Thuốc Aquadetrim: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng – Dược sĩ lâm sàng – Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Thuốc Aquadetrim có thành phần hoạt chất là cholecalciferol (Vitamin D3) là dạng tự nhiên của vitamin D có trong động vật và người. Để việc sử dụng thuốc hiệu quả, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

1. Thành phần và công dụng thuốc Aquadetrim

Aquadetrim có thành phần hoạt chất là cholecalciferol (Vitamin D3) là dạng tự nhiên của vitamin D có trong động vật và người. Chức năng quan trọng nhất của vitamin D là cùng với hormone tuyến cận giáp và calcitonin điều chỉnh việc chuyển hóa của calci và phosphat. Theo đó, vitamin D3 là thành phần chống còi xương mạnh, cần thiết cho chức năng tuyến cận giáp. Thuốc Aquadetrim đóng vai trò chính trong hấp thu calci và phosphat từ đường ruột, vận chuyển muối khoáng, tham gia vào quá trình calci hóa của xương, điều chỉnh lượng calci và phosphat được thải ra ngoài qua thận.

Thiếu vitamin D liên quan đến chế độ ăn, rối loạn hấp thu, thiếu hụt calci, bệnh gan và do dùng một số thuốc nhất định,… Theo đó, việc thiếu tiếp xúc và ánh sáng mặt trời sẽ dẫn tới bệnh còi xương trong thời kỳ tăng trưởng nhanh của trẻ em và bệnh loãng xương ở người lớn.

2. Chỉ định sử dụng thuốc Aquadetrim

Thuốc Aquadetrim được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương và loãng xương ở trẻ em và người lớn.
  • Phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ sinh non.
  • Phòng ngừa thiếu hụt vitamin D ở trẻ em và người lớn bị kém hấp thu.
  • Điều trị giảm năng tuyến cận giáp ở người lớn.

Mỗi 1 ml Aquadetrim có chứa Cholecalciferol (Vitamin D3) 15000 đơn vị. 1ml Aquadetrim tương ứng với 30 giọt. Do đó, 1 giọt tương ứng khoảng 500 đơn vị Vitamin D3.

aquadetrim dành cho trẻ còi xương

3. Liều dùng, thời gian dùng, cách dùng thuốc Aquadetrim

Dựa trên chế độ ăn, cơ địa của từng người, liều dùng khuyến cáo như sau:

  • Phòng thiếu hụt: Trẻ từ sơ sinh và người lớn: 500 đơn vị (1 giọt) mỗi ngày.
  • Điều trị thiếu hụt: Phụ thuộc mức độ thiếu của từng người bệnh do bác sĩ chỉ định.
  • Còi xương phụ thuộc vitamin D: 3.000 đơn vị đến 10.000 đơn vị (6 đến 20 giọt)/ngày.
  • Loãng xương do các thuốc chống co giật: Trẻ em: 1.000 đơn vị (2 giọt)/ngày và người lớn: 1.000 đơn vị đến 4.000 đơn vị (2-8 giọt)/ngày

Thời gian điều trị:

  • Phòng ngừa bệnh còi xương: Trẻ mới sinh và trẻ sơ sinh dùng Aquadetrim từ tuần thứ hai sau sinh cho đến hết một tuổi. Từ năm hai tuổi, cần dùng thêm liều Aquadetrim, đặc biệt vào những tháng mùa đông.
  • Điều trị bệnh còi xương và loãng xương: 6 tuần, sau đó dùng liều dự phòng (Không được tiếp tục liều điều trị trong 1 năm liền do có thể gây ngộ độc vitamin D).

Các chỉ định khác sẽ phụ thuộc diễn biến bệnh và tuân theo chỉ định bác sĩ.

Cách dùng như sau: Thuốc Aquadetrim được uống với nước, một giọt tương ứng 500 đơn vị. Để lọ thuốc nghiêng 45 độ để đong chính xác liều thuốc.

4. Một số trường hợp không nên dùng thuốc và những lưu ý khi sử dụng

Thuốc Aquadetrim không dùng thuốc cho những đối tượng sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần của thuốc.
  • Thừa vitamin D, tăng nồng độ calci máu và nước tiểu, sỏi calci thận, suy thận nặng, giảm năng tuyến cận giáp giả.
  • Rối loạn dung nạp fructose di truyền hiếm, kém hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu hụt saccharase-isomaltase.

Cần thận trọng khi dùng thuốc ở những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị bất động.
  • Đang dùng thuốc lợi tiểu thiazide, glycoside tim.
  • Người bị sỏi thận, bệnh tim.
  • Bệnh nhân mắc bệnh sarcoid do có thể làm tăng chuyển hóa vitamin D dạng hoạt tính.
  • Trẻ sơ sinh có thóp trước nhỏ.
  • Bệnh nhân cường cận giáp cần xin tư vấn từ bác sĩ.
  • Thuốc có chứa tá dược benzyl alcohol, macrogolglycerol có thể gây dị ứng.

Đặc biệt với phụ nữ có thai thì liều hàng ngày khuyến cáo cho phụ nữ có thai là 500 đơn vị, tuy nhiên ở phụ nữ thiếu hụt vitamin D có thể khuyến cáo mức liều cao hơn. Các thai phụ nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh dùng quá liều vitamin D khi mang thai, vì việc tăng calci máu có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất và tâm thần như hẹp lỗ động mạch chủ và võng mạc ở trẻ.

Với phụ nữ đang cho con bú có thể được kê Vitamin D nếu cần thiết nhưng việc bổ sung vitamin D ở phụ nữ cho con bú không thay thế bổ sung vitamin D ở trẻ bú mẹ. Vì thế, cần căng bằng và tính toán lượng vitamin D bổ sung. Ngoài ra, người dùng cần phải theo dõi nồng độ calci, phosphat máu và calci niệu định kỳ trong quá trình dùng thuốc.

Thuốc Aquadetrim cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa

5. Tác dụng phụ của thuốc Aquadetrim

Thực tế với liều khuyến cáo thuốc Aquadetrim chưa ghi nhận tác dụng phụ. Trong trường hợp hiếm bị mẫn cảm với vitamin D3 hoặc khi dùng liều quá cao trong thời gian dài thì ngộ độc vitamin D có thể xảy ra. Triệu chứng của ngộ độc bao gồm:

  • Loạn nhịp tim
  • Đau đầu, hôn mê
  • Viêm kết mạc, sợ ánh sáng
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón
  • Ure huyết, đa niệu, sỏi thận
  • Đau cơ, khớp, nhược cơ.
  • Tăng calci máu, calci niệu, tăng cholesterol máu, giảm cân, tăng tiết mồ hôi, viêm tụy.
  • Tăng huyết áp
  • Tăng hoạt động của enzyme aminotransfersase
  • Mày đay, ban, ngứa
  • Giảm ham muốn tình dục, trầm cảm, rối loạn tâm thần

Một số tác dụng không mong muốn khác có thể xảy ra như: Chảy nước mũi, tăng thân nhiệt, khô miệng, calci hóa mô.

Để đảm bảo hiệu quả, người dùng cần sử dụng Aquadetrim theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ. Trong trường hợp gặp những tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần dừng thuốc và đến các trung tâm y tế để nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: Tờ thông tin sản phẩm SPC

Alternate Text Gọi ngay