Tinh hoa văn hóa với ẩm thực Việt Nam 3 miền Bắc – Trung – Nam
Khám phá ẩm thực – – 2021-01-25T22:27:00+07:00
Sự phong phú, đa dạng với những điểm chung và riêng giữa ẩm thực Việt Nam 3 miền đã tạo nên một nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực nước ta. Có thể nói, nền ẩm thực ba miền đã chịu tác động mạnh mẽ từ nhiều yếu tố, đặc biệt là lịch sử, tự nhiên và con người. Chính vì vậy mà ẩm thực Việt ngày càng trở nên độc đáo theo một cách rất riêng, cùng Tasty tìm hiểu nết độc đáo của các vùng miền.
Mục Lục
Tổng quan về ẩm thực Việt Nam
Ẩm thực Việt Nam là thuật ngữ được dùng để bao hàm tất cả các món ăn do được chế biến, pha trộn nguyên liệu và thói quen ăn uống của người Việt nói chung. Theo dòng lịch sử, ẩm thực Việt Nam 3 miền đã được hình thành theo những phương thức riêng dựa trên những nền tảng vốn có.
Văn hóa ẩm thực ba miền Việt Nam chịu ảnh hưởng về phong tục, tập quán, thói quen, địa lý, điều kiện khí hậu và đặc biệt là quan niệm của con người. Chạy dọc theo đất nước hình chữ S từ Bắc đến Nam với 63 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền văn hóa ẩm thực độc đáo, hoang dã nhưng lại vô cùng tinh tế không thua kém các nước trên thế giới.
Người Việt Nam từ xa xưa đã hiểu được rằng, ăn cũng là một văn hóa cần phải học, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói đến văn hóa ẩm thực, không phải đơn giản chỉ là các món ăn thông thường mà còn là cách giao tiếp, ứng xử và sự thể hiện tinh thần dân tộc.
Nét tương đồng về ẩm thực Việt Nam 3 miền
Dù mỗi nơi đều có những nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực nhưng vẫn không làm đi nét tương đồng vốn có được hình thành từ lịch sử của dân tộc. Những nét tương đồng trong nền ẩm thực Việt 3 miền được các chuyên gia nhận định bao gồm:
Ưu tiên tính ngon miệng
Nói đến ẩm thực Việt Nam, thế giới sẽ nghĩ ngay đến những món ăn ngon, độc đáo và lạ miệng hơn là tính bổ dưỡng. Bởi với người Việt, ăn ngon thường đặt hàng đầu rồi mới nghĩ đến thành phần dinh dưỡng.
Nếu một món ăn với thành phần dinh dưỡng cao nhưng không mang lại hứng thú và cảm giác yêu thích thì việc ăn uống chỉ là cách nhồi nhét thực phẩm vào cơ thể. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các món Việt không bổ dưỡng. Có thể nói, đặt trên bàn tiệc ẩm thực với các nước khác, món Việt thường ít có sự chế biến quá cầu kỳ, công phu. Mặc dù vậy, từ nguồn nguyên liệu phong phú mà thiên nhiên ban tặng, những con người Việt luôn tạo nên những món ăn hài hòa, lạ miệng từ thực phẩm tươi ngon và chất lượng.
Đa dạng và hài hòa
Ẩm thực Việt Nam ba miền đã tạo nên một nền văn hóa vô cùng đa dạng với những món ăn theo đặc trưng riêng của từng khu vực, dân tộc khác nhau trên lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, sự đa dạng trong cách chế biến, nguồn nguyên liệu và tập tính riêng theo vùng miền vẫn bắt nguồn từ một cái nôi ẩm thực chung của miền Bắc. Đây chính là nét hài hòa, tinh tế trong món ăn của người Việt. Dù sáng tạo những vẫn luôn gìn giữ được những bản sắc dân tộc, văn hóa dân gian vốn có của tổ tiên Việt Nam.
Hạn chế các món mỡ
Một trong những đặc điểm rất dễ nhận dạng về món ăn Việt Nam là hầu hết đều hạn chế sử dụng các loại dầu mỡ, chất béo. Thành phần chất béo hòa tan sẽ ngăn cản quá trình hấp thu các chất, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, huyết áp,…
Những món Việt dường như đa phần sử dụng rau, củ, không sử dụng nhiều nguyên liệu thịt giống các nước phương Tây. Ngoài ra, trong cách chế biến cũng không dùng sản phẩm nhiều giàu mỡ như món Trung. Đây là một đặc điểm rất dễ nhận dạng khi bạn có cơ hội thưởng thức ẩm thực ba miền Việt Nam.
Đậm đà hương vị
Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng với các loại mắm. Do vậy mà bạn rất dễ bắt gặp trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt thường hay có đi kèm một chén mắm với công thức pha trộn khác nhau theo mỗi vùng miền.
Không chỉ vậy, khi chế biến món ăn, nhất là người miền Bắc và miền Trung thường sử dụng mắm để nêm. Nhờ đó mà các món ăn vừa đậm đà hương vị vừa thơm ngon đến khó cưỡng dù bạn chỉ mới ngửi được mùi hương.
Người Việt Nam có những làng mắm hình thành lâu đời và rất nổi tiếng, đặc biệt là ở các tỉnh giáp biển. Mắm trở thành đặc sản mà ngay cả nhiều du khách nước ngoài khi đến với Việt Nam cùng đều phải ngây ngất và “nghiện” loại gia vị đặc biệt này.
Sự cân bằng trong từng món ăn
“Ngon lành” là một cụm từ diễn tả cách người Việt thưởng thức món ăn. Mặc dù không chính thống nhưng đây gần như cũng là một văn hóa dân gian của con người Việt Nam. Cách người Việt cảm nhận món ăn rất đơn giản. Chỉ cần đưa vào miệng và tạo nên được cảm giác kích thích, hợp khẩu vị là đã được khen “ngon lành”.
Dù cách chế biến đơn giản nhưng món Việt luôn có sự hài hòa giữa các vị mặn, ngọt, chua, cay. Nếu chế biến từ nguyên liệu có độ thanh mát như ốc, tôm, cua, thịt,… thì sẽ kết hợp với gia vị có tính nóng như gừng, tỏi, rau răm, hành,… để cân bằng âm dương.
Thói quen ăn uống
Một trong những văn hóa về ẩm thực Việt Nam 3 miền đều tương tự nhau là thói quen dùng chén, đũa và dọn lên mâm. Mâm cơm Việt là một nét đặc trưng từ lâu đời và gắn liền với người dân theo năm tháng.
Với người Việt, sự quay quầng giữa các thành viên trong gia đình bên mâm cơm thể hiện một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, ấm no. Trong bữa ăn, người Việt Nam sẽ dọn tất cả các món lên cùng một lúc để tất cả mọi người cùng thưởng thức.Từ những bát thức ăn chung, mỗi người sẽ tự múc thức ăn vào trong bát riêng. Hơn nữa, trước khi ăn sẽ có lời mời với mỗi thành viên hay khách đến nhà. Nét văn hóa đặc trưng này thể hiện sự hiếu khách, tình cảm và trân trọng đối với người khác.
Dù bạn có là một người khách lạ đến chơi nhà thì trong mâm cơm Việt cùng cảm nhận được sự gần gũi, cởi mở của từng thành viên. Đây vốn dĩ là bản tính của dân tộc Việt Nam, sự chân thành, lối sống tình cảm, chan hòa với tất cả mọi người xung quanh.
Nét đặc trưng riêng ẩm thực ba miền Việt Nam
Đi từ những cái chung, ẩm thực Việt Nam có sự phân chia rõ ràng với hương vị khác nhau theo từng vùng miền. Nếu miền Bắc là sự thanh đạm, nhẹ nhàng thì đến miền Trung, cái cay nồng đậm đà không thể hòa lẫn vào bất kỳ đâu và kết thúc bởi những ngọt ngào, dân dã của món ăn Nam Bộ.
Ẩm thực miền Bắc – Nhẹ nhàng và tinh tế
Văn hóa ẩm thực miền Bắc là nguồn gốc xuất xứ của món ăn Việt cho đến ngày nay. Nói đến con người miền Bắc thì hầu hết đều sẽ nghĩ ngay đến những quy cũ, sự ôn hòa và truyền thống. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ẩm thực miền Bắc cho đến ngày nay.
Mặc dù vẫn có sự tiếp nhận từ nền ẩm thực của các nước khác nhưng hương vị rất riêng của người miền Bắc dường như không hề mất đi. Nói đến ẩm thực Bắc Bộ dường như ai cũng biết đến món bún thang, phở Hà Nội, bún chả cá Hà Nội, nem, chả giò,… Nghe thôi đã thấy cái riêng của người Thủ Đô, nhẹ nhàng nhưng lại làm xao xuyến cõi lòng.
Từ xưa, người dân Việt đã có câu: “Ăn Bắc mặc Nam”. Chính từ những nét truyền thống của người Bắc Bộ, ông cha ta đã mang ẩm thực đi dọc theo các vùng miền, không ngừng sáng tạo để thích nghi với từng vùng đất khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó mà dễ hiểu vì sao miền Bắc lại có rất nhiều những món ăn truyền thống và luôn được người dân gìn giữ cẩn thận. Trong tất cả những ngày lễ, Tết hay cúng kiến tổ tiên, mâm cỗ miền Bắc gần như hoàn toàn là các món mang đậm hương sắc dân tộc Việt.
Nếu người miền Trung ăn cay, người Nam Bộ ăn ngọt thì gia vị không thể thiếu của Bắc Bộ là bột ngọt. Hơn nữa, trong các món ăn của người miền Bắc sẽ xuất hiện nhiều hơn các món kho mặn, đậm đà hương vị, thích hợp để ăn với cơm nắm thay vì những món ăn chơi như miền Trung hay Nam Bộ.
Ẩm thực miền Trung – Cay nồng hương vị quê hương
Nói đến các món ăn miền Trung, hầu như ai cũng sẽ nhớ ngay cái vị cay xé nồng nàn đến tận cổ họng. Người miền Trung có thói quen ăn cay và hầu hết các món đều sử dụng gia vị này.
Do đó mà có thể hiểu được vì sao, trong bữa ăn của người miền Trung luôn có một chén mắm ớt tỏi hay một dĩa ớt trái tươi đi kèm. Cái khắc nghiệt về khí hậu của cái eo tổ quốc đã tạo nên những con người miền Trung chất phát, mặn mà. Chính điều này cũng tác động đến phong cách ăn uống giản dị của người dân miền Trung.
Nền ẩm thực Trung Bộ là sự giao thoa của cái mặn nồng từ miền Bắc và ngọt ngào của Nam Bộ. Với cái gốc từ món ăn miền Bắc, con người đã biến tấu thành những món ăn phù hợp với khẩu vị và nguyên liệu theo từng tỉnh thành Trung Bộ.
Nói về ẩm thực miền Trung thì không thể bỏ qua sự nhã nhẹn, tỉ mỉ trong từng món ăn của xứ Huế. Huế được xem là nơi bắt nguồn cho nền ẩm thực Trung Bộ. Vượt qua Hải Vân đến với Đà Nẵng, Quảng Nam, mọi người đều phải say đắm với những món ăn đơn giản nhưng không kém phần đậm đà nơi đây. Mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, cá nục hấp rau muống, cao lầu Hội An,… luôn là những món ăn hấp dẫn níu chân du khách khi đến đây.
Ẩm thực miền Nam – Sự ngọt ngào, đậm chất mộc mạc
Người miền Nam chân chất, ngọt ngào bao nhiêu thì món ăn của họ cũng chịu ảnh hưởng không kém. Nói đến ẩm thực miền Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay câu nói: “Dưới sông có cá, trên bờ có rau”. Câu nói gần như đã gói gọn hết những đặc trưng vốn có của nền ẩm thực Nam Bộ.
Người miền Nam phóng khoáng và đơn giản. Chính vì vậy mà đi từ những sinh hoạt đời thường cho đến cách thức chế biến món ăn đều gần gũi, bình dị và đơn sơ. Người miền Nam có gì dùng nấy, không “kén cá chọn canh” như những vùng miền khác. Họ tận dụng tất cả những gì vốn có mà của nơi đây để sáng tạo nên những món ăn đặc sản vô cùng độc đáo.
Với một hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nguồn hải sản nơi đây luôn dồi dào theo các mùa trong năm. Do vậy mà khi nói đến ẩm thực miền Nam, người ra sẽ nhắc đến những món ăn hấp dẫn mùa nước nổi như lẩu cá linh bông điên điển, gỏi sầu đâu cá khô sặc,… Không chỉ có mùa nước nổi của mùa gặt, người miền Nam còn có những món đặc sản phải kể đến trong mùa gặt với các món nướng từ chuột đồng, cá trê, cá lóc,…
Ẩm thực miền Nam là sự hòa trộn từ văn hóa miền Bắc, Trung lẫn các dân tộc khác như Chăm, Khmer và người Hoa. Với sự phóng khoáng, cởi mở, những món ăn từ khu vực khác rất dễ du nhập và được biến tấu sao cho hợp khẩu vị. Người miền Nam ưa thích vị ngọt nên hầu như các món ăn đều có nêm đường.
Khẩu vị của con người nơi đây rất quyết liệt, vị mặn với họ đều dùng nước mắm nguyên chất, các món kho quẹt đến đóng ván muối. Còn nếu nói đến vị cay thì đôi khi, người miền Trung còn không thể sánh được nơi đây.
Những món ăn nổi tiếng đại diện ẩm thực Việt Nam 3 miền
Với mỗi vùng miền, dựa trên nguyên liệu, cách chế biến khác nhau sẽ tạo nên các món ăn riêng. Những món ăn nổi tiếng dưới đây của Việt Nam đi dọc từ Bắc vào Nam mà nhất định bạn phải thưởng thức một lần trong đời.
- Cốm làng vòng ở Hà Nội.
- Bún thang Hà Nội.
- Chả giò Hà Nội.
- Mắc khén Sơn La.
- Chả cá lá vọng.
- Bánh Pẻng Phạ.
- Thịt dê Ninh Bình.
- Chả gà Hưng Yên.
- Rượu nếp Hoành Bồ.
- Rượu Ba Kích.
- Bánh tẻ Làng Chờ.
- Bánh đậu xanh Hải Dương.
- Bánh tráng Đại Lộc cuốn thịt ba chỉ.
- Cá nục hấp cuốn rau muống.
- Khoai deo Quảng Bình.
- Bún bò Huế.
- Bánh bèo, nậm, lọc Huế.
- Mì Quảng.
- Cao lầu.
- Bánh xèo cá kình.
- Cá dìa hấp mồng tơi.
- Gỏi cá Nam Ô.
- Lẩu gà lá giang.
- Tré bà Đệ.
- Bánh mì Phượng Hội An.
- Bánh căn, bánh xèo.
- Lẩu thả Phan Thiết.
- Bánh canh cá lóc Quảng Trị.
- Cơm, bún Hến.
- Bánh canh hẹ Phú Yên.
- Chả cá Quy Nhơn.
- Bún cá dầm Nha Trang.
- Bún sứa Khánh Hòa.
- Hủ tiếu Mỹ Tho.
- Canh chua cá lóc bông lâu.
- Chè chuối chưng, chè Bà Ba.
- Cá bống mú kho tiêu.
- Thịt kho tàu.
- Cơm tấm Sài Gòn.
- Cá kèo kho tiêu.
- Bánh tằm bì.
- Gỏi cuốn tôm thịt.
- Lẩu mắm.
- Chè củ năng hạt săn.
- Bún cá Long Xuyên.
- Mắm tép.
- Cơm dừa Bến Tre.
- Cá lóc nướng trui.
- Chuột đồng nướng.
- Bún nước lèo.
- Đuông dừa.
- Lẩu cua đồng.
- Lẩu cá linh bông điên điển.
- Bò tùng xẻo.
- Bánh pía Sóc Trăng.
Những chia sẻ nói trên chỉ là một phần rất nhỏ những tinh hoa trong ẩm thực Việt Nam 3 miền. Còn rất nhiều điều thú vị về văn hóa ẩm thực các vùng miền trên mảnh đất hình chữ S đang chờ bạn khám phá. Hãy tạm gác lại những lo toan bộn bề thường nhật, để bản thân có cơ hội bước ra thế giới bên ngoài. Không cần phải đi xa, không cần bước chân ra khỏi lãnh thổ, trên chính đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng ta vẫn luôn chứa đựng rất nhiều điều tốt đẹp mà bạn vẫn chưa trải nghiệm hết.