Vợ chồng bất đồng nhóm máu có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản không?
Hỏi
Chào bác sĩ! Em sinh năm 1995. Vừa rồi em phát hiện mình có thai được 6 tuần. Lúc đó đi khám bác sĩ bảo đã có tim thai và phôi thai. 2 tuần sau em đi khám lại thì phát hiện thai lưu và em bé đã mất. Khi đi đến bệnh viện để làm thủ tục lấy thai. Bác sĩ xét nghiệm máu, cho biết em mang nhóm máu O có Rh(-), xét nghiệm luôn nhóm máu của chồng em là nhóm máu B có Rh(+). Vì vậy, trước khi tiến hành cho uống thuốc lấy thai, bác sĩ bảo phải tiêm cho em liều thuốc Anti D immunoglobulin 300mcg. Sau đó em được cho uống thuốc và xảy ra hiện tượng sẩy thai sau đó 4 tiếng. Bác sĩ cho em hỏi có phải lý do em bé bị lưu là do sự bất tương đồng giữa nhóm máu có Rh- và Rh+ của em và chồng em không? Và em cũng muốn biết, em còn có khả năng mang thai và sinh con nữa hay không? Khả năng mang thai là cao hay thấp? Có những rủi ro nào trong quá trình em mang thai tiếp theo và sinh con hay không? Em và chồng em rất lo lắng vì tụi em chưa có đứa con nào cả. Đây là lần mang thai đầu tiên của em. Vì vậy, em rất mong được bác sĩ giải đáp. Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!
Nguyễn Thị Thanh Tuyền (1995)
Trả lời
Chào bạn! Thai chết lưu là là tình trạng thai chết trước hoặc trong khi sinh. Thai chết lưu thường xảy ra trong 3 tháng đầu giai đoạn mang thai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu. Theo nghiên cứu: Có hơn 50% trường hợp sẩy thai trong tam cá nguyệt thứ nhất là do bất thường nhiễm sắc thể. Khoảng 20% phụ nữ sẩy thai liên tiếp sẽ được chẩn đoán nguyên nhân miễn dịch mà phổ biến nhất là Hội chứng antiphospholipid (APS). Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác như mẹ mắc 1 số bệnh lý mạn tính, tim mạch, tiểu đường, bệnh về máu, bất đồng nhóm máu mẹ con (mẹ có Rh âm) cũng là 1 trong nhiều nguyên nhân kể trên. Lần thai lưu này của bạn có thể là do bất đồng nhóm máu mẹ con nhưng cũng có thể là do những nguyên nhân khác. Việc quan trọng của bạn là để chuẩn bị cho lần mang thai sau thì 2 vợ chồng bạn nên đi làm thêm 1 số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm rối loạn nhiễm sắc thể để phát hiện những bất thường về di truyền ở hai vợ chồng.
- Xét nghiệm hội chứng antiphospholipid (một trong những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu).
- Siêu âm ổ bụng để kiểm tra các bộ phận trong cơ quan sinh sản có dị dạng hay bất thường gì không.
- Khám nội khoa và các chức năng của tim, gan, thận, phổi,..
- Xét nghiệm nội tiết tố…
Bạn có nhóm máu Rh âm và đã được tiêm 1 mũi Anti D immunoglobulin trước khi làm thủ thuật gây sảy thai để trung hòa kháng thể kháng Rh có trong máu của bạn. Vì vậy, lần có thai sau bạn cần làm thêm xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong ba tháng đầu của thai kỳ, trong tuần thứ 28 của thai kỳ và khi sinh. Xét nghiệm sàng lọc kháng thể được sử dụng để phát hiện kháng thể chống lại máu Rh(+). Nếu bạn chưa bắt đầu sản xuất kháng thể Rh thì bạn sẽ cần tiêm Anti D immunoglobulin. Globulin miễn dịch ngăn cơ thể sản phụ sản xuất kháng thể Rh trong thai kỳ giúp bảo vệ thai kỳ tránh gây hiện ra hiện tượng tan huyết cho thai. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng về việc mình mang nhóm máu Rh âm nhé. Trong giai đoạn chuẩn bị mang thai sau thai lưu, hai vợ chồng cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ các nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bạn nên ăn nhiều rau và trái cây sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng cần hấp thụ cho cơ thể khoảng 400 mcg acid folic để quá trình mang thai lần tiếp theo an toàn hơn. Luyện tập thể dục hàng ngày, uống nước sinh tố hay tham gia những trò chơi lành mạnh để đảm bảo một sức khỏe lý tưởng. Luôn giữ vững một tinh thần vui vẻ, thoải mái dù cho bạn vừa phải chịu đựng một cú sốc. Bởi khi bạn bị stress, mệt mỏi sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai sau này bạn nhé!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng!
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng