Siêu âm màu có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả, giúp quan sát thai nhi còn trong bụng mẹ. Thông qua siêu âm sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh của thai. Siêu âm được chia thành nhiều dạng như siêu âm 2D, 3D và siêu âm màu. Vậy siêu âm màu có ảnh hưởng thai nhi không?

1. Siêu âm màu thai nhi là gì?

Siêu âm màu thai nhi có bản chất là siêu âm thai 3D và 4D. Trong đó, siêu âm thai 3D là phương pháp siêu âm 3 chiều, giúp bác sĩ quan sát được kích thước thật của thai nhi, soi được các nội tạng, các mô, khuôn mặt và các đường nét của thai nhi. Siêu âm 4D là siêu âm 3D với hình ảnh động giúp bác sĩ quan sát được thai nhi đang chuyển động.

Thay vì hình ảnh trắng đen, siêu âm màu hay siêu âm Doppler là loại siêu âm có độ chính xác cao nhất với hình ảnh siêu âm có màu, dễ quan sát, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong việc theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh.

2. Các mốc thời gian trong thai kỳ nên thực hiện siêu âm màu

Trên thực tế, siêu âm trong thai kỳ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe cho mẹ và bé. Thông thường, mẹ cần thực hiện siêu âm định kỳ khoảng 1 lần/tháng trong 6 tháng đầu thai kỳ. Trong 3 tháng cuối, số lần thực hiện siêu âm có thể tăng tùy theo thể trạng của mẹ và thai nhi.

Siêu âm màu được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt của thai kỳ. Tuy nhiên, không phải siêu âm lúc nào cũng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vấn đề của thai nhi. Các dị tật của thai nhi chỉ được phát hiện vào một số thời điểm nhất định, nếu bỏ lỡ thì việc xác định có thể không còn chính xác hoặc đã quá muộn. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ định các mốc siêu âm màu quan trọng để chị em kiểm tra:

siêu âm thai 3D

  • Siêu âm màu thai nhi lần đầu tiên nên thực hiện trong giai đoạn từ tuần 11 đến tuần 16 của thai kỳ. Siêu âm màu trong giai đoạn này giúp bác sĩ xác định việc người mẹ có thai hay không, xác định vị trí thai đã vào tử cung hay chưa (thai nằm trong hay ngoài tử cung), số lượng thai nhi làm tổ trong tử cung, ngày dự sinh của thai phụ (sai số dao động trong khoảng +/- 7 ngày), đo độ mờ da gáy để phát hiện hội chứng Down và một số dị tật bẩm sinh như: vô sọ, thoát vị rốn, các bất thường trong nhiễm sắc thể…
  • Siêu âm màu thai nhi lần 2 nên thực hiện ở giai đoạn từ tuần 17 đến tuần 19 của thai kỳ.
  • Siêu âm màu thai nhi lần 3 nên thực hiện từ tuần 20 đến tuần 23 của thai kỳ. Trong giai đoạn này, siêu âm màu thai nhi sẽ giúp theo dõi và phát hiện những bất thường của thai như: bất thường về nước ối, nhau thai và các dị tật như sứt môi, tật hở hàm ếch hay dị tật nội tạng thai nhi.
  • Siêu âm màu thai nhi lần 4 nên thực hiện từ tuần 31 đến 34, giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề về tim mạch, mạch máu, vấn đề về não của thai nhi. Ngoài ra, siêu âm màu ở giai đoạn này còn giúp theo dõi tình trạng cân nặng, vị trí của ngôi thai, tình trạng nước ối giúp thai phụ có kế hoạch chuẩn bị cho việc sinh nở của bản thân.

3. Chỉ định siêu âm màu thai nhi khi nào?

Tuy hầu hết siêu âm thực hiện định kỳ trong thai kỳ là siêu âm 2D (hình ảnh siêu âm chỉ gồm các mảng sáng tối) nhưng thủ thuật này vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, siêu âm màu thai nhi sẽ được chỉ định để giúp khắc phục được các hạn chế về mặt hình ảnh, phục vụ việc chẩn đoán chính xác trong các trường hợp sau:

  • Bác sĩ phát hiện thai dị tật hoặc nghi ngờ dị tật. Nếu có các bất thường, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó hình ảnh siêu âm màu để quyết định có thực hiện thêm các xét nghiệm như chọc dò ối hay nội soi thai nhi hay không.
  • Siêu âm màu doppler khi cần đánh giá các bệnh lý ở tim thai nhi : thông liên thất, bệnh về valve tim…
  • Trường hợp thai quá ngày dự sinh sẽ được chỉ định siêu âm doppler để bác sĩ và gia đình đưa ra quyết định mổ lấy thai kịp thời.
  • Siêu âm màu giúp bố mẹ nhìn thấy con yêu rõ, vì vậy cha mẹ có thể tự nguyện yêu cầu thực hiện để lưu giữ hình ảnh con yêu làm kỷ niệm.

Siêu âm đo độ mờ da gáy ở tuần thai nào?

4. Siêu âm màu có ảnh hưởng thai nhi không?

Siêu âm màu có ảnh hưởng thai nhi không là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này. Thực tế, siêu âm màu có thể thực hiện bất kì khoảng thời gian nào trong thai kỳ, hiệu quả nhất là theo lịch hẹn của bác sĩ.

Tuy nhiên, có nhiều mẹ do nôn nóng muốn nhìn thấy con khỏe mạnh cũng như có quan niệm siêu âm màu là kỹ thuật tốt nhất, giúp quan sát con rõ ràng nhất nên đã lạm dụng, đây là điều không nên. Trên lý thuyết, siêu âm màu không gây hại cho sức khỏe của người được siêu âm, không gây ra cảm giác đau đớn, tuy nhiên không có nghiên cứu nào dám chắc được thai nhi có khó chịu hay không khi mẹ thực hiện liên tục.

Đặc biệt trong giai đoạn 2 tháng đầu thai kỳ, lúc này thai nhi vẫn đang trong quá trình hình thành, mẹ tạm thời chưa nên thực hiện siêu âm màu thai nhi. Đến tuần 22 – 23, siêu âm màu sẽ giúp mẹ kiểm tra các dị tật hình thái của con (hở hàm ếch, dị tật môi, dị dạng bộ phận khác…). Tuần 31 – 32, siêu âm màu giúp kiểm tra tổng quát sức khỏe thai kỳ để chuẩn bị lâm bồn. Vì vậy có thể thấy siêu âm màu tốt nhất nên tuân theo chỉ dẫn khám thai định kỳ của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Lựa chọn địa chỉ chăm sóc thai sản và siêu âm thai để chẩn đoán dị tật thai nhi sớm và chính xác là hết sức quan trọng. Việc siêu âm thai đúng thời điểm, định kỳ để sớm phát hiện các dị tật thai nhi là hết sức quan trọng, để từ đó có biện pháp theo dõi, xử trí thích hợp (thậm chí là quyết định đình chỉ thai nghén). Hiệu quả của phương pháp siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng phân tích của bác sĩ, trang thiết bị hiện đại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Alternate Text Gọi ngay