Vì sao nên cho trẻ học vẽ?
John Caldwell Holt – nhà giáo dục người Mỹ từng nói: “Lợi ích của việc trẻ ngồi vẽ một giờ sẽ hơn hẳn việc ngồi xem chương trình giải trí trong vòng 9 giờ”.
Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định điều này: Việc vẽ tranh có thể giúp trẻ em kết hợp hoạt động của não trái và não phải, đồng thời có thể dễ dàng và tự nhiên quan sát thế giới từ góc nhìn của riêng chúng.
Những trải nghiệm non nớt đầu tiên trong đời sống của trẻ được lồng ghép trực tiếp vào tranh mà chúng vẽ. Khi trẻ không thể thể hiện thế giới nội tâm của mình bằng ngôn ngữ phong phú, trẻ có thể thể hiện cảm xúc và thế giới nội tâm của mình thông qua hội họa.
Việc vẽ tranh có thể giúp trẻ em kết hợp hoạt động của não trái và não phải, đồng thời có thể dễ dàng và tự nhiên quan sát thế giới từ góc nhìn của riêng chúng. Ảnh minh họa: Empowered Parent.
Quỹ đạo phát triển khả năng vẽ của trẻ là do quy luật phát triển tâm lý và thể chất của trẻ quyết định.
Từ 1 đến 2 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn cầm bút vẽ “bậy”, tức là không có một dạng hình ảnh cụ thể nào. Lúc này trẻ chưa hình thành khái niệm vẽ mà chỉ dựa vào các giác quan ban đầu để vẽ nguệch ngoạc theo ý thích.
Từ 2-3 tuổi, trẻ bắt đầu có ý thức về độ dài những đường kẻ, ranh giới của tờ giấy, tấm bảng… Từ 3-4 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành ý thức “vẽ”, biết mô tả nội dung trong khi vẽ và thậm chí là đặt tên cho bức tranh.
Từ 4-5 tuổi, trẻ chú ý hơn vào các chi tiết, có xu hướng vẽ những gì mà chúng quan tâm, yêu thích nhất, nhưng bức vẽ đã bắt đầu có bố cục, có khung cảnh, hình ảnh, thậm chí có cả câu chuyện đằng sau đó.
Sau 6 tuổi, trẻ biết bộc lộ cảm xúc chân thực hơn về cuộc sống, thiên nhiên, những điều diễn ra quanh mình thông qua tranh, với các chi tiết và kỹ thuật biểu đạt phong phú hơn.
Đương nhiên không phải trẻ nào cũng thích vẽ. Thế nên, nếu bạn thấy con mình yêu thích vẽ, thì cần làm những việc sau đây để bồi đắp cho con.
Tạo cho con môi trường phù hợp
Theo đặc điểm lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên chuẩn bị các dụng cụ phù hợp như bảng vẽ hoặc tờ giấy vẽ khổ lớn, các đồ đi kèm như bút chì màu, chì sáp, sơn, phấn dầu… cho trẻ. Đừng quá bận tâm với tư thế ngồi vẽ, cách cầm bút của trẻ, hãy để trẻ nghĩ rằng vẽ rất dễ, vui và thú vị.
Khuyến khích và bảo vệ niềm yêu thích vẽ của trẻ
Nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Trần Hạc Cầm từng nhận xét: “Đa phần trẻ em đều thích hội họa. Đó là tiền thân của ngôn ngữ truyền miệng và là công cụ tốt để thể hiện cái đẹp”.
Khi trẻ tập trung vẽ, hãy cho trẻ có cơ hội tập trung và đắm chìm vào thế giới tưởng tượng của chúng, thay vì đặt câu hỏi, chê trẻ vẽ xấu hay nói “chả hiểu vẽ cái gì”… Tuyệt đối không nên sử dụng khuôn mẫu để bắt trẻ sao chép, điều này sẽ hạn chế trí tưởng tượng của trẻ và làm giảm nhiệt huyết của bé với hội họa.
Cô Tori – chuyên gia giáo dục mầm non Nhật Bản trong cuốn “Dạy trẻ làm với môn vẽ” đã nhấn mạnh rằng vẽ, đặc biệt là vẽ tự do là loại hình thể hiện cảm xúc của trẻ. Do đó, cha mẹ không nên đánh giá tranh của con mình dựa trên tiêu chí “vẽ đẹp hay không”, “vẽ có giống hay không”, mà nên cảm thụ những gì bé muốn thể hiện trong tranh và hiểu những gì bé muốn thể hiện bằng sự quan tâm và tôn trọng.
Cho con có cơ hội tự cảm nhận, khám phá thế giới tự nhiên
Hãy để trẻ trực tiếp khám phá tự nhiên và đưa những gì mình tích lũy được vào trong tranh vẽ. Cha mẹ có thể thường xuyên đưa con đi tiếp xúc với môi trường tự nhiên như núi rừng, biển cả, hoặc đến những nơi như cửa hàng, phòng triển lãm, đường phố… và trò chuyện với con nhiều hơn về cuộc sống. Hãy cùng con trò chuyện về những bức tranh chúng vẽ, lắng nghe chúng diễn giải để hiểu hơn về nội tâm của trẻ, từ đó biết được niềm yêu thích của bé.
Thùy Linh (Theo Sina)