Vụ nhập khẩu loa Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam: Ai là chủ đích thực của lô hàng này?

vu nhap khau loa trung quoc gia xuat xu viet nam ai la chu dich thuc cua lo hang nay Lô loa kéo Trung Quốc mang nhãn mác Việt Nam. Ảnh: T.H

Hàng Trung Quốc, gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam!

Tháng 9/2018, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra, bắt giữ lô hàng này tại cảng Cát Lái.

Lô hàng do Công ty TNHH XNK Trần Vượng mở tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu mặt hàng loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh 35, không nhãn hiệu; hàng mới 100%. Lô hàng gồm 601 chiếc, xuất xứ Trung Quốc, trị giá theo khai báo hơn 10.000 USD.

Thực tế kiểm tra lô hàng, cơ quan Hải quan phát hiện, lô hàng 600 chiếc loa thùng được đóng gói mỗi chiếc một hộp. Điều đáng nói, lô hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp cũng khai hàng có xuất xứ China, nhưng trên toàn bộ sản phẩm đều thể hiện hàng có xuất xứ Việt Nam (Made in Viet Nam).

Cụ thể, trên thùng đựng hàng hóa “Loa NANOMAX; Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở: 83/5 Thoại Ngọc Hầu – P.Hòa Thạnh – Q.Tân Phú – TP.Hồ Chí Minh; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số: VN4-0082480; Made in Viet Nam”.

Theo lời khai của ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Trần Vượng (gọi tắt là Công ty Trần Vượng), lô hàng loa kéo nêu trên được Công ty Trần Vượng nhập khẩu ủy thác cho Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng (gọi tắt là Công ty Sơn Tùng) theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Việc đặt hàng và in ấn nội dung trên bao bì loa kéo do Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng đề nghị. Như vậy, có thể hiểu nội dung ghi trên sản phẩm nhập khẩu, cụ thể là thùng carton đựng loa và micro ghi tiếng Việt Nam: “Loa NANOMAX; Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở: 83/5 Thoại Ngọc Hầu – P.Hòa Thạnh – Q.Tân Phú – TP.Hồ Chí Minh; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số: VN4-0082480; Made in Vietnam” là do chính Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng đề nghị, đặt hàng?

Giải thích về việc ghi nhãn nêu trên, Giám đốc Công ty Trần Vượng cho rằng, đã biết về các nội dung in ấn này trước khi nhập khẩu, nhưng hiểu lầm đó là nhãn phụ ghi trên sản phẩm (!?).

Bất nhất lời khai!

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, một cán bộ Đội 3 tham gia điều tra vụ việc cho biết, qua lời khai của 2 giám đốc doanh nghiệp, cũng như hồ sơ cung cấp cho cơ quan Hải quan cho thấy có nhiều mâu thuẫn, bất nhất. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Hải quan cho thấy, có dấu hiệu câu kết làm hàng giả nhãn hiệu Việt Nam từ nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty Sơn Tùng cho rằng, công ty này đặt mua lô hàng loa di động của Công ty Trần Vượng và đề nghị Công ty Trần Vượng dán nhãn hiệu NANOMAX theo mẫu. Nhưng do Công ty Trần Vượng đã không hiểu hoặc nhầm lẫn nên đặt in trên bao bì chữ “Made in Vietnam” ngay từ Trung Quốc thay vì chữ “Made in China”!

vu nhap khau loa trung quoc gia xuat xu viet nam ai la chu dich thuc cua lo hang nay

Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm ghi rõ hàng Việt Nam (Made in Vietnam). ảnh: T.H

Khẳng định lô hàng trên nhập khẩu ủy thác cho Công ty Sơn Tùng, đại diện Công ty Trần Vượng cung cấp cho cơ quan Hải quan bản sao y Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty Trần Vượng; Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty Sơn Tùng; Hợp đồng ủy thác XNK do Công ty Sơn Tùng ủy thác (bản chính) và bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82480 do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ cấp đối với mặt hàng loa NANOMAX.

Về phía Công ty Sơn Tùng, giám đốc công ty này cũng khẳng định ký Hợp đồng ủy thác cho Công ty Trần Vượng nhập khẩu lô hàng loa thuộc tờ khai hải quan số 102111205230/A11 ngày 12/7/2018 nêu trên. Nhưng nêu lý do khi nhập khẩu lô hàng này, Công ty Trần Vượng thiếu các giấy tờ liên quan để bổ sung hồ sơ hải quan. Vì vậy, ông Tùng đề nghị Công ty Sơn Tùng ký Hợp đồng ủy thác nêu trên. Và Công ty Sơn Tùng đã đồng ý ký hợp đồng này để bổ sung hồ sơ cho lô hàng nhập khẩu của Công ty Trần Vượng!

Tuy nhiên, vài ngày sau ông Tùng xin rút lại hợp đồng ủy thác đã cung cấp cho Đội 3 với lý do: Công ty Trần Vượng nhập lô hàng thuộc tờ khai số 102111205230/A11 ngày 12/7/2018 với mục đích nhập kinh doanh loa chưa thành phẩm và dự kiến bán lại cho Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng nhưng do cung cấp nhầm Hợp đồng ủy thác trước đó ký với Công ty Sơn Tùng. “Thực sự đây là lô hàng Công ty Trần Vượng nhập kinh doanh, không phải nhập ủy thác”- ông Tùng khẳng định.

Ông Tùng còn đưa ra lý do lô hàng loa kéo nêu trên do phía doanh nghiệp Trung Quốc gửi nhầm, bên bán hàng đã có thư gửi cho doanh nghiệp thông báo việc gửi nhầm hàng và đề nghị nhận lại lô hàng đã gửi nhầm nêu trên!

Như vậy, ai là chủ đích thực của số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu giả nhãn mác Việt Nam này sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.

Alternate Text Gọi ngay