàn Sharp. Đến ngày 31/10/2016 hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp – Roxy Hong Kong thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. Do đó, Công ty Sharp – Roxy Hong Kong đã không còn tồn tại kể từ ngày 31/10/2016. Như vậy thư xác nhận của Sharp – Roxy Hong Kong theo như công bố của Asanzo vào ngày 12-9-2019, do Asanzo cung cấp là giả mạo”, đơn tố cáo của Sharp Việt Nam nêu.

Sharp cũng nhấn mạnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có hành vi cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng và các cơ quan ngôn luận rằng Asanzo vẫn đang có quan hệ hợp tác với Tập đoàn Sharp, để người tiêu dùng và dư luận tin rằng hàng hóa và công nghệ của Asanzo có nguồn gốc từ Sharp.

“Hành vi của Công ty Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Sharp”, Sharp nhấn mạnh.

Từ đó, Sharp đề nghị bộ, ngành và các cơ quan liên quan xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh hành vi giả mạo tài liệu, đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bảo vệ uy tín và thương hiệu cho Tập đoàn Sharp.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân – Luật sư uỷ quyền của Công ty Sharp Việt Nam thông tin với báo chí, từ thời điểm xảy ra sự việc tới nay Asanzo vẫn chưa có xin lỗi và cải chính thông tin như yêu cầu của Sharp.

 

“Đến thời điểm này công ty (Sharp Việt Nam – PV) vẫn có quan điểm sẽ khởi kiện. Tuy nhiên chúng tôi đợi kết quả từ các cơ quan chức năng trước”, Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân cho biết.

Trước đó, hôm 17/9, Asanzo – một công ty điện tử của Việt Nam đang dính nghi án “hàng Trung Quốc đội lốt Việt” đã tổ chức một buổi họp báo tự “minh oan” cho mình trước khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng mà đại diện là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

Theo đó, Công ty cho rằng họ làm đúng theo luật pháp về quy định xuất xứ và việc sử dụng slogan “đỉnh cao Nhật Bản” là không lừa dối người tiêu dùng.

“Trên thực tế, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy – một công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Theo yêu cầu của Asanzo, chúng tôi Sharp Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng, chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực”, thông báo của Asanzo hôm 17/9 nêu rõ.

Ngay sau đó, đến cuối tháng 9/2019, Sharp đã có đơn gửi Bộ Công an và Công an TP.HCM để tố cáo hành vi làm giả tài liệu của Asanzo.

Đinh Hiệu

Alternate Text Gọi ngay