Thử thai 2 vạch nhưng siêu âm không có thai
Mục Lục
Hoang mang có 2 vạch,
nhưng bác sĩ lại nói chưa có thai
Chị N.T.L, 25 tuổi ở Thanh Hóa kết hôn đã hơn một năm, hiện đang rất mong chờ có em bé. Gần 2 tuần nay, thấy cơ thể có biểu hiện cơ thể khác lạ, ngực căng tức, nhũ hoa to hơn… chị L. đã mua que thử thai về thử. Khi que thử cho kết quả 2 vạch, chị L. và gia đình rất vui mừng. Sau đó, chị đến bệnh viện để siêu âm kiểm tra nhưng bác sĩ nói chưa nhìn thấy thai trên hình ảnh siêu âm khiến chị rất hoang mang, lo lắng.
Chị Đ.T.B ở Nam Định kết hôn cũng đã lâu, đã từng mang thai nhưng thai lại bị lưu. Khi thấy chậm kinh, cùng những biểu hiện như đau bụng, những cơn đau cũng không quá dữ dội, chỉ đau âm ỉ. Sau đó vài ngày không thấy đau nữa và cũng không có kinh nguyệt. Chị B. mua que thử thai về thử và kết quả que thử thai cũng báo 2 vạch. Khi đến phòng khám để kiểm tra, nhưng cũng “ngã ngửa” khi bác sĩ thông báo chưa thấy có thai trong tử cung. Tuy nhiên kích thước tử cung có vẻ lớn hơn nên bác sĩ nghi ngờ chị B. có thể mang thai ngoài tử cung.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp chị em khi sử dụng que thử cho kết quả báo hiệu có thai nhưng khi đi siêu âm thì lại chưa hề có hình ảnh trên siêu âm.
Trong một số trường hợp, que xuất hiện 2 vạch thì mới chỉ là dấu hiệu gợi ý có thai, không có nghĩa là chắc chắn có thai.
Đâu là lý do khiến cho hai kết quả có sự khác biệt nhau?
Theo BS. Đoàn Xuân Quảng (Khoa sản bệnh – Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng), trong trường hợp chậm kinh, que thử thai báo hai vạch nhưng khi đi siêu âm lại không nhìn thấy hình ảnh thai, có thể xảy ra 3 tình huống như sau:
Tình huống thứ nhất có thể xảy ra là que thử bị sai, tuy nhiên vì đã thử ba lần đều hai vạch thì tỷ lệ này cũng rất thấp. Tuy nhiên vẫn có trường hợp dương tính giả dẫn đến kết quả thử thai sai.
Thứ hai, đó là do thai phụ đi siêu âm trong giai đoạn rất sớm, lúc này thai chưa thể quan sát trên siêu âm.
Trường hợp thứ ba là do thai nằm không đúng vị trí trong buồng tử cung mà nằm phía ngoài (thường được gọi là chửa ngoài tử cung). Với một số trường hợp chửa ngoài tử cung đến giai đoạn muộn khối chửa có thể bị vỡ hoặc nứt rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu không có đau bụng hay ra máu, sau một tuần hãy nên đi siêu âm lại. Nếu bị đau bụng hoặc ra máu thì cần phải đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Nếu quá sớm, khối chửa rất nhỏ sẽ khó quan sát, đánh giá.
BSCKII. Phạm Văn Tự, Phó trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cũng cho biết, que thử thai có độ nhạy rất cao nhưng độ đặc hiệu lại rất thấp. Độ nhạy cao tức là dương tính nhưng chưa chắc đã có thai. Độ đặc hiệu là đã dương tính thì chắc chắn có thai. Vì vậy, trong trường hợp thử thai, que xuất hiện 2 vạch thì mới chỉ là dấu hiệu gợi ý có thai, không có nghĩa là chắc chắn có thai.
Các dấu hiệu sớm báo hiệu bạn có thai
Phụ nữ khi mang thai có thể có những dấu hiệu mang thai khác nhau và vào những thời điểm khác nhau. Có một số dấu hiệu mang thai sớm mà bạn có thể có hoặc không. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
Chậm kinh
Dấu hiệu mang thai phổ biến và rõ ràng nhất là bị chậm kinh. Khi quá trình thụ thai đã xảy ra, cơ thể sẽ sản xuất ra các hormone ngăn cản quá trình rụng trứng và làm bong lớp niêm mạc tử cung. Điều này có nghĩa là chu kỳ kinh nguyệt đã dừng lại và người phụ nữ sẽ không có kinh trở lại cho đến khi sinh con xong. Nhưng chậm kinh không phải lúc nào cũng là dấu hiệu mang thai. Khi căng thẳng, tập thể dục quá mức, ăn kiêng, mất cân bằng hormone… cũng có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều, chậm kinh.
Chậm kinh là dấu hiệu sớm đầu tiên báo hiệu có thai.
Đi vệ sinh thường xuyên
Trước khi chậm kinh, nữ giới có thể nhận thấy rằng mình phải đi tiểu thường xuyên hơn. Nguyên nhân là do lúc này lượng máu cung cấp cho cơ thể tăng lên. Thai càng to, thận phải lọc chất cặn bã nhiều bạn càng phải đi tiểu nhiều hơn.
Mệt mỏi
Nhiều người cảm thấy vô cùng mệt mỏi trong giai đoạn đầu mang thai. Dấu hiệu mang thai này xảy ra do lượng hormone progesterone tăng cao. Tương tự như các triệu chứng mang thai sớm khác, tình trạng mệt mỏi có xu hướng thuyên giảm trong tam cá nguyệt thứ hai (sau tuần 13 của thai kỳ). Tuy nhiên, nó sẽ trở lại vào tam cá nguyệt thứ ba đối với nhiều người.
Ốm nghén
Buồn nôn có thể xảy ra sớm nhất là khi thai được hai tuần. Không phải ai cũng cảm thấy buồn nôn và có nhiều mức độ buồn nôn khác nhau. Bạn có thể cảm thấy buồn nôn nhưng không nôn. Trong khi đó, khoảng một nửa số người mang thai bị nôn do buồn nôn. Mặc dù buồn nôn khi mang thai là khá bình thường, nhưng nó có thể gây ra tình trạng mất nước. Nếu buồn nôn và nôn quá nhiều, cần phải đến khám để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Đau ngực
Cảm giác đau nhức có thể tương tự như cảm giác đau ngực trước kỳ kinh. Quầng vú cũng có thể bắt đầu sẫm màu và to ra. Cảm giác đau nhức này là tạm thời và giảm dần sau đó.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở phụ nữ mang thai
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thai phụ phát hiện nhiễm đậu mùa khỉ: Cần chăm sóc mẹ và bé như thế nào?