TẦM QUAN TRỌNG CỦA SIÊU ÂM HỆ ĐỘNG MẠCH CẢNH | Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa

Bs Nguyễn Trung Hiếu

Bệnh lý tim-mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển.

Đột quỵ và các biến chứng của nó là biến cố tim mạch nghiêm trọng nhất với tỷ lệ tử vong khoảng 1/3 các trường hợp; là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở Mỹ, Anh và là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng đầu.

Nhồi máu não chiếm 80-86% các trường hợp đột quỵ. Người ta ước tính rằng hẹp động mạch cảnh trong ≥ 50% chịu trách nhiệm cho khoảng 25% trường hợp nhồi máu não.

Những nghiên cứu quy mô bằng siêu âm Doppler động mạch cảnh cho thấy tần suất hẹp động mạch cảnh trong ≥ 50% chiếm khoảng 3-7 % số người được khảo sát.

Lý tưởng, những bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột quỵ này cần phải được chẩn đoán và điều trị trước khi bị các biến chứng thần kinh. Thế nhưng, không may là chỉ có 15% bệnh nhân bị đột quỵ được cảnh báo trước bằng các triệu chứng thiếu máu thoáng qua và đợi cho đến khi đột quỵ xảy ra thì đã muộn.

Đột quỵ là do nhồi máu não có thể do huyết khối hoặc thuyên tắc, hoặc do cả hai. Trong đó, tắc đoạn gần động mạch cảnh trong chiếm 5% trường hợp nhồi máu não.

Tại hệ cảnh thì mảng vữa xơ phát triển chủ yếu ở chỗ chia đôi động mạch cảnh. Khoảng 15% nhồi máu não có nguyên nhân từ huyết khối hình thành tại các mảng vữa xơ tại chỗ chia đôi động mạch cảnh. 90% bệnh lý của hệ cảnh – sống là do xơ vữa. 10% còn lại do các nguyên nhân khác: loạn sản cơ sợi (fibromuscular dysplasia), bóc tách (dissection), phình mạch (aneurysm) và viêm động mạch, bao gồm Viêm động mạch Takayasu (Takayasu’s arteritis).

Những nghiên cứu của Blaisdell và Hass cho thấy sự phân bố của mảng vữa xơ ở hệ cảnh sống như sau:

  • Khoảng 1/3 số trường hợp xảy ra ở trong não, không thể phẫu thuật.
  • Khoảng 2/3 số trường hợp ở ngoài não.
    • Chỗ chia đôi động mạch cảnh và đoạn gần động mạch cảnh trong chiếm 50% trường hợp.
    • Động mạch đốt sống chiếm 20% trường hợp.
    • Động mạch dưới đòn trái: 10-15%.
    • Động mạch vô danh và dưới đòn phải: 15%.
  • Có thể có hơn một tổn thương cùng hiện diện.

Trước đây chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (digital subtraction angiography – DSA) là phương tiện chẩn đoán duy nhất và cũng là tiêu chuẩn vàng (gold standard) trong chẩn đoán bệnh lý hệ động mạch. Ngày nay, với siêu âm, nhất là siêu âm Doppler (Doppler ultrasound), người ta có thể khảo sát tốt các bệnh lý ở hệ cảnh-cột sống. Siêu âm không những đánh giá được độ hẹp mà còn đánh giá tốt hình thái và tính chất của mảng vữa xơ. Siêu âm có thể làm tại gường giúp đánh giá các bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Ngoài siêu âm, chụp mạch máu bằng CT (CTA – CT angiography) và chụp mạch máu bằng MRI (MRA – MR angiography) là những phương tiện chẩn đoán mà ta có thể chọn lựa.Việc kết hợp giữa siêu âm Doppler, CT và/hoặc MRI đôi là cần thiết để có kết quả chính xác trong những trường hợp khó, phức tạp.

Siêu âm 2D tỏ ra nổi trội hơn hẳn các phương tiện chẩn đoán khác trong việc đánh giá bề dày phức hợp nội trung mạc động mạch cảnh (CIMT – carotid intima-media thickness). CIMT là một yếu tố tiên lượng độc lập trong việc đánh giá nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như nhồi máu não, được nghiên cứu nhiều và đưa vào ứng dụng thực tế trong những năm gần đây. Do vậy, không chỉ có siêu âm Doppler, mà siêu âm 2D cũng góp phần quan trọng trong khảo sát các động mạch hướng não.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ali F. AbuRahma et al. Noninvasive Vascular Diagnosis. 2nd edition.2007.

2. Ali F. AbuRahma et al. Noninvasive Vascular Diagnosis. 3rd edition. Springer-Verlag London 2013.

3. Blaisdell FW et al. Cerebrovascular occlusive disease. Experience with panarteriography in 300 consecutive cases.Calif Med. 1965;103:321–9.
4. Hass Wk et al. Joint study of extracranial arterial occlusion. II. Arteriography, techniques, sites, and complications.JAMA. 1968;203:961–8.

Alternate Text Gọi ngay