‘Thuyền và biển’ – khúc tình ca bất hủ
Ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trở thành thông điệp tình yêu gửi nhiều thế hệ.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời sáng 29/6 tại bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) sau ba ngày nhập viện. Sự ra đi của ông khiến người hâm mộ trong nước tiếc thương. Ông là tác giả của hơn 100 ca khúc nổi tiếng ở các thể loại khác nhau. Trong số đó, Thuyền và biển là một trong những bài hát ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người nghe nhiều thế hệ.
Thuyền và biển được Phan Huỳnh Điểu viết vào giai đoạn những năm 1980. Ca khúc được phổ thơ Xuân Quỳnh nhưng chỉ lấy mười hai câu đoạn cuối. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Đó là đỉnh điểm cao trào của bài thơ. Hơn nữa, như thế vừa gọn, vừa nói lên được đầy đủ ý nghĩa chính của tác giả, và cũng vừa đủ cho một ca khúc trữ tình”.
Thuyền và biển là khúc ca dạt dào nhung nhớ. Trong một buổi chiều chạng vạng, khi những ánh hoàng hôn mỏng manh buông xuống, giữa điệp trùng nỗi nhớ, những nốt nhạc da diết cất lên, mang theo âm hưởng trầm buồn:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu…”
Thuyền và biển trong ca khúc không còn đơn thuần là tâm trạng của kẻ ở người đi, mà là tâm trạng chung của những người đang yêu. “Bến” là sự vật “tĩnh” trong khi “biển” luôn ở trong trạng thái “động”. Tình yêu trong bài hát không dừng lại ở sự chờ đợi mỏi mòn, mà trải rộng và dài hơn thế. Như những người đang yêu luôn hướng về nhau, giữa “thuyền và biển” có một sự đồng cảm sâu sắc. “Hiểu” và “biết” – hai động từ này đã diễn tả trọn vẹn sự giao hòa ấy. Có lẽ, khi đang yêu, chỉ một ánh mắt, lời nói, cử chỉ… cũng đều mang một thông điệp đặc biệt với đối phương. Những câu hát “Chỉ có thuyền mới hiểu”, “Chỉ có biển mới biết” mang âm điệu trầm, thấp, như một lời tự sự. Nhưng “Biển mênh mông nhường nào”, “Thuyền đi đâu về đâu” lại cất lên cao, vang, đầy tha thiết. Đó vừa là sự dồn nén cảm xúc, vừa là lời khẳng định chân thành cho tình yêu thủy chung của hai “nhân vật” này.
“…Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ…”
Điệp khúc “Những ngày không gặp nhau” ngân dài với giai điệu trầm buồn, như thách thức sự chờ đợi, thách thức lòng thủy chung của cả “thuyền và biển”. Từ “sóng bạc đầu” trong dân gian đã trở thành “biển bạc đầu”. Từ “Bạc đầu” vừa gợi tả không gian, vừa khiến ta giật mình liên tưởng đến ý niệm về thời gian. Phải chăng biển thương nhớ từ lúc còn son cho đến cả khi đã già.
Còn với thuyền, nỗi đau tuy không lan ra theo không gian và thời gian, nhưng lại thấu vào tận tâm can đến “rạn vỡ”. Nỗi đau ấy vừa hư lại vừa thực. Những ngày thuyền không ra khơi, nằm dài cô độc trên bãi cát, lòng thuyền nứt nẻ. Cái thực đã được nâng lên, nghẹn ngào trong hai từ “rạn vỡ”. Cứ như thể tiếng khóc không vỡ òa thành tiếng mà dồn nén tận đáy lòng. Nốt nhạc cũng như nghẹn lại, giai điệu đầy xót xa.
Thuyền và biển cũng giống như người con trai và người con gái – có cách biểu hiện tình yêu và nỗi nhớ khác nhau. Nếu như nỗi buồn của người con gái rộng và dài, lan tỏa theo nhiều chiều thì người con trai lại dồn nén tất cả vào đáy lòng. Nhưng dù biểu hiện theo cách nào, tựu lại đó vẫn là tình yêu chân thành.
“…Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió…”
Đây là một hình ảnh vừa gợi cảm, gợi tả, lại dễ khiến ta liên tưởng theo nhiều hướng. Thông thường, thuyền chỉ ra khơi khi “trời yên bể lặng”. Nhưng ở đây, hình ảnh được đặc tả theo một “logic ngược”, nhằm khắc họa trọn vẹn thông điệp: Khi không có thuyền, biển sẽ chẳng còn bình yên. Biển hiền hòa, dịu êm là nhờ có tình yêu của thuyền. Cũng giống như cuộc sống khi không có tình yêu đích thực, sẽ đầy những biến cố, bất an, sẽ chỉ là “sóng gió”.
Giai điệu trong hai câu này được chuyển biến nhanh hơn, dồn dập hơn, mang theo âm điệu xa xăm của những con sóng vỗ ngoài khơi xa, khiến tâm trạng người nghe có một chút dồn nén, xáo động.
Từ thuyền phải cách xa biển, tứ thơ, tứ nhạc đã được nâng lên, bất ngờ:
“… Nếu phải cách xa em
Anh chỉ còn bão tố
Nếu phải cách xa em
Anh chỉ còn bão tố…”
Từ những sự vật, thuyền và biển, sóng gió, cho đến anh và em, một sự chuyển đổi bất ngờ nhưng không hề đột ngột, khiên cưỡng. Không hề tạo cho người nghe cảm giác cường điệu hóa, mọi hình ảnh đến rất chân thật như lẽ tự nhiên. Khi thuyền cách xa biển, thuyền chỉ còn sóng gió, cũng giống như khi anh cách xa em, anh chỉ còn bão tố, còn những đau thương. Câu hát như một con sóng ập đến, đưa người nghe lên đến cảm xúc cao trào. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã láy lại điệp khúc này hai lần, với những nốt nhạc trầm hùng, như một lời tuyên thệ của tình yêu. Giai điệu ấy âm vang, vọng mãi trong lòng bao thế hệ.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” – đã ra đi, nhưng những giai điệu ông gửi gắm lại cho đời vẫn còn mãi vang vọng trong lòng khán giả Việt Nam. Với nhiều khúc ca trữ tình sâu lắng, tên tuổi của ông sẽ được nhắc đến như một người chắp cánh cho sự trường tồn của tình yêu bằng âm nhạc.
Hà Thu