Trẻ ho dị ứng thời tiết: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị | Cleanipedia

1. Trẻ bị ho dị ứng thời tiết là bệnh gì?

Trẻ ho dị ứng thời tiết là một phản ứng miễn dịch của cơ thể được sinh ra từ sự thay đổi đột ngột môi trường bên ngoài. Phản ứng này được hình thành khi trẻ tiếp xúc bằng cách hít thở với chất gây dị ứng như nhiệt độ, thời tiết, lông động vật hoặc phấn hoa,… Lúc này, cơ thể trẻ em sẽ nhầm tưởng nó là một tác nhân gây hại và tiết ra histamin cũng như các hoá chất để chống lại.

Các hoá chất này như một kẻ xâm lược nguy hiểm gây kích ứng niêm mạc họng và xảy ra phản ứng ho. Trẻ sẽ phải đối mặt với một vài triệu chứng khác như ngứa họng, hắt hơi hoặc sổ mũi. Tuỳ thuộc vào tình hình thời tiết và sức đề kháng của trẻ nhỏ mà các triệu chứng có thể kéo dài liên tục hoặc trong thời gian ngắn hay bị nhẹ hoặc trở nặng hơn. 

2. Dấu hiệu nhận biết bé bị ho dị ứng thời tiết

Hằng năm cứ đến thời tiết giao mùa, bệnh ho dị ứng hầu hết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mỗi đợt trẻ ho dị ứng thời tiết, cơ thể sẽ thường rất mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động thường ngày của trẻ như ăn uống và vui chơi. Điều này không những khiến trẻ uể oải mà còn làm bố mẹ vô cùng lo lắng. 

Dưới đây là một vài dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị ho dị ứng kéo dài do thời tiết:

  • Cổ họng đau rát, ngứa mũi, hắt xì. Trẻ ho thành từng cơn và thường ho nặng hơn về đêm.

  • Ho khan hoặc ho có đờm. Khi đưa trẻ đi xét nghiệm, bạch cầu không có xu hướng tăng.

  • Thường ho trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy kèm theo khan tiếng, đau đầu.

Thông thường khi trẻ bị ho dị ứng thời tiết, tuỳ vào kháng thể mà trẻ tự khỏi hoặc nặng hơn là gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu sức đề kháng tốt, cơn ho có thể tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, cơn ho sẽ kéo dài hơn nếu thể trạng của trẻ yếu và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Vì thế, bố mẹ nên chủ động theo dõi con thường xuyên để nhận biết các dấu hiệu bệnh để có các phương pháp phòng ngừa kịp thời.

3. Tại sao trẻ lại bị ho dị ứng? 

Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến trẻ chưa kịp thích ứng, cổ họng trẻ em thường rất nhạy cảm với môi trường sống xung quanh gây nên những cơn ho khan hoặc ho dai dẳng về đêm. Một số yếu tố gây nên tình trạng ho dị ứng ở trẻ em bao gồm:

Ho dị ứng thời tiết

Thời tiết thay đổi đột ngột từ hanh khô sang ẩm ướt hoặc ngược lại khiến đề kháng của trẻ không thể thích nghi ngay lập tức và gây nên tình trạng trẻ ho dị ứng thời tiết. Vì thế trẻ sẽ xuất hiện những cơn ho dài kèm theo các triệu chứng khác có thể có như đau đầu, chán ăn,..

Dị ứng với bụi bẩn, nấm mốc

Bụi bẩn và nấm mốc ẩm ướt lâu ngày sẽ sinh ra những vi khuẩn len lỏi qua đường hô hấp làm tình trạng ho của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Với những trường hợp dị ứng do nấm mốc, vết bụi bẩn,.. trẻ em thường sẽ có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, hen suyễn, ho kèm theo mắt bị kích ứng. 

Dị ứng do lông thú cưng, phấn hoa

Nhiều gia đình nuôi thú cưng trong nhà như chó, mèo,.. vì vậy nên lông của chúng rất dễ bám vào nhiều đồ vật mềm và có tính bám chặt như thảm, quần áo, sofa,… Lông thú không chỉ bám trên những đồ vật này mà còn bay ngoài không khí mà mắt thường khó có thể phát hiện được. Và khi trẻ em tiếp xúc với những đồ vật này hoặc sinh hoạt trong nhà vô tình hít phải chúng và gây nên những cơn ho dị ứng.

Cũng giống như tác hại của lông thú cưng với trẻ em, phấn hoa với khả năng bay lơ lửng trong không khí và rất dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ. Nếu trẻ hít phải phấn hoa, những hạt phấn này sẽ bám vào lớp niêm mạc mũi làm trẻ cảm thấy ngứa ngáy. Trẻ sẽ bắt đầu hắt hơi liên tục và đến khi lớp phấn bay đến cổ họng sẽ dẫn đến hiện tượng ho dị ứng, đau rát họng và chảy nước mắt.

4. Trẻ bị ho dị ứng thời tiết uống thuốc gì?

Dù là trẻ ho dị ứng thời tiết hay do các tác nhân khác thì việc đầu tiên nên làm là sử dụng thuốc giảm ho để hạn chế cơn ho khiến trẻ mệt mỏi, chán chường. Nếu trẻ ho quá nhiều sẽ dẫn đến có đờm, vì vậy, chuẩn bị thuốc long đờm để thông cổ họng là điều cần thiết. Thuốc long đờm sẽ làm giảm sự khó chịu trong cuống họng do chất dịch nhầy gây ra và giúp đờm loãng dần. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ có cơ địa dị ứng hoặc đã có tiền sử dị ứng với bệnh ho dị ứng thời tiết để làm dịu cơn ho.

5. Những mẹo dân gian chữa ho dị ứng ở trẻ em

Dưới đây là một số mẹo dân gian hay và hữu ích được mách lại từ xa xưa mà bạn có thể áp dụng để điều trị tại nhà cho trẻ:

  • Điều trị ho dị ứng thời tiết cho trẻ từ gừng: Đun sôi khoảng 10 lát gừng tươi cùng 3 ly nước trong 20 phút, vắt thêm một chút chanh hoặc một muỗng mật ong để uống cùng sẽ giúp giảm ho đáng kể.

  • Ngậm chanh muối: Bạn thái lát chanh và xát lên một chút muối rồi cho bé ngậm để giảm cơn ho. Hoặc có thể pha chanh và mật ong cùng nước ấm để phát huy thêm tác dụng.

  • Mật ong: Ngoài tác dụng làm tăng hương vị ngọt tự nhiên cho nhiều món ăn và đồ uống, mật con còn có tác dụng kháng viêm và giảm đau họng. Bạn có thể trộn mật ong với một ít nước chanh ấm để cho trẻ ngậm.

  • Lá xương sông: Lá này có tác dụng rất hiệu quả trong việc điều trị viêm thanh quản. Cách sơ chế lá khá đơn giản. Bạn chỉ cần rửa sạch, thái nhỏ và trộn lá với đường (hoặc kết hợp cùng lá hẹ) rồi đem đi hấp cách thuỷ. Hỗn hợp lá xương sông để nguội sau đun, dùng trong ngày chữa ho dị ứng rất tốt.

6. Cách phòng bệnh ho dị ứng ở trẻ

Tuỳ diễn biến bệnh nặng hay nhẹ mà có thể phòng bệnh theo các phương pháp trên. Nếu bệnh trở nặng và bé xuất hiện các triệu chứng khác nguy hiểm hơn, hãy đưa bé đi bệnh viện ngay lập tức để kịp thời chữa trị.

Tuy nhiên, để hạn chế trẻ ho dị ứng thời tiết, cần chú ý những phương pháp như sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân khiến trẻ dị ứng như lông thú, phấn hoa,..

  • Cho trẻ uống nước và ăn đủ chất, thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ, sử dụng thực phẩm giàu vitamin C.

  • Tập cho bé mang khẩu trang bất cứ khi nào ra khỏi nhà.

  • Tránh cho bé tiếp xúc với các đồ vật gây dị ứng cho bé từ trước. Theo dõi bé thường xuyên để phát hiện triệu chứng nhằm tránh xa căn bệnh phiền toái này.

Bài viết từ Cleanipedia đã cung cấp một số thông tin cơ bản để bạn có thể phòng tránh trẻ ho dị ứng do thời tiết và một vài tác nhân khác. Những phương pháp trên chỉ nên điều trị với tình trạng bệnh nhẹ, khi trẻ trở nặng, đừng chủ quan mà hãy đưa trẻ đi đến những cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám, tránh để lâu ngày cơn ho sẽ biến chứng thành nhiều căn bệnh nặng hơn về đường hô hấp.

>>> Xem thêm: 

Tác giả: Team Cleanipedia

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.

Alternate Text Gọi ngay