Tiềm lực của Tập đoàn Danko ra sao? | Fili
Tiềm lực của Tập đoàn Danko ra sao?
Liên tục trúng thầu những dự án quy mô hàng ngàn tỷ đồng tại Thái Nguyên, Tập đoàn Danko của ông Trần Hữu Sử có tiềm lực ra sao?
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, CTCP Tập đoàn Hừng Đông (Hừng Đông Group) là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị Thành Nam tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Khu đô thị Thành Nam có diện tích khu đất 376,745 m2. Trong đó gồm 168,820 m2 đất ở; 14,429 m2 đất công cộng, dịch vụ thương mại; 13,379 m2 đất giáo dục; 2,221 m2 đất hạ tầng kỹ thuật; 43,194 m2 đất cây xanh mặt nước; 43,194 m2 đất giao thông.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 1,152 tỷ đồng, gồm chi phí thực hiện hơn 811 tỷ và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 340 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm, tiến độ tính từ 2022 đến hết 2026.
Hừng Đông Group là ai?
Hừng Đông Group là doanh nghiệp bất động sản có trụ sở đăng ký tại Thái Nguyên, ra đời năm 2020, do ông Nguyễn Hoài Phú (sinh năm 1991, thường trú tại Tuyên Quang) làm Tổng Giám đốc. Khi mới thành lập, Công ty có vốn điều lệ 310 tỷ đồng; các cổ đông sáng lập gồm bà Nguyễn Thị Hiền nắm 17.5%, bà Lê Thị Hương Giang 17.5%, ông Phú 65%. Vào cuối năm 2021, Công ty tăng vốn lên 400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Phú
Ngoài vai trò tại Hừng Đông Group, ông Phú còn là đại diện pháp luật Văn phòng CTCP Tập đoàn Danko ở TPHCM. Tập đoàn Danko là cái tên khá nổi ở thị trường bất động sản tỉnh. Đây là chủ đầu tư của hai khu đô thị lớn tại Thái Nguyên là Danko City và Danko Avenue.
Website của Hừng Đông Group cũng giới thiệu về hai dự án trên. Trong đó, Danko City là khu đô thị kiểu châu Âu nằm kề sông Cầu, quy mô 50 ha, 1,500 sản phẩm. Còn Danko Avenue ở trung tâm TP. Sông Công, quy mô 18 ha, với 600 sản phẩm shophouse và nhà liền kề.
Phối cảnh Danko City
Ảnh Danko City thực tế
Tiềm lực Danko Group
Tập đoàn Danko ra đời năm 2012, gồm 5 cổ đông sáng lập là ông Trần Hữu Sử, Nguyễn Tôn Dũng, Nguyễn Thế Diện, Nguyễn Duy Tâm và Nguyễn Hữu Tuân.
Trong đó, ông Sử (sinh năm 1975, quê Thanh Hóa) góp vốn nhiều nhất với hơn 98% và giữ chức Chủ tịch HĐQT, bà Trần Thị Thu Thủy (sinh năm 1978) làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Sau 10 lần thay đổi, đến nay vốn điều lệ Danko tăng từ 50 tỷ lên 2,250 tỷ đồng.
Thông tin giới thiệu của chính doanh nghiệp cho biết họ là tập đoàn phát triển hướng đa ngành, trọng tâm là đầu tư và quản lý bất động sản, phát triển hơn 30 dự án khắp cả nước.
Tại Thái Nguyên, bên cạnh ba dự án nói trên, vào tháng 03/2022, thông qua doanh nghiệp non trẻ CTCP Đầu tư Hà Thu, ông chủ Danko là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án khu đô thị và dịch vụ tiện tích Sông Công 2 (khu A và B). Trong đó, khu A là 33.3 ha với 330 căn nhà liền kề, 17 căn biệt thự cùng các công trình thương mại dịch vụ, công viên; tổng vốn đầu tư gần 882 tỷ đồng. Khu B diện tích hơn 45.6 ha, với 251 căn nhà, 55 căn biệt thự cùng công trình nhà tái định cư, nhà ở xã hội khác. Tổng mức đầu tư trên 1,724 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Hà Thu được thành lập vào cuối năm 2021, trước thời điểm tham gia đấu thầu hai dự án Sông Công chỉ vài tháng; vốn điều lệ 450 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập gồm ông Sử (giữ chức Chủ tịch HĐQT) nắm 99.56%, bà Đỗ Thị Hoa 0.22%, bà Trần Thị Thu Thủy 0.22%.
Ông Đàm Quốc Hiệp – Phó Chủ tịch HĐQT Danko Group trao quyết định bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT cho bà Thủy.
Cũng trong năm 2022, một công ty thành viên mới thành lập được khoảng 4 tháng của Danko – CTCP Đầu tư Hà Nam Center, trúng dự án khu đô thị mới Liêm Tiết tại xã Liêm Tiết, TP. Phủ Lý (PL-ĐT05.21-1) có tổng chi phí đầu tư hơn 2,434 tỷ đồng, quy mô 42.3 ha.
Đầu tư Hà Nam Center có trụ sở tại Hà Nam, thành lập vào tháng 02/2022 với vốn điều lệ 320 tỷ đồng; các cổ đông sáng lập gồm ông Sử nắm 99.374%, bà Nguyễn Thị Hiền và bà Vũ Ái Lê mỗi người 0.313%. Ông Sử giao cho bà Lê (sinh năm 1991, thường trú tại Hà Nội) làm Tổng Giám đốc.
Tại quê nhà Thanh Hóa, đại gia sinh năm 1975 cũng “chơi lớn” ở không ít dự án khi có những công văn đề nghị tài trợ kinh phí lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 các dự án như khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (quy mô hơn 21 ha); khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa và xã Hoằng Thịnh, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa (45.2 ha); khu đô thị sinh thái Quảng Định, huyện Quảng Xương (340 ha); khu đô thị mới Ba Đình tại phường Ba Đình và phường Bắc Son thuộc thị xã Bỉm Sơn.
Không những vậy, Danko còn xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch các dự án trên ở tỉnh thành khác như khu đô thị Đàm Xanh, xã Giới Phiên, tỉnh Yên Bái (93.1 ha); đồ án trên địa bàn huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Tại Vĩnh Phúc, Danko đầu tư khu đô thị mới Định Trung ở xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên (24.7 ha, 1,000 tỷ đồng).
Tại Thái Bình, tháng 11/2021, ông Sử cho thành lập Công ty TNHH Đầu tư Phú Xuân, vốn 315 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bất động sản. Công ty do ông Sử làm Chủ tịch HĐTV, tuy nhiên đến giữa năm 2022, Công ty này ngưng hoạt động và làm thủ tục giải thể.
Ông Mười còn được biết đến là trợ lý của ông Phú – Tổng Giám đốc Hừng Đông Group.
Cũng ở Thanh Hóa, ông Sử làm Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Sơn (tên gọi lúc mới thành lập năm 2017 là Công ty TNHH Bất động sản Biển Xanh). Công ty có ngành nghề tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất. Sau 3 lần thay đổi, Công ty tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ lên 80 tỷ đồng, tính đến tháng 10/2017. Các cổ đông sáng lập gồm ông Sử, ông Nguyễn Khắc Tuệ, ông Lê Văn Mười, ông Hoàng Văn Tháng (giữ chức Giám đốc). Đến nay, Công ty này đã ngưng hoạt động.
Ngoài ra, ông Sử còn làm Chủ tịch HĐQT CTCP Dược An Vinh, trụ sở tại TPHCM, thành lập vào năm 2008. Công ty hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng; các cổ đông sáng lập gồm ông Trần Mạnh Hùng, Trần Văn Nam, Ngô Kim Cương, Vũ Văn Anh, Vũ Văn Quyết. Mặc dù tên gọi “nghe có vẻ” liên quan tới ngành nghề về dược phẩm nhưng trên thực tế Dược An Vinh lại có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Thu Minh
FILI