VỤ CỰU CHỦ TỊCH FLC TRỊNH VĂN QUYẾT BỊ BẮT : KHỞI TỐ BỔ SUNG TỘI DANH

Ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC bị khởi tố bởi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về tội thao túng thị trường chứng khoán quy định tại điều 211 Bộ luật hình sự. Mới đây, ông Quyết tiếp tục bị khởi tố với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể vụ việc thứ hai ra sao? Khung hình phạt sẽ được áp dụng thế nào? Cùng OTIS LAWYERS phân tích trong bài viết dưới đây.

Khởi tố bổ sung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tối 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Tập đoàn FLC) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, nhà chức trách còn khởi tố bổ sung tội danh này đối với 3 người khác. Bao gồm: bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS, Phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Thúy Nga (cựu thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS, em gái ông Quyết) và Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC, em gái ông Quyết). 

Các bị can trên bị điều tra về hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-bi-khoi-to-bo-sung-toi-danh.jpgCựu chủ tịch FLC bị khởi tố thêm tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Theo điều tra, từ năm 2014 đến năm 2016, các bị can trên đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, các bị can đã bán nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do bị can Quyết nhờ dựng tên). Sau đó, các bị can thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Khung hình phạt của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định hiện hành

 

cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-bi-khoi-to-bo-sung-toi-danh (3).jpg

Quy định pháp luật về khung hình phạt đối với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Căn cứ vào Điều 174 BLHS các khung hình phạt được áp dụng cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được chia thành các mức như sau:

Mức thứ nhất

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng và thuộc một trong các trường hợp:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  • Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội cướp tài sản (Điều 168), tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản (Điều 169), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170), tội cướp giật tài sản (Điều 171), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 176) và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Mức thứ hai

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Mức thứ ba

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Mức thứ tư

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi phạm tội thuộc các trường hợp

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Về hình phạt bổ sung: người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình phạt nào dành cho ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm?

Hiện nay vẫn đang trong quá trình điều tra, chính vì vậy không thể xác định được chính xác hình phạt trong vụ việc này. Tuy nhiên dựa vào quy định của pháp luật cũng như mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Có thể nói hình phạt cuối cùng sẽ không hề nhỏ, cộng với tội danh bị khởi tố trước đó. Chắc chắn sau khi hoàn thành quá trình điều tra, cơ quan chức trách sẽ có những phán quyết răn đe, nghiêm khắc nhất đối với vụ việc này. Bởi hành vi của ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã làm “chao đảo” thị trường chứng khoán, gây ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư cùng với đó là chiếm đoạt số tiền khổng lồ.

Mong rằng cơ quan điều tra sẽ sớm có được kết quả cuối cùng và nhanh chóng tiến hành phiên tòa xét xử để có thể trả lại công bằng cho các nhà đầu tư bị vụ việc này ảnh hưởng. Vụ việc cũng là một bài học cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cần thận trọng và tỉnh táo hơn.

CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ văn phòngK28 – Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: [email protected]

Hotline: 0987748111 

Alternate Text Gọi ngay