Vận động học sinh bỏ nuôi, mua bán “Búp bê Kumanthong”
Từ công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, Phòng An ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện; phối hợp với nhà trường và gia đình vận động một số học sinh từ bỏ việc mua bán và nuôi “Búp bê Kumanthong”.
Tiếng nói của người trong cuộc
“Bây giờ, cháu đã hiểu tác hại của “Búp bê Kumanthong”. Cháu đã từ bỏ, không tham gia vào các nhóm Facebook và “nuôi” loại búp bê này nữa. Khi chơi “Búp bê Kumanthong” cháu chểnh mảng việc học hành; không muốn nói chuyện hay chia sẻ với thầy cô, bạn học và bố mẹ vì cho rằng đã có búp bê làm bạn…”- cháu Nguyễn Thu T., học sinh lớp 8 của một trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho biết.
Muốn có được điểm tốt mà lại chẳng phải ngày, đêm “dùi mài kinh sử”; muốn gặp nhiều may mắn trong các kỳ thi, cháu T. đã tìm đến với “Búp bê Kumanthong”. Sau đó tham gia vào các nhóm của “Búp bê Kumanthong” như “Hội, nhóm kinh nghiệm nuôi Kumanthong”, “Tâm linh Kumanthong”, “Yêu thương Kumanthong LukThep”… Qua những thông tin thiếu kiểm chứng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội và qua các hội, nhóm cháu T. nghĩ rằng, Kumanthong trắng là thần hộ mệnh có thể mang lại may mắn cho mình. Chính vì thế, cháu đã liên hệ, mua “Búp bê Kumanthong”.
Một em học sinh đã nuôi “Búp bê Kuman Thong” nay đã từ bỏ ý định này
Cháu T. kể lại: Lần thứ nhất vào tháng 12/2020, qua Facebook của một người tên là Trung, cháu đã mua một con búp bê với giá 200 nghìn đồng; lần thứ hai, vào khoảng tháng 2/2021, cháu mua thêm một con với giá 680 nghìn đồng. Khi nuôi “Búp bê Kumanthong”, cháu T. bỏ bê việc học hành. Cháu tin rằng chỉ cần thắp hương và cầu xin hằng ngày thì chắc chắn “Búp bê Kumanthong” sẽ mang lại may mắn cho mình. Vì thế, trong những ngày đó, cháu T. “chìm đắm” trong thế giới với “người bạn” là “Búp bê Kumanthong”…Trước những biểu hiện bất thường của cô con gái, gia đình cháu T. tìm hiểu thì biết rằng cháu đang “nuôi” “Búp bê Kumanthong”. Quá hoảng loạn, gia đình và người thân tìm cách khuyên can, nhắc nhở nhưng tình hình vẫn không chiều hướng thay đổi.
Nguyễn Thu T. chỉ là một trong những trường hợp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tham gia nuôi “Búp bê Kumanthong”.
Vào ngày 11/5/2021, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, cán bộ Phòng An ninh Nội địa đã phát hiện Nguyễn Thị Bích Th. (SN 2007), cũng là học sinh của một trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hành vi mua, bán và nuôi “Búp bê Kumanthong”. Từ tháng 12/2019, cháu Th. bắt đầu tìm hiểu về “Búp bê Kumanthong”; sau đó đã sử dụng tài khoản Facebook để đặt mua “Búp bê Kumanthong”.
Cụ thể, cháu Th. đã mua và nuôi 6 “Búp bê Kumanthong”. Đến tháng 1/2020, cháu Th. đã nhận làm cộng tác viên bán “Búp bê Kumanthong” cho một số tài khoản Facebook trên mạng xã hội. Nhiệm vụ của Th. là copy bài viết từ các tài khoản cá nhân của nhiều người, đăng tải trên trang cá nhân. Nếu việc mua bán thực hiện trót lọt, cháu Th. sẽ nhận được số tiền bằng từ 10-20 % giá trị của búp bê.
Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện tình trạng học sinh của một số trường trung học cơ sở trên địa bàn mua, nuôi và buôn bán “Búp bê Kumanthong”. Khi tham gia vào việc mua bán, nuôi “Búp bê Kumanthong”, việc học tập và sinh hoạt của các cháu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cá biệt, một số học sinh tham gia nuôi “Búp bê Kumathong” để cầu xin trúng số lô, số đề…
Vì thế, cùng với việc đấu tranh, ngăn chặn; cần phải phối hợp với nhà trường, gia đình tuyên truyền, vận động các học sinh nuôi “Búp bê Kumanthong” hiểu được bản chất mê tín dị đoan của hiện tượng này, không tham gia mua bán, sử dụng “Búp bê Kumanthong”.
Kể lại với chúng tôi về quá trình phối hợp với gia đình, nhà trường vận động các cháu học sinh không tham gia vào việc “nuôi” và mua bán “Búp bê Kumanthong”, các trinh sát Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Việc vận động ban đầu không dễ dàng do các cháu học sinh tuổi còn nhỏ, nhận thức còn nhiều hạn chế. Vì thế, chúng tôi đã phối hợp với gia đình và nhà trường ban đầu là gặp gỡ các cháu.
Sau đó, thông qua người thân, bạn bè, nhẹ nhàng phân tích để các cháu hiểu rằng đây là hình thức mê tín dị đoan…Việc học tập và rèn luyện phải bằng nỗ lực của bản thân chứ không thể trông chờ vào hiện tượng siêu nhiên. “Mưa dầm thấm lâu”, các học sinh dần dần hiểu ra, đến nay những trường hợp được vận động đã từ bỏ nuôi “Búp bê Kumanthong”.
Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “Búp bê Kumanthong”
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng An ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, khoảng vài năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện các nhóm được lập ra nhằm mục đích trao đổi cách nuôi “Búp bê Kumanthong”, mua bán quần áo, đồ dùng sinh hoặc hoặc “bùa chú” để “yểm” cho búp bê và mua bán các dịch vụ “ăn theo”…, đã thu hút một số người chơi.
Từ việc nhận diện, xác định đây là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hoá và pháp luật Việt Nam, Phòng An ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương đã tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bản chất của hiện tượng “Búp bê Kumanthong”…
Qua đó, đơn vị đã vận động được nhiều trường hợp từ bỏ việc buôn bán, nuôi “Búp bê Kumanthong”. Trong đó có những trường hợp đã buôn bán trong một thời gian dài, P.V.V.H (SN 2000, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là một ví dụ. Khoảng tháng 5/2018, qua mạng xã hội, P.V.V.H. biết đến các trang Facebook “Nuoi Luk Thep” và “Kumanthong miền Bắc” do Phạm Thanh T. làm quản lý nhóm.
Với tâm lý cầu may, P.V.V.H. đã đặt mua của Phạm Thanh T. một “Búp bê Kumanthong” với giá 1,5 triệu đồng/ con; việc giao dịch được thực hiện bằng tài khoản. Lần đầu tiên, P.V.V.H đặt cọc số tiền là 400 nghìn đồng; lần thứ hai chuyển số tiền là 1,1 triệu đồng… Sau khi mua được “Búp bê Kumanthong” P.V.V.H. đã mang về nhà thắp hương cúng; sau đó thường xuyên cho ăn bánh, kẹo, hoa quả (khoảng 2 lần/tuần), mục đích là để búp bê mang lại may mắn cho mình…
Trong quá trình tìm hiểu qua hội nhóm “Nuôi LukThep” và “Kumanthong miền Bắc”, P.V.V.H. đã quen biết với người đàn ông tên Việt. Đến tháng 7/2018, P.V.V.H đã cùng với Việt bàn bạc việc làm công tác viên bán hàng cho Nguyễn Ngọc Thương, là người quản lý nhóm tâm linh Thái Lan. Trong thời gian cộng tác với Việt, P.V.V.H. đã bán được từ 6-7 con búp bê, mỗi con có giá từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng và được chiết khấu lại mỗi con với giá là 300 nghìn đồng/ con. Phần lãi, P.V.V.H. và Thương chia nhau. Trong thời gian này, tất cả các giao dịch khách hàng đều chuyển vào tài khoản của P.V.V.H..
Đầu tháng 8/2018, P.V.V.H. và Việt nảy sinh mâu thuẫn, nguyên nhân bắt nguồn từ quyền lợi kinh tế. Thông thường, khách mua sẽ lấy hàng trực tiếp từ P.V.V.H. rồi chuyển tiền cho Việt. Vậy nhưng sau khi nhận tiền, Việt lại không chuyển lại cho P.V.V.H. vì thế P.V.V.H. đã nhiều lần phải bỏ tiền túi để trả tiền cho Thương. Từ đó, P.V.V.H. đã tách ra làm ăn riêng. Sau đó, P.V.V.H. đã sử dụng tài khoản Facebook tên là “Ngô Mai Linh” được thành lập từ khoảng năm 2012 để thực hiện việc mua bán với khách hàng. Sau khi nắm bắt được hoạt động của P.V.V.H., cán bộ Phòng an ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương đã chủ động gặp gỡ, phân tích. Sau khi hiểu ra, P.V.V.H. đã từ bỏ việc mua bán “Búp bê Kumanthong”.
Không dừng lại ở đó, quá trình làm việc với P.V.V.H., các trinh sát Phòng an ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương còn phát hiện trường hợp của N.T.N.Q. (SN 2003, trú tại Hải Dương), cũng là học sinh của một trường trung học cơ sở đã tham gia mua và nuôi “Búp bê Kumanthong”. Từ đó, đã vận động trường hợp trên từ bỏ việc nuôi “Búp bê Kumanthong”.
Hiện Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu rõ bản chất mê tín dị đoan của loại tâm linh này. Từ đó, tăng cường cường quản lý học sinh không để học sinh tham gia mua bán, sử dụng “Búp bê Kumanthong”.
Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức nắm tình hình địa bàn, rà soát, phát hiện, sản xuất, mua bán “Búp bê Kumanthong”; tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được bản chất của “Búp bê Kumanthong”, không để các đối tượng xấu lôi kéo theo và có hành vi vi phạm pháp luật.