Trẻ sơ sinh bị sổ mũi, ngạt mũi cần xử trí đúng khi thời tiết lạnh
Mục Lục
1. Thời tiết lạnh trẻ sơ sinh dễ bị sổ mũi, ngạt mũi
Ở trẻ sơ sinh khoang mũi rất nhỏ và hẹp, khi niêm mạc mũi bên trong sản xuất chất nhầy nhiều nhưng không được tống đi hết sẽ khiến cho trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, thở khò khè.
Trên thực tế, phần nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ngạt mũi là do nhiễm lạnh, cảm lạnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ở trẻ sơ sinh hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, chính vì vậy trẻ sơ sinh dễ có nguy cơ bị cảm lạnh.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị ngạt mũi, sổ mũi do một số nguyên nhân như: Cúm, dị ứng phấn hoa, tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, thời tiết hanh khô kéo dài, hay trẻ mắc các bệnh do virus…
Giải thích về vấn đề dị ứng ở trẻ, các nhà nghiên cứu cho rằng, một số trẻ sơ sinh thường rất mẫn cảm với môi trường xung quanh, nên rất có thể dị ứng với thời tiết, phấn hoa…
Sổ mũi, ngạt mũi là một triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
2. Cần xử trí đúng sổ mũi, ngạt mũi ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ chảy nhiều nước mũi, có thể quánh dính dẫn đến ngạt mũi, tắc mũi (do tăng tiết nhiều ở đường hô hấp trên). Có thể làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm ẩm để lau cho trẻ, như thế sẽ không gây kích thích nhiều ở mũi dẫn đến đau mũi, đỏ mũi do lau quá nhiều lần.
Để làm loãng dịch mũi, dùng nước muối sinh lý 9‰ nhỏ vào từng bên mũi cho trẻ, sau đó loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi, rồi dùng tăm bông sạch ngoáy lại mũi cho trẻ.
Lưu ý:
- Nếu dịch quá nhiều, quánh và dính, cần làm thông mũi trẻ trước khi trẻ bú, điều này sẽ tránh cho trẻ không bị nôn.
- Không lạm dụng nước muối sinh lý quá nhiều để hút mũi, vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ.
- Tuyệt đối không được chữa theo mách bảo như nhỏ nước ép tỏi cho trẻ, vì tỏi có vị cay dễ gây bỏng niêm mạc mũi của trẻ.
- Không dùng miệng để hút chất nhầy hoặc nước mũi của trẻ.
- Trong khi chăm sóc trẻ cần nhớ đặt trẻ nằm cao đầu hoặc bế trẻ ở tư thế thẳng, để trẻ dễ thở hơn.
Khi trẻ bị sổ mũi có thể làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm ẩm để lau cho trẻ.
3. Biện pháp phòng sổ mũi, ngạt mũi ở trẻ sơ sinh
Để phòng ngạt mũi, sổ mũi ở trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng chăm sóc bé. Giữ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, không để trẻ tiếp xúc quá gần với các vật nuôi…
Do sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện, không cho trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh, nhất là trong mùa dịch bệnh như hiện nay, hạn chế đến thăm, hạn chế ôm hôn trẻ. Trong quá trình chăm sóc trẻ cần rửa tay trước khi cho trẻ bú hoặc chạm vào.
Khi trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi cần bế trẻ ở tư thế thẳng, để trẻ dễ thở hơn.
4. Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
Ở trẻ sơ sinh, ngạt mũi, chảy nước mũi rất có thể là biểu hiện của viêm đường hô hấp và có thể nhanh chóng bị viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi…
Do đó, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường hoặc các dấu hiệu kèm theo như: Ho, sốt, quấy khóc, bú ít, ngủ nhiều… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Ngoài ra, nếu thấy trẻ có các biểu hiện bất thường như: Bụng chướng, đi ngoài phân có nước, nhiều lần hơn bình thường… Trẻ thường bú mẹ từ 6 – 8 lần cả ngày lẫn đêm nhưng nếu trẻ bú ít, không ngậm bú mẹ hoặc ngậm chút rồi nhả ra ngay thì gia đình cần để ý theo dõi.
Nếu trẻ thở khò khè, tím quanh môi hoặc đau ngón tay, ngón chân kèm theo thì rất có thể là trẻ bị suy hô hấp… cũng cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tóm lại: Diễn biến bệnh ở trẻ sơ sinh thường rất nhanh, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ, gia đình cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh. Việc phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm kịp thời giúp làm tăng hiệu quả điều trị, đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của trẻ.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục