Viết về “Cây đàn bỏ quên” của nhạc sĩ Phạm Duy
“Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn”
Đây là hai câu hát quen thuộc đầu bài “Cây đàn bỏ quên” – một sáng tác của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Nói một cách nghiêm túc thì đối với mỗi người nhạc sĩ, cây đàn chính là vật quan trọng nhất, là người bạn tri kỉ góp phần tạo ra những bài hát bất hủ đi vào lòng người, làm nên tên tuổi người nhạc sĩ. Vậy tại sao nhạc sĩ Phạm Duy lại bỏ quên cây đàn?
Nhạc sĩ Phạm Duy
Cố nhạc sĩ Phạm Duy sinh năm 1921 tại Hà Nội. Thời còn trẻ ông vừa theo học tại các trường trung học Thăng Long và cao đẳng Mỹ thuật Kỹ nghệ thực hành, vừa tự học nhạc và đi tu nghiệp tại Pháp trong hai năm 1954 – 1955. Chính niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt cùng quá trình học tập đã là nền tảng để ông trở thành một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam sau này với những bài hát để đời.
Cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn từng nói: “Phạm Duy phát triển dân ca, đưa đến một màu sắc khác, cập nhật hóa, làm nó thoát ra khỏi thân phận cũ của nó… Gần gũi giới trẻ thành phố. Ông còn thêm cả giai điệu và lời cho dân ca. Một con người rất tài năng, thông minh.”
“Ngôi sao Bắc đẩu của âm nhạc Việt Nam, người nhạc sĩ lớn nhất của âm nhạc Việt Nam qua rất nhiều thế hệ” – Ca sĩ Khánh Ly từng nói về nhạc sĩ Phạm Duy như thế.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Nhạc sĩ Phạm Duy đã có cho mình một gia tài độ sộ về số lượng và đa dạng về thể loại góp phần làm phong phú cho nền tân nhạc Việt Nam, trong đó có nhiều bài hát vô cùng quen thuộc với công chúng yêu nhạc như: Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Mẹ Việt Nam, Bến xuân, Cây đàn bỏ quên, Ngày xưa Hoàng Thị, Áo anh sứt chỉ đường tà,… Và cũng như mọi khi, Việt Thương Music mong muốn giúp bạn hiểu hơn về hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài hát để từ đó thêm yêu bài hát hơn.
“Cây đàn bỏ quên”
Trong số những bài hát được nhiều người yêu thích của Phạm Duy, bài hát được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày lại nhất và được mến mộ nhất có thể nhắc đến “Cây đàn bỏ quên” với các giọng ca Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Lê,… đây là bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ lúc còn rất trẻ với những trải nghiệm tình yêu đầu đời. Những bí mật thú vị đằng sau bài hát này đã được chính cố nhạc sĩ chia sẻ lại lúc ông còn sinh thời.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng chia sẻ: “Tôi làm bài hát “Cây đàn bỏ quên” từ lúc mười tám đôi mươi tuổi. Lúc đó tôi tham lắm, đã được người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Nhưng rồi tôi tự hỏi cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi nên chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây cũng 80 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”. Những tràng pháo tay liên tục vang lên mặc dù danh tánh người phụ nữ trong bài hát vẫn không được nhạc sĩ tiết lộ, nhưng khán giả rất thỏa mãn với cách trả lời của ông.
“Người ôi! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn?
Yêu tôi hay yêu đàn?”
Sau khi đã nói về nhân vật trong bài hát qua lời kể của cố nhạc sĩ, chúng ta hãy cùng nhau phân tích một chút về cốt truyện của bài hát này. Trong “Cây đàn bỏ quên”, cái chất truyện phong phú vốn có trong những sáng tác của ông như càng được tô điểm thêm mặc dù không quá cầu kì nhưng rất thu hút người nghe. Bài hát bao gồm ba nhân vật xuất hiện: Tôi – Em – Cây đàn, nhưng gần như chỉ có nhân vật “Tôi” tự sự với cây đàn. “Em” như một cái gì đó hư vô, như có như không làm tôi bân khuâng thổn thức. Câu chuyện có hai nét kịch tính bí hiểm làm người nghe tò mò là: Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi và bông hoa trên phím tươi cười. Vậy liệu người ông yêu là cây đàn hay cô gái? Liệu người cô gái yêu là ông hay cây đàn? Rõ ràng không có một câu trả lời thỏa đáng nào cho câu hỏi trên cả mà tùy vào tâm tình, cảm xúc mỗi người nghe sẽ cho ra một nhận xét khác nhau.
“Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi?
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh
Tôi nâng niu cây đàn
Đem về say đắm, tôi nâng niu hoa tàn
Khi bông hoa úa vàng
Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương?”
Kết
Mặc dù nhạc sĩ Phạm Duy đã mãi ra đi, nhưng đối với những người yêu âm nhạc nói chung và dòng nhạc của ông nói riêng thì tên tuổi ông vẫn luôn sống mãi. Hàng ngàn tác phẩm âm nhạc của ông, những cảm hứng sáng tác, hoàn cảnh ra đời của từng bài hát vẫn là điều gì đó bí ẩn để những người đi sau tiếp tục tìm tòi giải mã. Họ ngồi góp nhặt những phần đời hiếm hoi của ông lúc sinh thời dù cũng chỉ là một chút gì rất nhỏ bé để khám phá một tâm hồn âm nhạc vĩ đại của ông.