Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Asanzo là giả hết rồi
Lừa dối người tiêu dùng
Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đưa ra tại cuộc họp thông báo kết quả xác minh, kiểm tra liên quan đến Công ty TCP Tập đoàn Asanzo và nhãn hiệu Asanzo, ngày 28.10.
Tại cuộc họp này, Tổng cục Hải quan đã mời tất cả các bộ, ngành gồm Bộ Khoa học – Công nghệ , Bộ Công thương, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… đến để trao đổi và bày tỏ quan điểm trước khi báo cáo Thủ tướng ngày 30.10
Trong kết luận của mình, Tổng cục Hải quan đã chỉ rõ Công ty CP Tập đoàn Asanzo và nhãn hiệu Asanzo đã có 3 vi phạm: giả mạo nhãn hiệu, lừa dối người tiêu dùng khi quảng cáo không đúng sự thật, trốn thuế và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hoá.
Ở hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu), qua khám xét các lô hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo cho thấy, Công ty TNHH Đầu sư sản xuất Phương Nguyên Asanzo nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam. Đây là hành vi nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá mang nhãn hiệu giả mạo theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu sư sản xuất Phương Nguyên giả mạo nhãn mác, đã đăng ký nhãn hiệu “Asano, hình” của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đông Phương. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan dẫn bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên trước đó, khẳng định Công ty CP Điện tử Asanzo xâm phạm quyền nhãn hiệu theo điều 129 luật Sở hữu trí tuệ của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đông Phương.
Liên quan đến cáo buộc lừa dối người tiêu dùng, kết luận nêu rõ quy trình lắp ráp mộ số sản phẩm không đúng như quảng cáo. Công ty Tập đoàn Asanzo lắp ráp 660 tivi xuất khẩu nhưng chỉ có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30 m, mỗi bàn để vừa 1 cái tivi 50 inch. 98% linh kiện và giấy bảo hành, tem, bao bì đều nhập khẩu và chỉ có 2% giá trị trong nước. Tương tự, điều hoà nhiệt độ, ấm đun nước siêu tốc… chủ yếu lắp các bộ phận có sẵn tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Song, Asanzo lại quảng cáo sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao, là có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng thực tế. Asanzo ký hợp đồng dịch vụ với Công ty Sharp-Roxy (Hồng Kông). Tuy nhiên, công ty này khẳng định hợp đồng không có thật, giả mạo.
Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam
Ảnh TP
Trốn thuế
Về vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hoá, cơ quan điều tra của Tổng cục Hải quan cũng xác minh nhóm hành vi vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Ansanzo và các công ty có tên Asanzo. Đối với hàng hoá xuất khẩu, kiểm tra tờ khai xuất khẩu của Công ty CP Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo xuất 661 tivi nhãn hiệu Asanzo khai xuất xứ Việt Nam. Thực tế, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hoá xuất khẩu.
Về hành vi trốn thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh báo cáo: qua thanh tra kiến nghị xử lý hơn 47,6 tỉ đồng, truy thu hơn 40,5 tỉ, số tiền chậm nộp hơn 1,6 tỉ đồng, phạt vi phạm hành chính 5,3 tỉ đồng đối với Asanzo.
Theo cơ quan thuế, Asanzo mua linh kiện điều hoà nhiệt độ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng lại kê khai mua thành phẩm điều hoà công suất 90.000 BTU trở xuống (đối tượng không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) để gian lận trốn thuế.
Căn cứ sổ sách, đoàn thanh tra xác định hàng hóa được Công ty CP Công nghệ thông tin VTB gia công cho Công ty CP Tập đoàn Asanzo; VTB xuất bán cho Công ty CP Điện lạnh Asanzo và Công ty Trần Hoà, nhưng hoá đơn để ngoài sổ sách kế toán, ghi nội dung không có thật, nhằm trốn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đặc biệt, Asanzo có hành vi sử dụng hoá đơn đầu vào ghi cao hơn giá bán giao dịch thực tế để trốn thuế. Hoá đơn này đêu của các doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký mà chủ yếu do người lao động của Asanzo đại diện pháp luật để nhập các linh kiện, sản phẩm điện tử điên lạnh bán cho Asanzo.
Hành vi này thể hiện ở chỗ, khi kiểm tra tài khoản, Asanzo thanh toán tiền hàng, chuyển tiền cho các công ty nêu trên. Thực tế, sau đó tiền lại được chuyển ngược về cho công ty thuộc Tập đoàn Asanzo hoặc cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ của ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo) và cá nhân là người lao động tại Asanzo. “Họ đã rút ra với tổng số tiền ước tính hơn 500 tỉ đồng”, đại diện cơ quan thuế khẳng định.
Tại phiên họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn kết luận: “Tóm lại Asanzo nhập khẩu linh kiện cấu thành nên 1 cái tivi, trong đó 98% giá trị là nhập khẩu, chỉ có 2% lắp ráp bằng 12 bàn 45 m2. Ansanzo coi là dây chuyền công nghệ nhưng thực tế chỉ có mấy cái ốc vít. Đây là dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, ông viết Made in Việt Nam mà chả có cái gì của Việt Nam. Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng có sản xuất gì đâu mà chất lượng cao. Tất cả nhãn mác cũng giả mạo, sở hữu công nghiệp cũng giả. Tất cả đều là giả rồi”.