Tác dụng khi bấm huyệt Tam Âm Giao | Vinmec
Theo tài liệu Y Học Cổ Truyền, huyệt Tam Âm Giao có công dụng khử phong thấp kinh lạc, thông khí, thải độc- khí hư, sơ can – ích thận, dưỡng âm… Nhờ những đặc tính này mà huyệt được đánh giá cao trong chữa bệnh và dưỡng sinh bằng bấm huyệt, châm cứu.
Về vị trí, huyệt Tam Âm Giao là huyệt thứ 6 của đường kinh Tỳ, nằm ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân đo lên 3 thốn. Tên huyệt Tam Âm Giao nhằm để chỉ vị trí giao hội của 3 đường kinh âm là Thái Âm Tỳ, Thiếu Âm Thận và Quyết Âm Can.
Huyệt Tam Âm Giao còn có các tên gọi khác là Đại Âm, Thừa Mạng Thừa Mệnh, Hạ Tam Lý.
2.1. Công năng dưỡng âm
Do là huyệt vị nằm tại vị trí giao hội của 3 đường kinh âm của chân, nên huyệt Tam Âm Giao có tác dụng bổ ích cho 3 tạng: can – tỳ – thận; trợ vận hóa, thông khí trệ và điều huyết thất tinh cung.
Đối với hạ tiêu, Tam Âm Giao có tác dụng sơ tiết hạ tiêu nên có thể giúp điều tiết hoạt động của bàng quang. Đây cũng là chủ huyệt giúp chữa các bệnh đường sinh dục, tiết niệu.
Theo y học phương Đông, chứng mất ngủ xuất phát ở âm huyết. Mọi nguyên nhân khiến âm huyết hao tổn đều có thể gây ra mất ngủ hoặc rối loạn mất ngủ. Do vậy, những người mắc chứng mất ngủ nếu thường xuyên bấm huyệt Tam Âm Giao sẽ thấy tình trạng dần cải thiện đáng kể.
2.2. Điều hòa thần kinh
Theo nguyên lý của Y Học Cổ Truyền, mỗi dạng cảm xúc âm tính đều sẽ gây tổn thương một loại khí nhất định trong cơ thể. Ví dụ như: “Kinh, Hỷ thương Tâm”; “Nộ thương Can”; “Bi, Ưu thương Phế”; “Tư thương Tỳ”; “Khủng thương Thận”… Tuy nhiên, bất kỳ một cảm xúc âm tính nào kéo dài đều sẽ ảnh hưởng tới Can khí, dẫn đến can khí uất và là đầu mối của nhiều chứng bệnh khác nhau.
Huyệt Tam Âm Giao có tác dụng giải khí uất của Can khí và hóa giải những trạng thái tâm lý này. Ở những người đang căng thẳng tâm lý hoặc có cơn “bốc hỏa”, mất cân bằng cảm xúc thì nên bấm huyệt Tam Âm Giao, sẽ thấy ngay kết quả.
2.3. Tăng cường tiêu hóa và giải độc
Ngoài công dụng dưỡng âm và điều hòa thần kinh, huyệt Tam Âm Giao còn được dùng phổ biến trong dưỡng sinh để thanh lọc và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Theo Y Học Cổ Truyền, khi một phủ hoặc tạng có dấu hiệu bệnh sẽ biểu hiện rõ nét qua đường kinh lạc đi qua đó. Do vậy, ở những bệnh nhân bị rối loạn tạng phủ, thầy thuốc sẽ tác động vào các huyệt đạo ở những đường kinh lạc này để cải thiện tình hình. Huyệt Tam Âm Giao nhờ vậy cũng giữ vai trò thiết yếu trong việc giúp thanh lọc, giải độc cho cơ thể.