Thận trọng nguồn gốc xuất xứ giống điều ghép
BT- Điều là cây trồng chủ lực của Bình Thuận, dễ thích nghi trên mọi vùng đất của tỉnh, giúp xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ sở và cá nhân ở Đồng Nai, Bình Phước đang sản xuất giống điều ghép bán cho người dân nhưng không có giấy phép sản xuất giống, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cây điều ghép ở Đức Linh.
Phát triển cây
điều theo chiều sâu
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng
diện tích cây điều toàn tỉnh đến nay khoảng 17.500 ha cho sản lượng trên 12.100
tấn. Hiện tỉnh đã hình thành vùng trồng điều tập trung tại các huyện Đức Linh
7.238 ha, Tánh Linh 4.520 ha và Hàm Tân 2.543 ha. Trong tổng diện tích điều của
tỉnh, có khoảng 50% diện tích thâm canh cây điều ghép cao sản. Trên địa bàn tỉnh
có 3 đơn vị cung ứng giống điều ghép chính với năng lực cung cấp 10.000 cây/năm.
Hầu hết sản phẩm hạt điều thô được nông dân bán cho tư thương với giá thỏa thuận
theo thị trường. Tỉnh có 7 cơ sở thu mua sơ chế hạt điều với quy mô nhỏ, công
suất 200-300 tấn/năm.
Thời gian qua, nhằm phát triển cây
điều theo chiều sâu, một số giải pháp được tập trung đẩy mạnh, gồm cải tạo những
vườn điều năng suất thấp, trồng mới để thay thế các vườn điều già cỗi bằng các
giống điều ghép cao sản, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặt khác, tập trung
đầu tư thâm canh tăng năng suất, đổi mới trang thiết bị và công nghệ chế biến để
nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nhân điều.
Cũng trong thời gian trên, Trung tâm
Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Trung tâm Điều) thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật
nông nghiệp miền Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công
nghệ, tư vấn dịch vụ từ kết quả nghiên cứu về cây điều cho các tỉnh, thành phía
Nam. Trung tâm Điều đã nghiên cứu chuyển giao cho sản xuất một số giống điều có
năng suất và chất lượng tốt như PN1, AB05-08, AB29 được Bộ Nông nghiệp và PTNT
cho phép sản xuất.
Cảnh giác nguồn
gốc xuất xứ cây giống
Tuy nhiên, theo Chi cục Trồng trọt
và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay có một số cơ sở và cá nhân tại tỉnh Đồng Nai
và Bình Phước đang sản xuất giống điều ghép từ các giống của Trung tâm Điều
nhưng không có giấy phép sản xuất giống, không có cây và vườn chồi đầu dòng.
Nghiêm trọng hơn đã có cá nhân tự nhận là “Cây giống điều ghép Đồng Nai” chuyên
cung cấp sỉ và lẻ điều ghép cao sản AB05-08, PN1, AB29. Hoạt động của các cá
nhân này là dùng xe tải mang biển số 65H003.XX thu mua cây giống điều không có
nguồn gốc, xuất xứ ở Đồng Nai rồi mang đi tiêu thụ tại các tỉnh trồng điều chính
của Việt Nam, trong đó có Bình Thuận.
Bà Nguyễn Thị Phương Vinh – Phó Chi
Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, theo quy định,
các cơ sở buôn bán giống cây trồng cần phải đáp ứng các điều kiện như trước khi
buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo tới Sở
Nông nghiệp và PTNT, nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin về địa chỉ giao
dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ. Mặt khác,
tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn
gốc lô giống cây trồng, gồm thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống, hồ
sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định. Đối với giống cây công nghiệp,
cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử
dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.
Do đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho
nông dân trồng điều do việc mua nhầm cây điều giống kém chất lượng, không đúng
giống cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh
đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, thị xã,
Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp thông báo cho các cơ sở mua bán cây
điều giống trên địa bàn để nâng cao cảnh giác, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh
hưởng đến nông dân.
Kiều Hằng