Tranh chấp “tài sản” trên mạng xã hội: Giá trị kinh tế thật chứ không ảo
–
Thứ năm, 05/07/2018 07:45 (GMT+7)
– Group Otofun trên Facebook đang có trên 600.000 thành viên. Nguyên TGĐ TCty OTV Media Nguyễn Mạnh Thắng (ảnh nhỏ) đã không bàn giao lại cho Cty các kênh truyền thông trên Facebook vì cho rằng đó là tài sản cá nhân.
Câu chuyện này không chỉ khiến dư luận quan tâm khi bên nào cũng cho là mình đúng mà còn đặt ra vấn đề xung quanh việc xác định quyền sở hữu cũng như giải quyết tranh chấp các tài sản trên mạng xã hội, vốn là vấn đề mới nhưng nhiều khả năng sẽ tái diễn trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển và mang lại những giá trị kinh tế thật chứ không ảo như người ta tưởng.
Tranh quyền quản lý group Facebook, chuyện chưa tiền lệ
Câu chuyện quanh diễn đàn Otofun bắt đầu với một văn bản “tố” nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Thắng đã có hành vi không bàn giao lại cho Cty các kênh truyền thông trên Facebook sau khi thôi giữ chức vụ TCty OTV Media. Sau đó, tất cả những người trong cuộc cùng lên tiếng xác nhận vụ việc và bên nào cũng khẳng định mình đúng đồng thời cho biết sẽ can thiệp bằng pháp luật.
Đại diện bên nguyên là Cty OTV Media (Cty chủ quản của OtoFun) cho biết, sau khi thôi chức vụ, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã không bàn giao lại 2 group trên FB là Otofun và Chợ trời Otofun – những tài sản thuộc về Cty theo đúng quy trình và không trả lời rõ ràng khi được hỏi.
Đại diện này nhận định ông Nguyễn Mạnh Thắng là người được bầu ra trong nhóm đại diện G21 giữ chức vụ Tổng Giám đốc (TGĐ) OTV Media để giải quyết công việc của nhóm OtoFun chứ không phải cá nhân sở hữu và sáng lập ra 2 nhóm này và trong quá trình làm việc, 2 năm gần đây, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã bắt đầu có nhiều biểu hiện sai phạm, dù bên phía hội đồng quản trị đã có sự nhắc nhở nhưng ông Thắng vẫn tiếp tục. Do đó, tới ngày 2.5.2018, OTV Media cách chức ông Thắng và do ông Thắng vẫn tiếp tục không hợp tác, OTV Media sẽ phải nhờ tới sự can thiệp của cơ quan chức năng và pháp luật.
Về phần mình, ông Nguyễn Mạnh Thắng, bên bị “tố” cho rằng, thông tin OTV Media đưa ra là một chiều và ông đã lập ra group facebook www.otofun.net vào tháng đầu năm 2012 bằng chính tài khoản cá nhân mà không hề có bất kỳ chỉ đạo, văn bản hay ủng hộ nào từ Cty cổ phần OTV, cũng như các thành viên sở hữu/quản trị (admin) diễn đàn otofun.net.
Ông Thắng cho biết, ông nghỉ ở OTV vì nhiều lý do khác nhau và vì bị một số thành phần cấu kết với nhau để chèn ép còn nguyên nhân không bàn giao 2 group Facebook vì đây là sân chơi của cộng đồng với tiêu chí phi lợi nhuận, chứ không phải là tài sản của Cty OTV và khẳng định sẽ bảo vệ uy tín cá nhân tôi trước mọi hành động cố tình bóp méo sự thật và bôi nhọ danh dự.
Không dễ xử lý tranh chấp tài sản trên mạng
Ngày 4.7, trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Vũ Thái Hà (Cty Luật TNHH YouMe) cho rằng, vụ việc tranh chấp group Facebook Otofun đang gây xôn xao trên dư luận nhiều khả năng sẽ tái diễn trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển và việc khai thác các tài sản trên mạng ngày càng mang lại giá trị kinh tế lớn và việc xác định và giải quyết tranh chấp trong môi trường mạng sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với môi trường truyền thống. Chính vì vậy, các tranh chấp như thế này sẽ khiến cho cơ quan giải quyết tranh chấp vốn chỉ quen với tranh chấp trong môi trường truyền thống gặp không ít khó khăn.
Theo ông Hà, cốt lõi của những cuộc tranh chấp này xoay quanh việc xác định được chủ sở hữu các kênh truyền thông, tài khoản mạng xã hội mà trong môi trường mạng xã hội, có thể nói người nào đang quản lý thì người đó là chủ sở hữu. Trong câu chuyện liên quan tới diễn đàn Otofun, nếu ông Nguyễn Mạnh Thắng là người lập ra group này bằng account cá nhân và điều hành group này nên Facebook sẽ xác định ông Thắng là người sở hữu.
Group Facebook Otofun, đối tượng tranh chấp giữa các thành viên G21 – nhóm sáng lập ra diễn đàn Otofun. Ảnh: PV
“Bên cạnh đó, quyền quản lý, sử dụng nhóm Facebook otofun.net có thể được coi là một quyền tài sản. Ngoài ra, nó còn có những giá trị về mặt tinh thần khác. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn tới việc tranh chấp. Để chứng minh quyền tài sản này thuộc sở hữu của OTV Media, Cty này cần phải có các chứng cứ như kênh truyền thông này do OTV Media giao nhiệm vụ cho ông Thắng thành lập và quản lý, kênh này được lập ra và phát triển trong thời gian làm việc của ông Thắng tại Cty và ông Thắng được trả lương để làm việc này.
Nhưng ở góc độ nào đó, mọi người đều biết rằng, nhóm Facebook otofun.net là một biến thể trên Facebook của diễn đàn otofun.net. Sự phát triển và thành công của nhóm Facebook otofun.net không thể nói là không có liên quan tới diễn đàn otofun.net. Việc tranh chấp này phải do Toà án Nhân dân giải quyết, Facebook hay Cục Sở hữu trí tuệ không phải cơ quan giải quyết tranh chấp này” – luật sư Hà nói.
Đồng quan điểm với ý kiến luật sư Hà, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định: “Đây là một trường hợp tranh chấp chưa có tiền lệ. Trong vụ việc này phải làm rõ xem cá nhân hay doanh nghiệp là chủ sở hữu một kênh truyền thông trên mạng xã hội.
Cần phải xem xét việc thành lập group này có nằm trong các quyết định của Cty hay không? ông Nguyễn Mạnh Thắng có phải được giao nhiệm vụ thành lập “Otofun” hay không? Liên quan đến những vấn đề về kinh doanh trên mạng xã hội, TAND sẽ đứng ra giải quyết.
– Theo Chánh Thanh tra Bộ KHCN – Nguyễn Như Quỳnh, Facebook là trang cá nhân, do vậy người đăng ký thông tin đó là người có quyền. Ví dụ mấy người cùng xây dựng lên một trang web a, b, c gì đó và đang hoạt động rất tốt nhưng không có bất kỳ thoả thuận gì và chỉ một người duy nhất đứng tên. Trong khi đó về mặt nguyên tắc Facebook là trang cá nhân về mặt pháp lý thì ai đăng ký trang đó thì họ có quyền và chịu trách nhiệm về hoạt động của trang đó.
Do là trang cá nhân nên nó không thuộc phạm trù của sở hữu trí tuệ vì nó không có nhãn hiệu, quyền tác giả hay tài sản trí tuệ gì trên Facebook thì mới có thể bảo vệ được còn đây là sở hữu thông thường nên không thể coi là sở hữu trí tuệ được. Đứng ở góc độ pháp lý chúng ta phải biết cụ thể là tranh chấp cái gì, phải chi tiết cụ thể và có đối tượng thì mới có thể phân xử theo sở hữu trí tuệ được.
– Ra đời tháng 6.2006, diễn đàn Otofun là 1 trong 2 diễn đàn xe lâu đời và có uy tín nhất tại Việt Nam. Diễn đàn này có tới hơn 200.000 thành viên và có nhiều hoạt động xã hội đáng chú ý để xây dựng văn hoá giao thông cũng như có nhiều chương trình từ thiện đầy ý nghĩa.
– Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) – nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới truyền thông, mạng xã hội cho rằng, OTV có thể dựa vào Luật Sở hữu trí tuệ và thương hiệu khi OTV đăng ký sở hữu mọi sản phẩm có tên Otofun, ở mọi lĩnh vực từ in ấn, website… trong phạm vi Việt Nam để kiện cáo” nhưng Facebook là một sản phẩm nước ngoài, với những luật chơi riêng, Group Facebook có thể coi như sản phẩm dạng cộng đồng, hoặc Fanclub… không phải sản phẩm truyền thông chính thống của một doanh nghiệp, nên Cty OTV sẽ “khó” đi theo hướng này.
Theo ông Hiếu, sân chơi này kiếm ra hơn chục tỉ đồng mỗi năm nhờ quảng cáo xe, xử lý khủng hoảng (trong đó, có thể không ngoại trừ việc xoá bài hoặc khen lấp liếm, che giấu lỗi của hãng xe để lừa người mua) nhưng “bán chẳng ai mua”, không có giá trị lắm.