Từ vụ Asanzo: Doanh nghiệp được sản xuất hàng “Made in the world”
–
Thứ sáu, 19/07/2019 07:12 (GMT+7)
Nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng, Asanzo dường như không hề sai khi gắn nhãn Made in Vietnam vào sản phẩm tivi của mình, bởi đặt trong ngành công nghiệp điện tử với chuỗi giá trị toàn cầu, không doanh nghiệp nào có thể tự mình làm hàng nghìn chi tiết trong chiếc xe ô tô, hay tivi.
Tập đoàn Asanzo đang dính lùm xùm hàng hoá. Ảnh: Asanzo
Asanzo không sai khi ghi Made in Vietnam?
Tại Toạ đàm “Thế nào là Made in Vietnam” mới đây, luật sư Trần Ngọc Trung, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzien, khẳng định theo các quy định pháp luật hiện hành, Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam đối với các sản phẩm sản xuất trong nước là chính xác.
Tại Việt Nam, quy định hiện hành về dán nhãn xuất xứ dành quyền cho nhà sản xuất tự xác định về xuất xứ của sản phẩm. Doanh nghiệp dựa vào quy định hiện hành hoặc các hiệp định Việt Nam đã ký với các nước để tự xác định xuất xứ.
“Asanzo vẫn có thể dán nhãn Made in Việt Nam nếu đánh giá theo Hiệp định Thương mại Asean – Trung Quốc do các nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc nhưng khâu sản xuất cuối cùng ở Việt Nam”, ông Trung nói.
Tuy nhiên, ông Trung nhấn mạnh, dưới góc độ người tiêu dùng, vấn đề chất lượng được quan tâm nhất, thay vì quản lý chất lượng qua dán nhãn xuất xứ. Quản lý không chỉ dựa vào xuất xứ, mà phải kiểm soát chất lượng, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Hiện sản phẩm tivi Asanzo đang bị cáo buộc chỉ ráp lại từ 4 cụm linh kiện nhập khẩu. Đồng thời trong quá trình lắp ráp, Asanzo gỡ nhãn xuất xứ Trung Quốc trên linh kiện để dán nhãn của Asanzo. Mới đây, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo khẳng định ráp các linh kiện chỉ là công đoạn gần cuối của quá trình sản xuất chiếc tivi Asanzo.
Sản phẩm “Made in the world”
Theo bà Bùi Kim Thuỳ, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, mọi người vẫn thường quen với việc ghi “Made in…” nhưng thực tế chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã rất đầy đủ cho phép doanh nghiệp sản xuất “Made in the world” vì vậy đừng lấy “Made in Vietnam” ra để đong đếm lòng yêu nước.
Bà Thuỳ cho rằng, không cần quá quan trọng có bao nhiêu nguyên liệu đến từ đâu mà cần nhớ công đoạn gia công cuối cùng là ở Việt Nam, đặc biệt với ngành hàng linh kiện, điện tử thì được phép ghi xuất xứ Việt Nam.
Theo bà Thuỳ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đều quy định xuất xứ rất linh hoạt, gần như cho phép toàn bộ nguyên liệu có thể nhập ở bên ngoài, thậm chí cho nhập từ bất kỳ đâu với hàng điện tử, ôtô, máy móc, động cơ được kết nối từ hàng trăm linh kiện rời khác nhau.
Lấy một dẫn chứng về một sản phẩm hạt điều của một doanh nghiệp trong nước, bà Thuỳ cho biết, chủ doanh nghiệp này đã lấy giống tốt nhất ở Bình Phước, đưa các nhà khoa học ở Việt Nam sang Thái Lan lấy giống tốt nhất ở đây ghép, đưa vào phòng thí nghiệm phối và sinh ra cây con, cây con tốt nhất trồng ở Campuchia.
Khi thu hoạch điều, điều thô từ Campuchia sẽ được chuyển về nhà máy ở Bình Phước làm công đoạn rang, chế biến, bóc tách và phân loại điều to nhỏ, thành phẩm cuối cùng đang bán ở Việt Nam.
“Sản phẩm này là sản phẩm gì? Công đoạn cuối cùng là rang hạt điều ở Bình Phước còn cây điều trồng ở Campuchia, giống bố mẹ ở phòng thí nghiệm Thái Lan, nhưng hàm lượng chất xám này là của người Việt Nam, không thể lượng hoá được đối với sản phẩm này”, bà Thuỳ nói.
Bà Thuỳ cho biết, Việt Nam hiện nay là quốc gia xuất khẩu điều nhưng 50% nhập khẩu từ châu Phi, cũng giống như Mỹ có thế mạnh trồng bông, Trung Quốc là công xưởng các sản phẩm linh kiện, điện tử giá rẻ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ai làm được gì giỏi thì phải tận dụng để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Vậy nên đừng quá đặt nặng vấn đề sản phẩm đó phải có nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam. Asanzo có thể nhập khẩu đến 90% linh kiện, nhưng quan trọng là giá trị gia tăng của sản phẩm là bao nhiêu và nó được thực hiện tại Việt Nam.