Siêu âm gan có cần nhịn ăn không?
Siêu âm gan là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, an toàn, hiệu quả trong chẩn đoán một số bệnh lý gan, tổn thương gan nhất định. Tuy nhiên để đảm bảo kết quả siêu âm gan được chính xác, người bệnh cần lưu ý một số điểm được nêu dưới đây.
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán an toàn, không xâm lấn, không gây đau, không sử dụng bức xạ. Đây là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao, tiện dụng, chi phí thấp. Cho đến nay về cơ bản vẫn chưa ghi nhận những tác dụng có hại của siêu âm trên cơ thể con người. Vì vậy, nó có thể được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để chẩn đoán, theo dõi và kết hợp làm các thủ thuật điều trị bệnh.
Máy quét siêu âm bao gồm bảng điều khiển máy tính, màn hình hiển thị video và đầu dò kèm theo. Đầu dò là một thiết bị cầm tay nhỏ giống như micro. Đầu dò phát ra các sóng âm thanh tần số cao hay còn gọi là sóng siêu âm vào cơ thể và sau đó thu tiếng vang trở lại.
Bác sỹ siêu âm bôi một lượng nhỏ gel vào khu vực cần được kiểm tra và đặt đầu dò ở đó. Gel cho phép sóng âm truyền qua lại giữa đầu dò và khu vực được kiểm tra. Hình ảnh siêu âm có thể nhìn thấy ngay lập tức trên màn hình hiển thị. Máy tính tạo ra hình ảnh dựa trên độ to (biên độ), cường độ (tần số) và thời gian cần thiết để tín hiệu siêu âm trở về đầu dò. Nó cũng tính đến loại cấu trúc cơ thể hoặc mô mà âm thanh truyền qua. Trong y học, siêu âm được sử dụng để phát hiện những thay đổi về sự xuất hiện của các cơ quan, mô và mạch và để phát hiện các khối bất thường, chẳng hạn như khối u.