Sự thật thú vị về các hệ nhóm máu của loài người, đặc điểm, phân loại nhóm máu ra sao?
18:52 | 14/09/2022
Theo Viện huyết Học truyền máu Trung ương, năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.
Ở người máu được chia thành nhiều loại và mỗi loại có đặc điểm nhất định. Vậy có bao nhiêu nhóm máu, cách phân loại nhóm máu như thế nào? Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu rõ về vấn đề này.
Mục Lục
1. Máu là gì?
Máu là một dịch lỏng màu đỏ chảy trong hệ thống tuần hoàn của cả cơ thể. Máu có chức năng máu tham gia vào cơ chế để bảo vệ cơ thể như điều hòa hoạt động nhóm tế bào, cơ quan, đảm bảo sự đồng bộ trong hoạt động các cơ quan.
Máu bao gồm 2 thành phần là tế bào máu và huyết tương. Thể tích máu ở người trưởng thành là 5-6 lít ở nam giới và 4,5-5,5 lít ở nữ giới, chiếm trọng lượng 6-8% cơ thể. Máu gồm các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và một dịch có màu vàng chanh là huyết tương.
Máu là một dịch lỏng màu đỏ chảy trong hệ thống tuần hoàn của cả cơ thể.
2. Máu được tạo ra từ đâu?
Nguồn gốc của các tế bào máu là các tế bào gốc sinh máu vạn năng có trong tủy xương, đó là những tế bào có khả năng sinh sản trong suốt cuộc đời. Một phần những tế bào được giữ lại trong tủy xương để duy trì nguồn cung cấp tế bào gốc, phần lớn hơn sẽ biệt hóa để tạo ra các dòng khác nhau của các tế bào máu gọi là các tế bào gốc biệt hóa. Các tế bào gốc sẽ biệt hóa qua nhiều giai đoạn để trở thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trưởng thành.
3. Cấu tạo các thành phần trong máu
Cấu tạo máu gồm các thành phần như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.
Hồng cầu
Hồng cầu là tế bào có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính trung bình khoảng 7,5µm, chiều dày 1µm ở trung tâm và 2µm ở ngoại vi. Thành phần quan trọng nhất trong hồng cầu là Hemoglobin. Số lượng hồng cầu bình thường trong máu ngoại vi là: 5,05±0,38 T/l (x1012 tế bào/ lít) ở nam giới và 4,66±0,36 T/l(x1012 tế bào/ lít) ở nữ giới.
Hồng cầu trong máu chiếm số lượng nhiều nhất. Trong hồng cầu chứa huyết sắc tố làm cho máu có màu đỏ.
Hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển khí oxy từ phổi đến các mô và nhận khí cacbonic từ các mô tới phổi để đào thải.
Hồng cầu có vòng sống 120 ngày tính từ khi trưởng thành, sau đó sẽ bị tiêu hủy thường ở nách và gan.
Tuỷ đỏ tham gia vào quá trình tạo máu, tạo ra hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu ổn định trong cơ thể.
Bạch cầu
Bạch cầu là những tế bào có chức năng chống lại các tác nhân lạ (như vi khuẩn, vi rút…) nhằm bảo vệ cơ thể. Bạch cầu được phân loại thành các dạng là bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt. Trong đó bạch cầu hạt lại được chia thành bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa acid, bạch cầu ưa base. Bạch cầu không hạt thì gồm 2 loại là bạch cầu mono và bạch cầu lympho.
Bạch cầu được sinh ra từ tủy xương. Bạch cầu nằm trong máu là chủ yếu, tuy nhiên vẫn có một lượng lớn trú ngụ ở các mô của cơ thể có làm nhiệm vụ bảo vệ bằng cách phát hiện và tiêu diệt các yếu tố gây ra bệnh.
Giúp chữa lành vết thương bằng cách ngăn ngừa bị nhiễm trùng, tiêu thụ các các tế bào chết, mô mảnh và các tế bào hồng cầu cũ.
Tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi các vi khuẩn bên ngoài như vi khuẩn gây dị ứng, bảo vệ cơ thể khỏi các tế bào biến thể dạng như tế bào gây ung thư.
Các thành phần cấu tạo chính của máu.
Tiểu cầu
Tiểu cầu là những mảnh tế bào rất nhỏ không có nhân, hình đĩa có đường kính khoảng 2-4µm, có màng bao bọc. Tiểu cầu nhỏ hơn nhiều so với hồng cầu hay bạch cầu. Tiểu cầu có chức năng cầm máu bằng cách tiểu cầu tập hợp lại với nhau hình thành nút tiểu cầu, tạo ra cục máu đông dẫn đến hiện tượng ngưng chảy máu. Số lượng tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi dao động từ 150-300 G/l, trong đó: nam: 263,0± 61 G/l, nữ: 274,0± 63,0 G/l.
Tiểu cầu giúp thành mạch máu mềm mại, dẻo dai vì tiểu cầu còn có thể làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc.
Giai đoạn sống của tiểu cầu tính từ ngày trưởng thành là từ 7 – 10 ngày. Tủy xương cũng là nơi sản sinh ra tiểu cầu.
Huyết tương
Huyết tương là một chất dịch trong, có màu vàng nhạt đồng thời huyết tương cũng là một trong những thành phần quan trọng nhất của máu. Huyết tương chiếm tới 55 – 65% tổng lượng máu trong cơ thể.
Sinh lý huyết tương thay đổi thường xuyên theo tình trạng sinh lý của cơ thể. Sau bữa ăn huyết tương có màu đục và sau khi ăn vài giờ thì sẽ trong hơn và có màu vàng chanh. Nếu đơn vị máu có huyết tương màu đục sẽ không được sử dụng vì có thể gây sốc, gây dị ứng cho người bệnh.
Huyết tương chứa 90% nước về thể tích, 10% còn lại là các chất tan như protein huyết tương, các thành phần hữu cơ và muối vô cơ…
Ngoài ra, huyết tương còn được tiến hành tách các thành phần của máu ra để truyền cho bệnh nhân theo nguyên tắc “thiếu gì truyền nấy”. Và với sự phát triển của khoa học công nghệ trong y học hiện đại ngày nay, thay vì việc truyền máu toàn phần thì nguyên tắc cơ bản của truyền máu hiện đại chính là chỉ sử dụng loại chế phẩm máu mà người bệnh cần nhằm phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế tối thiểu những tai biến truyền máu.
Trong các chế phẩm máu được dùng trong truyền máu, các chế phẩm chứa huyết tương được sử dụng khá phổ biến, chủ yếu là huyết tương giàu tiểu cầu và huyết tương tươi đông lạnh.
Máu có nhiều chức năng quan trọng mang tính sống còn đối với cơ thể.
4. Công dụng của máu
Máu có nhiều chức năng quan trọng mang tính sống còn đối với cơ thể.
Máu vận chuyển các phân tử: Các phân tử glucose, acid amin, acid béo, các chất điện giải và nước được hấp thu từ ống tiêu hóa sẽ được máu vận chuyển cung cấp cho các mô khác. Máu lấy oxy từ phổi mang đến các mô, đồng thời lấy carbon monocid, sản phẩm của hô hấp tế bào đưa đến phổi để thải ra ngoài. Máu vận chuyển hormone và các chất dẫn truyền từ nên sản xuất đến cơ quan đích.
Máu vận chuyển nhiệt: Quá trình chuyển hóa trong cơ thể sản xuất ra một lượng nhiệt lớn, máu vận chuyển nhiệt từ các bộ phận sâu trong cơ thể đến da và đường hô hấp để khách tán nhiệt ra ngoài.
Máu giúp duy trì sự ổn định của pH và áp lực thẩm thấu của dịch ngoại bào: Dịch ngoại bào trong cơ thể luôn được duy trì ổn địch trong khoảng từ 7.35 đến 7,45 nhờ trong máu có các hệ thống đệm. Các hệ thống đệm này chuyển các acid, base mạnh thành các acid, base yếu hơn. Máu cũng vận chuyển các chất có tính acid và base mạnh đến các cơ quan bài tiết.
Các protein của huyết tương do không qua được thành mao mạch, tạo ra một áp suất thẩm thấu gọi là áp suất keo. Áp suất keo ảnh hưởng lớn đến áp lực thẩm thấu của dịch ngoại bào do đóng vai trò quan trọng trong sự vận động của nước giữa máu và dịch kẽ.
Máu có chức năng bảo vệ cơ thể do một số tế bào máu có khả năng thực bào, giúp tiêu hóa và khử độc các chất lạ, chất lạ và vi khuẩn. Một số tế bào máu có khả năng sinh kháng thể để trung hòa chất độc từ tác nhân lạ, trong khi một số tế bào khác và protein huyết tương có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu giúp bảo vệ cơ thể.
5. Cách phân loại nhóm máu
Cách phân biệt các loại nhóm máu dựa theo các kháng nguyên riêng biệt trên hồng cầu. Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…
6. Các hệ nhóm máu
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.
Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.
Các hệ nhóm máu bao gồm:
Hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O.
Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)-
Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, đã có 8 nhóm máu phổ biến như: A+; A-; B+; B-; AB+; AB-; O+; O- (A+ nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh(D)+ thuộc hệ Rh).
Máu có 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh.
6.1. Hệ nhóm máu ABO
Nhóm máu A: Có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và kháng thể B trong huyết thanh. Người có nhóm máu A có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu A, hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu A cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu O.
Nhóm máu B: Có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể A trong huyết thanh. Người có nhóm máu B có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu B cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu O.
Nhóm máu AB: Có kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu và không có kháng thể A, kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu không phổ biến. Người có nhóm máu AB có thể nhận máu từ bất kỳ người có nhóm máu nào. Tuy nhiên, vì có cả hai kháng nguyên AB trên tế bào hồng cầu nên người có nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho người có cùng nhóm máu AB.
Nhóm máu O: Không có kháng nguyên A, kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có cả kháng thể A, kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu phổ biến nhất. Người có nhóm máu O chỉ có thể nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu O, vì các kháng thể trong huyết tương của nhóm máu này sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, do nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên.
6.2. Hệ nhóm máu Rh – kháng nguyên D (Rh D)
Kháng nguyên D thuộc hệ nhóm máu Rh có tính sinh miễn dịch mạnh nhất trong tất cả các hệ nhóm máu ngoài hệ nhóm máu ABO. Do đó, đây là hệ nhóm máu quan trọng sau hệ nhóm máu ABO.
Hầu hết máu ở người đều có kháng nguyên D trên hồng cầu, thường gọi là Rh D(+). Ngược lại, không có kháng nguyên D trên hồng cầu thì được gọi là Rh D(-). Tỷ lệ người có Rh D(-) tại Việt Nam chỉ khoảng 0,07%, nên đây được xem là một nhóm máu hiếm.
Người có nhóm máu Rh D(-) có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh D(+), nhưng chỉ được nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu và có Rh D(-).
7. Tại Việt Nam các nhóm máu được phân bố như thế nào?
Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là: nhóm O khoảng 45%, nhóm B khoảng 30%, nhóm A khoảng 20% và nhóm AB khoảng 5%.
Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)-. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.