Xây dựng Hoà Bình lỗ kỷ lục hơn 1.100 tỷ đồng
Kết quả tiêu cực của quý 4 đã kéo lợi nhuận của Hoà Bình trong năm 2022 âm hơn 1.100 tỷ đồng, đánh dấu năm thua lỗ đầu tiên của tập đoàn này kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2003.
Sau thời gian xin gia hạn và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) 2 lần nhắc nhở, ngày 10/2, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022.
Trong quý 4/2022, Hoà Bình đạt doanh thu 3.218 tỷ đồng, giảm 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn lên tới 3.644 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 426 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
Phần doanh thu tài chính cũng âm 113 tỷ đồng, so với cùng kỳ mang về 24 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 164 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 496 tỷ đồng, so với cùng kỳ 150 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty phải hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này chỉ chiếm 23 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2021 lãi 19 tỷ đồng. Kết quả tiêu cực này đã phá sạch thành quả kinh doanh của Hoà Bình trong 3 quý đầu năm, khiến lợi nhuận cả năm 2022 âm 1.140 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 có lãi 97 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên, HBC ghi nhận thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2003.
Tính cả năm 2022, doanh thu của HBC đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Doanh thu tài chính đạt 158 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính lên tới 521 tỷ đồng, tăng 72%, chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí quản lý cũng tăng hơn gấp đôi lên 940 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Xây dựng Hoà Bình tại thời điểm cuối năm 2022, đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền mặt và các khoản tiền gửi giảm từ gần 800 tỷ đồng xuống còn hơn 500 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 11.500 tỷ đồng lên 12.100 tỷ đồng. Công ty phải dự phòng khoản phải thu ngắn khó đòi 774 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các khoản phải thu dài hạn cũng tăng từ 83 tỷ đồng lên 102 tỷ đồng.
Công ty có 2.365 tỷ đồng hàng tồn kho, không có nhiều thay đổi so với đầu năm 2022 và đang phải dự phòng hơn 30 tỷ đồng cho khoản này. Trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ (1.562 tỷ đồng), nguyên vật liệu xây dựng (551 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 14.282 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (từ 3.649 tỷ đồng lên 4.738 tỷ đồng), vay nợ ngắn hạn (từ 4.699 tỷ đồng lên 5.100 tỷ đồng), vay nợ dài hạn (từ 398 tỷ đồng lên 1.030 tỷ đồng).
Như vậy, tổng cộng Hoà Bình đang vay nợ hơn 6.100 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu là từ các ngân hàng, còn có hơn 960 tỷ đồng trái phiếu có thời gian đáo hạn vào 2025, 2026.