Tranh chấp nhãn hiệu giải quyết như thế nào?

Tranh chấp nhãn hiệu là những mâu thuẫn, bất hòa và xung đột về quyền và lợi ích giữa hai hay nhiều bên liên quan đến một hoặc nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mà trong đó các bên cho rằng nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của mình và việc sử dụng nhãn hiệu của bên kia đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tranh chấp nhãn hiệu là điều không thể tránh trong thời kỳ nền kinh tế đang phát triển mạnh như hiện nay. Vậy tranh chấp về nhãn hiệu sẽ được giải quyết như thế nào?

1. Những hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Theo Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 quy định các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

+ Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

+ Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

+ Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

+ Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Giải quyết tranh chấp

a. Phương thức hòa giải, thương lượng

Khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích đối với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ của mình, bên bị xâm phạm có quyền yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt các hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Phương thức giải quyết này đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện, ít tốn kém chi phí của các bên. Các bên có tranh chấp xảy ra cũng có thể bảo vệ uy tín cho chính họ, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

b. Khởi kiện ra Tòa án

Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng việc khởi kiện ra tòa án diễn ra khi hai bên không thể thương lượng hòa giải, thì bên bị xâm phạm có quyền khởi kiện bên xâm phạm ra Tòa án theo luật tố tụng dân sự. Một số tài liệu cần chuẩn bị cho việc khởi kiện.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

+ Đơn khởi kiện;

+ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu (Bản sao chứng thực);

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu Chủ sở hữu là doanh nghiệp;

+ CMND/CCCD/Hộ chiếu nếu Chủ sở hữu là cá nhân;

+ Chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm: Mẫu sản phẩm mang nhãn hiệu của doanh nghiệp; mẫu sản phẩm của Bên vi phạm nhãn hiệu; tài liệu chứng minh dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của Bên vi phạm;

+ Thông tin bên vi phạm: Tên doanh nghiệp, địa chỉ, thông tin liên hệ (Nếu có);

+ Thông báo yêu cầu Bên vi phạm chấm dứt hành vi, trong đó ấn định thời gian yêu cầu Bên vi phạm chấm dứt hành vi; chứng cứ chứng minh Bên vi phạm cố tình không thực hiện (Bản sao chứng thực);

+ Chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn (Nếu có).

3. Bản án liên quan đến tranh chấp nhãn hiệu ở Việt Nam

Bản án số: 01/2019/KDTM-PT Ngày 09 – 01 – 2019 của Tòa án cấp cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh V/v tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. (Tranh chấp về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, giữa nhãn hiệu ASANO và ASANZO)

Công ty Đ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (gọi tắt là GCNĐKNH) “Asano, hình” số 107919 ngày 25/8/2008 cho các hàng hóa Nhóm 07: Máy giặt, máy xay sinh tố chạy điện sử dụng trong gia đình, máy ép trái cây chạy điện sử dụng trong gia đình; Nhóm 09: Ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, Nhóm 11: Tủ lạnh, điều hòa không khí, nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng, bếp ga, quạt điện, bình đun nước chạy điện.

Năm 2015, Công ty Đ phát hiện trên thị trường có Công ty Cổ phần Điện tử A Việt Nam (gọi tắt là Công ty A Việt Nam) sử dụng nhãn hiệu ASANZO để gắn vào các hàng hóa và dịch vụ Công ty A Việt Nam như ti vi, máy lạnh, máy xay sinh tố và nhiều hàng hóa gia dụng khác với kiểu dáng, mẫu mã nhãn hiệu giống với nhãn hiệu mà Công ty Đ đã được đăng ký bảo hộ.

Ngày 13/7/2015, Công ty Đ đã yêu cầu cơ quan thừa phát lại tiến hành lập vi bằng hành vi của Công ty A Việt Nam đã bày bán các sản phẩm của Công ty A Việt Nam như tivi led loại 32 inch, 40 inch, 23 inch.

Kết định của Tòa án:

Công ty A Việt Nam buộc Chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” dán trên giao diện trang wed có địa chỉ: http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên thị trường;

Xóa bỏ nhãn hiệu “Asanzo, hình” đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam;

Có trách nhiệm thanh toán cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đ số tiền bồi thường thiệt hại là 100.000.000 (Một trăm triệu) đồng.

Công ty Cổ phần Điện tử A Việt Nam phải xin lỗi, cải chính công khai trên 03 số liên tiếp của Báo Thanh niên với nội dung là “Chúng tôi Công ty Cổ phần Điện tử ASANZO Việt Nam địa chỉ: Lô A59/I, Đường số 7, KCN V, phường B, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh gửi lời xin lỗi đến Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đ địa chỉ Số 58, Ngõ 295, phố B, phường B, quận H, Thành phố Hà Nội vì đã có hành vi xâm phạm và sử dụng nhãn hiệu số 107919 (ASANO) của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đ. Chúng tôi cam kết chấm dứt ngay hành vi vi phạm kể từ thời điểm lời xin lỗi này được đăng tải”. Thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật sở hữu trí tuệ.

Luật Hoàng Anh

Alternate Text Gọi ngay