Vận dụng phương pháp tổ chức trò chơi vào dạy học âm nhạc ở trường Trung học cơ sở
Quan điểm đó vừa là cơ sở phương pháp luận cho việc xác định tính tất yếu khách quan của việc xây dựng, phát triển nền Âm nhạc xã hội chủ nghĩa, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Âm nhạc trong đời sống xã hội nói chung và hệ thống nhà trường nói riêng.
Cũng giống như các bộ môn khác, khi giảng dạy Âm nhạc ở trường Trung học cơ sở, giáo viên phải biết vận dụng hết các phương pháp dạy học khác nhau như: thuyết trình, phát vấn, nêu và giải quyết vấn đề,… bên cạnh các hình thức học tập của học sinh như: tự nghiên cứu, thảo luận nhóm, thuyết trình, biểu diễn. Riêng Âm nhạc là bộ môn có thể phát huy được nhiều nhất thế mạnh về hướng dẫn trò chơi trong giờ học. Các trò chơi đó đã tạo ra hiệu ứng lớn trong việc giúp các em khắc sâu kiến thức, phát triển kỹ năng và đặc biệt là phát huy tính tích cực chủ động của học sinh theo mục tiêu đổi mới giáo dục. Âm nhạc có lợi thế của nó, đây là bộ môn nghệ thuật động, nghệ thuật của âm thanh, của ca từ. Lợi thế đó rất phù hợp với nhu cầu tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở, từ 11 đến 15 tuổi rất hiếu động, thích được thể hiện mình. Trò chơi trong âm nhạc sẽ đưa lớp học vào một không gian đặc biệt, tạo nên được không khí sinh động trong giờ học. Nó như có ma lực cuốn hút và gây nhiều hứng thú cho học sinh kể cả những em lười học, thụ động. Không khí sôi động đó sẽ bao trùm lớp học và đẩy lùi được cách dạy lý thuyết suông nặng nề, nhàm chán. Không mang tính hàn lâm bác học theo kiểu “đao to búa lớn” các giờ học mang “bộ áo trò chơi” sẽ cuốn các em vào “cuộc chơi tri thức” lành mạnh, làm giàu thêm vốn văn hóa âm nhạc phổ thông cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Mục Lục
Vai trò của phương pháp tổ chức trò chơi đối với việc giáo dục toàn diện học sinh
Từ trước tới nay trong văn hóa dân gian và hiện đại, trò chơi vừa là nhu cầu lớn của con người vừa là phương tiện giáo dục hấp dẫn và hiệu quả. Vì thế những ai biết tổ chức trò chơi trong tiết học là người đó biết cụ thể hóa phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Đặc biệt trò chơi còn là chất xúc tác, keo kết dính vô hình giúp học sinh luôn tự tin, mạnh dạn, nhanh chóng hòa đồng và dễ cởi mở đoàn kết. Ý chí tinh thần đồng đội cũng được rèn luyện qua trò chơi đồng thời trò chơi còn thúc đẩy phát triển sự năng động sáng tạo của từng cá thể. Tuy nhiên, do thời lượng tiết học hạn chế trong lúc trò chơi lại cần rất nhiều thì giờ nên giáo viên phải đảm bảo nội dung bài học trước đã sau đó mới tính chuyện tổ chức trò chơi. Nếu không thì chuyện “cháy giáo án” sẽ xảy ra như cơm bữa.
Vui chơi là nhu cầu tự nhiên của con người. Trò chơi còn là một phương tiện nhằm thu hút, tập hợp và giáo dục học sinh nhanh nhất, có hiệu quả nhất. Trò chơi góp phần điều hòa và cân bằng nguồn năng lượng dư thừa trong quá trình trao đổi chất, đảm bảo sự hoạt động bình thường trong cơ thể các em.
Trò chơi và đặc điểm tâm lý của trò chơi
Trò chơi là một hoạt động rất quen thuộc, gần gũi với con người từ trẻ em đến người lớn. Bất cứ ai trong cuộc đời cũng đã từng tham gia vào những trò chơi. Cũng như lao động, học tập, trò chơi là một loại hình hoạt động sống của con người. Trò chơi chứa đựng chủ đề, nội dung nhất định, những quy tắc mà người chơi phải tuân thủ. Trò chơi vừa mang tính chất vui chơi giải trí song đồng thời lại có ý nghĩa giáo dưỡng và giáo dục lớn lao đối với con người đặc biệt là đối với các em học sinh. Trò chơi tạo tất cả những điều kiện để các em thể hiện nhu cầu tự nhiên về hoạt động và những rung động thực sự trước thế giới xung quanh. Trong khi chơi các em phản ánh hiện thực xung quanh đồng thời thể hiện thái độ nhất định đối với môi trường. Đối với các em chơi có nghĩa là hoạt động, là khơi dậy trong mình những cảm giác và mơ ước đó, là cảm giác, tri giác và phản ánh một cách sáng tạo thế giới vào trong tưởng tượng của mình. Đúng như Go-rơ-ki đã nhận xét: “Trò chơi là con đường để trẻ em nhận thức thế giới, là nơi chúng đang sống và là cái chúng nhận thấy cần phải thay đổi”.
Hoạt động trò chơi thúc đẩy các em: Nhận thức hiện thực; Hình thành nhận thức về hành vi; Tiếp nhận những quy tắc và quy luật sinh hoạt xã hội; Hình thành năng lực quan sát và đánh giá.
Trò chơi dành cho các em học sinh có một số đặc điểm tâm lý sau:
Sự sáng tạo tự do và những đặc điểm tâm lý của trẻ: Mặc dù trong trò chơi có những nguyên tắc, luật lệ mà người chơi phải phục tùng, song sự biểu hiện tự do của hoạt động được bắt đầu, tiếp tục và kết thúc theo ý muốn riêng là đặc điểm tiêu biểu của trò chơi dành cho lứa tuổi học sinh.
Tính chất tích cực của hoạt động: Trò chơi không bao giờ là sự lặp lại máy móc, cứng nhắc các động tác nào đó. Trò chơi đòi hỏi phải có sự suy nghĩ, nỗ lực hoạt động của người tham gia.
Tràn đầy cảm xúc: Trò chơi luôn gắn với cảm giác thỏa mãn rõ rệt ở trẻ, trong trò chơi trẻ luôn có cảm xúc vui sướng. Trò chơi cũng làm nảy sinh ở các em tình bạn bè, sự quan tâm lẫn nhau.
Sử dụng trò chơi trong giờ dạy Âm nhạc ở trường Trung học cơ sở
Cùng với học, chơi là nhu cầu không thể thiếu được của học sinh. Hoạt động học vẫn là hoạt động chủ đạo, tuy vậy hoạt động vui chơi vẫn giữ một vai trò rất quan trọng, có một ý nghĩa lớn lao đối với các em. Lí luận và thực tế đã chứng tỏ rằng: Nếu biết tổ chức cho học sinh vui chơi một cách hợp lí, đúng đắn thì đều mang lại hiệu quả giáo dục cao. Các trò chơi nhằm mục đích trước tiên là giải trí, thư giãn. Đặc biệt trò chơi Âm nhạc đã tạo cho học sinh được củng cố bài chắc hơn, học sinh được phát triển đầy đủ về trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ, hình thành nhiều các kĩ năng khác như: khả năng phán đoán, khéo tay, nhanh nhẹn… Cụ thể là: Nội dung trò chơi Âm nhạc sẽ củng cố bài học trong các tiết dạy; Qua các trò chơi Âm nhạc học sinh luyện tập được những kĩ năng, rèn luyện tai nghe trí nhớ; Bằng trò chơi Âm nhạc học sinh được hình thành năng lực quan sát, nhận xét, đánh giá; Trò chơi Âm nhạc được tiến hành trong các tiết ôn tập bài hát nhẹ nhàng, sinh động. Học sinh được lôi cuốn vào giờ học một cách tự nhiên, hứng thú, có tinh thần trách nhiệm, đồng thời giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng trong quá trình học tập; Thông qua trò chơi khả năng giao tiếp giữa giáo viên và học sinh và giữa các em với nhau sẽ được tăng cường.
* Các loại trò chơi:
Hiện nay có rất nhiều trò chơi được giới thiệu thông qua những cuộc thi tìm hiểu về kiến thức nói chung và kiến thức Âm nhạc nói riêng. Chúng ta có thể nghiên cứu để đưa vào tổ chức các trò chơi Âm nhạc trong giờ học cho phù hợp với học sinh.
Theo tôi các trò chơi có thể tổ chức trong các giờ học Âm nhạc là:
– Thi hát theo chủ đề.
– Nghe giai điệu đoán tên bài hát.
– Nghe tiết tấu đoán tên bài hát.
– Nghe giọng hát tìm người hát.
– Hát theo nguyên âm u, e, a, i, o.
– Hát nhanh, hát chậm.
– Hát to, hát nhỏ.
– Đoán tên bài hát qua ô chữ.
– Đoán tên bài hát qua tranh vẽ.
– Gắn tên nốt nhạc…
Có rất nhiều trò chơi chúng ta có thể sử dụng được trong các giờ học Âm nhạc. Nhất là ở các tiết ôn tập và các tiết Âm nhạc tự chọn. Tùy theo nội dung từng trò chơi mà giáo viên có thể tổ chức lượng thời gian cho phù hợp. Có thể chỉ có trò chơi chỉ diễn ra trong 2 – 3 phút nhưng cũng có thể có trò chơi diễn ra trong 10 phút hoặc lâu hơn và cũng tùy trong mỗi giờ học giáo viên có thể “lồng ghép”, “xen kẽ” các trò chơi cho linh hoạt để hấp dẫn học sinh. Đó là điều quan trọng mà mỗi giáo viên cần chú ý.
Nguyên tắc tổ chức trò chơi trong giáo dục và dạy học môn Âm nhạc
1. Nguyên tắc lựa chọn trò chơi
Trò chơi có vai trò quan trọng trong việc giáo dục cảm thụ Âm nhạc cho học sinh Trung học cơ sở. Song muốn phát huy được vai trò giáo dục này, cần tuân theo nhưng nguyên tắc nhất định trong việc lựa chọn trò chơi. Trò chơi được lựa chọn phải: Đảm bảo tính giáo dục, tính nghệ thuật, phù hợp với việc giáo dục học sinh cảm nhận Âm nhạc; Đảm bảo tính hấp dẫn đối với học sinh, thu hút được nhiều học sinh tham gia chơi, tạo được không khí thi đua sôi nổi, vui vẻ, hào hứng trong giờ học; Đảm bảo phù hợp với năng lực và trình độ học sinh Trung học cơ sở. Bởi vì, nếu trò chơi khó thì học sinh sẽ không thể chơi được, còn nếu trò chơi quá đơn giản thì học sinh sẽ chán, không muốn chơi; Đảm bảo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế của lớp học.
2. Nguyên tắc tổ chức trò chơi
Nguyên tắc 1: Bảo đảm cho học sinh hiểu rõ yêu cầu, nội dung và cách tổ chức trò chơi
Nội dung chơi phải giúp cho học sinh biết cần làm những gì và cách tổ chức trò chơi, giúp cho học sinh phải biết làm như thế nào trong khi chơi. Từ đó học sinh sẽ thực hiện trò chơi được đúng hướng với nội dung đầy đủ, với cách thức hoạt động phù hợp.
Vì vậy, trước khi chơi, giáo viên cần phải giải thích rõ ràng và đầy đủ những yêu cầu cần đạt, nội dung và cách thức hoạt động cần thực hiện. Nếu không thì các em sẽ tiến hành trò chơi một cách vô ý thức, tùy tiện và sẽ không thu được kết quả.
Nguyên tắc 2: Bảo đảm tổ chức trò chơi được tự nhiên, không gò ép
Các trò chơi Âm nhạc cần giúp các em tham gia một cách tự nhiên, thoải mái mà không gò ép mang tính giáo dục nghệ thuật cao. Thông qua các trò chơi học sinh được phát triển các kĩ năng về tai nghe, khả năng phán đoán…
Nguyên tắc 3: Bảo đảm luân phiên các trò chơi một cách hợp lí
Như đã trình bày ở trên có rất nhiều trò chơi Âm nhạc mà giáo viên có thể tổ chức cho học sinh chơi. Nhưng tùy thuộc vào nội dung bài học mà giáo viên lựa chọn những nội dung chơi cho phù hợp. Không nên tiết nào cũng chỉ tổ chức một trò chơi như vậy học sinh sẽ chán, không còn hứng thú tham gia nữa. Do đó, căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lí của học sinh nên luân phiên các trò chơi giúp học sinh chuyển hướng chú ý và hứng thú một cách hợp lí nhằm phục vụ cho những yêu cầu giáo dục về Âm nhạc cho học sinh.
Nguyên tắc 4: Bảo đảm tổ chức trò chơi với tinh thần “Thi đua, đồng đội”
Trong các trò chơi Âm nhạc kể trên có những trò chơi cá nhân tham gia, nhưng có những trò chơi mang tính thi đua đồng đội. Trong khi tổ chức cho học sinh chơi những trò chơi có tổ chức đồng đội giáo viên cần quan tâm đến yếu tố “thi đua” có chuẩn và thang đánh giá thành tích chung của đồng đội. Nhờ vậy, kích thích được tính tích cực phấn đấu của mỗi học sinh vì thành tích bản thân và vì thành tích của đồng đội. Nhờ vậy, kích thích được tính tích cực phấn đấu của mỗi học sinh vì thành tích bản thân và vì thành tích của đồng đội. Qua đó, vun đắp cho các em ý thức đồng đội, tình bạn thân ái.
Những nguyên tắc trên liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau trong việc tổ chức trò chơi Âm nhạc trong giờ học đạt kết quả giáo dục như mong muốn.
Thiết kế một số trò chơi Âm nhạc cho học sinh Trung học cơ sở
1. Một số trò chơi tổ chức khi ôn tập bài hát
1.1. Trò chơi: “Hát to – Hát nhỏ”
– Mục đích: Thông qua trò chơi, học sinh biết thể hiện sắc thái to, nhỏ, qua các kí hiệu tay trong mỗi bài hát.
– Chuẩn bị: Một số bài hát đã học.
– Người chơi: Tập thể lớp.
– Cách chơi: Giáo viên chia tập thể chơi thành hai đội và hát theo động tác của giáo viên: Bàn tay đánh nhịp của giáo viên xòe ra: Cả lớp hát to; Bàn tay giáo viên từ từ nắm lại: Hát nhỏ dần; Bàn tay giáo viên nắm chặt lại: Không hát.
Giáo viên quy định mỗi đội chơi theo một tay chỉ huy của giáo viên (đội1: tay trái; đội 2: tay phải); Giáo viên bắt nhịp cho cả lớp hát một bài, học sinh chơi hát to; Giáo viên dùng hai tay để điều khiển hai đội hát to nhỏ. Khi giáo viên nắm chặt tay học sinh chơi vẫn phải hát thầm theo nhịp để khi giáo viên mở tay phải hát đúng lời tiếp theo.
* Lưu ý:
+ Học sinh chơi phải hát theo sự điều khiển của giáo viên.
+ Giáo viên đóng mở nhanh bàn tay để tạo không khí.
+ Chọn những bài hát có nhịp nhanh, chậm khác nhau tạo không khí.
+ Có thể cho mỗi đội hát một bài hát khác nhau để tăng mức độ khó của trò chơi.
1.2. Trò chơi “Hát nhanh – hát chậm”
– Mục đích: Qua kí hiệu bàn tay của giáo viên, học sinh biết hát nhanh, hát chậm theo đúng hiệu lệnh.
– Chuẩn bị: Một số bài hát đã học.
– Người chơi: Tập thể lớp.
– Cách chơi: Giáo viên quy ước kí hiệu tay: Khi giáo viên guồng hai tay nhanh thì học sinh hát nhanh, khi giáo viên guồng hai tay chậm hơn thì học sinh hát chậm.
* Lưu ý: Học sinh không hát quá nhanh, hát dồn nhịp mà cần tập trung thực hiện theo đúng hiệu lệnh.
1.3. Trò chơi: “Nghe giọng hát, tìm người hát”
– Mục đích: Giúp cho học sinh nâng cao khả năng nghe, phân biệt được giọng hát của các bạn trong lớp.
– Chuẩn bị: Một số bài hát đã học.
– Cách chơi: Giáo viên mời một học sinh lên bảng, đứng quay lưng xuống lớp. Giáo viên ghi tên một số bài hát đã học lên bảng, chỉ định một học sinh bất kì ở dưới lớp đứng hát. Em này hát 1- 2 câu, sau đó học sinh trên bảng quay xuống và đoán tên bạn vừa hát. Nếu đoán đúng sẽ được về chỗ và em vừa hát lên thay thế. Nếu đoán chưa đúng thì tiếp tục trò chơi, nếu ba lần vẫn đoán sai thì giáo viên chỉ định em khác lên thay thế.
* Lưu ý: Yêu cầu lớp giữ trật tự, không nói tên bạn hát.
1.4. Trò chơi: “Hát với nguyên âm i, o, a, u”
– Mục đích: Giúp các em rèn luyện trí nhớ, phản xạ nhanh nhẹn.
+ Luyện âm thanh, lấy hơi để áp dụng vào giờ học hát, nhạc.
– Cách chơi:
+ Nội dung: Hát theo nguyên âm được giáo viên quy định.
Hướng dẫn:
+ Giáo viên phổ biến với tập thể lớp các quy định sau:
Bàn tay giáo viên nắm: chữ O
Bàn tay giáo viên nắm, ngón trỏ thẳng: chữ I
Bàn tay giáo viên tạo thành nửa vòng tròn: chữ E
Bàn tay nắm, ngón trỏ và ngón giữa thẳng: chữ A.
+ Giáo viên cho tập thể lớp hát một bài tập thể, đồng thời giáo viên dùng tay làm chữ. Khi tay giáo viên ở chữ nào tập thể lớp hát chỉ một chữ đã quy định theo giai điệu bài hát đó.
* Lưu ý: Học sinh hết sức tập trung vì giáo viên có thể thay đổi liên tục các nguyên âm. Yêu cầu học sinh vừa phải hát đúng với kí hiệu của nguyên âm, vừa phải hát đúng giai điệu của bài hát. Trò chơi này rất thú vị vì khi hát nguyên âm với giai điệu bài hát có nhiều lúc rất buồn cười tạo cho học sinh không khí thật sự thoải mái và có những tiếng cười thật thoải mái.
2. Một số trò chơi với khuông nhạc, nốt nhạc
2.1. Trò chơi: “Khuông nhạc, bàn tay”
– Mục đích: Qua trò chơi giúp học sinh nhớ được vị trí, tên gọi các nốt nhạc.
– Chuẩn bị: Hai khuông nhạc bàn tay (cắt bằng bìa có gắn nam châm ở mặt sau); Các nốt nhạc (có gắn nam châm).
– Người chơi: 2 đội chơi (mỗi đội 4 học sinh)
– Cách chơi: Hai đội sau khi nghe hiệu lệnh của giáo viên thì từng cá nhân trong đội sẽ lần lượt cầm nốt nhạc gắn liền đúng vị trí của từng nốt trên khuông nhạc của bàn tay. Đội nào gắn xong trước là đội thắng cuộc.
* Lưu ý: Học sinh gắn đúng vị trí, đẹp; Trong khi các đội chơi bắt đầu chơi, giáo viên bắt nhịp cho cả lớp hát ở dưới hát tập thể 1 bài hát để cổ vũ đội chơi.
2.2. Trò chơi: “Gắn tên nốt nhạc lên khuông”
– Mục đích: Thông qua trò chơi học sinh được củng cố, nâng cao kiến thức về vị trí nốt nhạc trên khuông.
– Chuẩn bị: Vài khuông nhạc đã kẻ sẵn; Nốt nhạc gắn nam châm.
– Người chơi: Cá nhân học sinh (Từ 2 đến 4 học sinh).
– Cách chơi: Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm, mỗi nhóm cử 1 bạn nhanh nhẹn tham gia trò chơi. Giáo viên yêu cầu học sinh gắn tên một vài nốt nhạc nào đó lên khuông hoặc gắn nốt nhạc lên khuôn theo bài tập đọc nhạc nào đó khi nghe hiệu lệnh của giáo viên. Người chơi phải nhanh chóng cầm các nốt nhạc gắn vào khuông nhạc sao cho đúng với yêu cầu. Hết thời gian, bạn nào xong trước, đúng, đều, đẹp là người thắng cuộc.
Đối với chương trình lớp 6 thì giáo viên cho học sinh gắn các nốt nhạc lên khuông theo các bài tập đọc nhạc.
Trên đây là phương pháp tổ chức một vài trò chơi Âm nhạc trong số rất nhiều các trò chơi Âm nhạc mà tôi thường sử dụng trong các tiết dạy của mình và tôi nhận thấy rằng học sinh của tôi rất thích giờ học Âm nhạc. Đặc biệt là rất thích thú khi được tham gia các trò chơi.
Kết luận
Trò chơi vừa là nhu cầu tự nhiên, vừa là phương tiện giáo dục toàn diện cho học sinh. Trò chơi giúp cho cơ thể phát triển cân đối, hài hòa. Nhiều trò chơi đòi hỏi sự vận động toàn cơ thể tác dụng trực tiếp đến sự phát triển thể chất của các em góp phần tạo nên một cơ thể khỏe mạnh. Trò chơi điều hòa và cân bằng nguồn năng lượng, dư thừa trong quá trình trao đổi chất. Nó phát triển các tố chất khéo léo, chính xác, khả năng phản xạ nhanh… làm cho con người dễ thích ứng với sự biến đổi của môi trường. Trò chơi còn góp phần phát triển trí tuệ vì trò chơi luôn đòi hỏi sự thông minh, sáng tạo, sự mới mẻ. Trò chơi làm cho tâm hồn phát triển lành mạnh. Các trò chơi bồi dưỡng tình đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỉ luật, tính trung thực, thật thà, dũng cảm, sự cởi mở cảm thông giữa con người với con người. Trò chơi góp phần củng cố kiến thức. Qua trò chơi các em có thêm hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, bản thân “học mà chơi – chơi mà học” là phương thức giáo dục nhẹ nhàng, hiệu quả nhất.
Hy vọng rằng, với ý tưởng và gợi ý của tác giả sẽ giúp các thầy cô giáo giảng dạy Âm nhạc ở trường Trung học cơ sở tổ chức các hoạt động giáo dục Âm nhạc cho học sinh đạt được kết quả cao nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Hường (2015), “Tổ chức một số trò chơi trong quá trình dạy học âm nhạc ở Tiểu học”, Luận văn Thạc sỹ.
2. Nguyễn Thị Thùy Linh (2014), “Áp dụng một số trò chơi vào trong bộ môn âm nhạc cấp Tiểu học”, Sáng kiến kinh nghiệm.
3. Phạm Vũ Thu Hiền (2013), “Xây dựng một số giải pháp gây hứng thú cho học sinh trong các giờ học âm nhạc tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Huế”, Luận văn Thạc sỹ.