A&B Group và cuộc chơi địa ốc kín tiếng của đại gia Hà Văn An

A&B Group và cuộc chơi địa ốc kín tiếng của đại gia Hà Văn An

Khởi sự từ lĩnh vực thiết kế nội thất, nhưng bất động sản mới là mảng kinh doanh chính và gắn liền với tên tuổi đại gia Hà Văn An. Hiện tại, A&B Group của ông đang nắm trong tay một số dự án như: Tòa nhà AB Tower, A&B Central Square, Khu du lịch Sinh Thái Gia Hân, Nam Nghi Phú Quốc Island.

Khởi sự từ lĩnh vực thiết kế nội thất, nhưng bất động sản mới là mảng kinh doanh chính và gắn liền với tên tuổi đại gia Hà Văn An. Hiện tại, A&B Group của ông đang nắm trong tay một số dự án như: Tòa nhà AB Tower, A&B Central Square, Khu du lịch Sinh Thái Gia Hân, Nam Nghi Phú Quốc Island.

100603666_253547265923465_1500714736327589888_n

Tòa nhà AB Tower – một trong những dự án gây tiếng vang của A&B Group (Ảnh: Lý Tuấn)

Với mặt tiền nằm trên đường Lê Lai, một trong những con đường đắc địa nhất tại quận 1 TPHCM, tòa nhà AB Tower không khỏi khiến giới đầu tư chú ý. Dù vậy, ít ai biết tòa nhà bề thế này thuộc sở hữu của A&B Group.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, A&B Group là một nhóm công ty của doanh nhân Hà Văn An (sinh năm 1960), quê gốc tại Huế. A&B Group được biết đến là nhà đầu tư bất động sản với quy mô 3 dòng sản phẩm chính là: Bất động sản thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng.

Sự hình thành và phát triển của A&B Group gắn liền với vị doanh nhân họ Hà. Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với truyền thông (tháng 12/2017), ông Hà Văn An đã thuật lại bước đường lập nghiệp của mình.

Khởi sự, trong một lần ra nước ngoài, những ấn tượng về nội thất gỗ và văn phòng tại nước bạn đã khiến ông quyết định tìm hiểu sâu về lĩnh vực này.

Từ đó đến năm 1999, trong thời kỳ mở cửa kinh tế thị trường, tận dụng dòng vốn FDI đầu tư từ nước ngoài, A&B Group đã tìm kiếm sự liên kết, hợp tác với các tập đoàn nước ngoài (đặc biệt là Nhật Bản), khi có được những hợp đồng trang trí nội thất văn phòng. Dù vậy, bất động sản mới là mảng kinh doanh gắn liền với sự nghiệp của ông.

Trước khi gây tiếng vang với tòa nhà AB Tower (2010), A&B Group đã lấn sân sang mảng du lịch nghỉ dưỡng từ năm 2003 với dự án Resort Anatara Mũi Né (dự án “sinh sau, đẻ muộn” của A&B Group, sẽ được Nhadautu.vn đề cập chi tiết trong phần sau bài viết).

Đến tháng 9/2005, ông An cùng đối tác người Nhật là ông Saeki Yoshio lập CTCP Phát triển A&B (A&B Development Corp) chuyên về bất động sản. Ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, có địa chỉ trụ sở ngay tại Tháp AB Tower.

nhadautu - ong Ha Van An AB Group

Ông Hà Văn An – hạt nhân quan trọng của hệ sinh thái A&B Group (Ảnh: Internet)

Cập nhật đến ngày 6/5/2019, A&B Development Corp có quy mô vốn điều lệ 23,375 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nước ngoài chiếm tới 70% (nhiều khả năng là dòng vốn từ Nhật Bản). Ông Hà Văn An đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, trong khi vị trí Chủ tịch HĐQT A&B Development Corp do doanh nhân quốc tịch Nhật Bản là Takehara Kiyoshi (SN 1964) nắm giữ.

Đáng chú ý, quá trình mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, hợp tác góp vốn lập doanh nghiệp của ông Hà Văn An còn có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước.

Hợp tác với CTCP MTP thực hiện dự án A&B Central Square

A&B Central Square là dự án đầu tiên trong dòng sản phẩm bất động sản phức hợp được A&B Group phát triển. Tọa lạc tại số 44 Trần Phú, với quy mô 9.000 m2, A&B Central Square được đánh giá có vị thế đẹp với hướng nhìn trực diện ra Tháp Trầm Hương – Biển Nha Trang.

AB-Central-Square-1

Dự án A&B Central Square (Ảnh: A&B Group)

Được biết, CTCP A&B Sài Gòn Nha Trang là chủ đầu tư dự án này. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2015, quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm: ông Hà Văn An (90%), A&B Development Corp (5%) và một nhà đầu tư cá nhân (5%).

Một dữ liệu khác cho thấy đến ngày 30/11/2017, số dư nguồn vốn chủ sở hữu của đơn vị là 370 tỷ đồng, tức bằng 20,43% tổng mức đầu tư và đáp ứng mức đầu tư dự án (đáp ứng yêu cầu của UBND tỉnh tại công văn số 7791/UBND – VP ngày 16/11/2015 về việc thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư). 

Đến tháng 12/2019, công ty này tiếp tục tăng vốn lên 590 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Tuy nhiên, một dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, việc đầu tư dự án này có sự đồng hành của đối tác địa ốc CTCP MPT – đơn vị nắm 27,3 triệu cổ phần A&B Sài Gòn Nha Trang. MPT được thành lập năm 2015 trên cơ sở hợp tác của ông Hà Văn An và thành viên của một tập đoàn lớn trong nước, còn được biết tới với vai trò là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ du lịch và văn phòng cho thuê Luna tại số 18 Trần Hưng Đạo, Nha Trang. 

Trở lại với dự án A&B Central Square, dự án này có quy mô 9.000 m2 và là một phần trong 23.479 m2 thuộc sở hữu của Cục Quản trị T.78. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 12/6/2014 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Cục Quản trị T.78, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất với diện tích 23.479 m2, để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp Nhà nước; thời hạn sử dụng đất lâu dài.

Ngày 28/1/2014, Cục Quản trị T.78 đã ký hợp đồng số 31 HĐ/CQT – T78 về việc đầu tư kinh doanh lô đất 9.000 m2 tại mặt bằng Nhà nghỉ T.78 số 44 Trần Phú, TP Nha Trang với CTCP Phát triển A&B (đến ngày 28/8/2015, CTCP A&B Sài Gòn Nha Trang thay thế CTCP Phát triển A&B để thực hiện dự án). Hợp đồng này sau đó được định giá hơn 208,2 tỷ đồng.

Đến ngày 18/12/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Công văn số 8716/UBND – XDNĐ, với nội dung: Đồng ý chủ trương cho phép chủ đầu tư được triển khai thi công phần cọc chính của dự án Khu Thương mại – Khách sạn dịch vụ A&B Saigon Tower tại số 44 Trần Phú, TP Nha Trang.

Ngày 29/2/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định Chủ trương đầu tư số 477/QĐ-UBND cho Dự án Trung tâm Thương mại – Khách sạn Dịch vụ (A&B Saigon Tower).

Ngày 23/8/2019, cơ quan chủ quản của Cục quản trị T.78 có công văn số 3883 đề nghị sắp xếp cơ sở nhà, đất này theo hình thức “giữ lại tiếp tục sử dụng” làm nhà nghỉ phục vụ cơ quan này.

Hợp tác với TD Group tại dự án Gia Hân

CTCP Gia Hân (Gia Hân), đơn vị thực hiện dự án Khu du lịch Sinh Thái Gia Hân (hay Khu nghỉ dưỡng Gia Hân, tọa lạc tại đảo Hòn Heo, vịnh Vĩnh Ninh, tỉnh Khánh Hòa), cũng có trụ sở chính tại số 44 Trần Phú, TP.Nha Trang.

Gia-Han-Eco-resort-2

Khu du lịch Sinh Thái Gia Hân (hay Khu nghỉ dưỡng Gia Hân, tọa lạc tại đảo Hòn Heo, vịnh Vĩnh Ninh, tỉnh Khánh Hòa)

Được biết, dự án Khu du lịch sinh thái Gia Hân có diện tích gần 35,7 ha, trong đó có gần 22,5ha đất liền, 13,2ha mặt nước; tổng vốn đầu tư khoảng 555 tỷ đồng. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 3 vào năm 2014 (cấp lần đầu năm 2007); đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tháng 2-2015.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Gia Hân được thành lập vào tháng 10/2007 với quy mô vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Đầu tư Thùy Dương (TD Group) góp 5 tỷ đồng (50% vốn điều lệ), ông Hà Văn An (30%); Số cổ phần còn lại do các cổ đông cá nhân nắm giữ là: ông Lê Minh Dũng (10%), ông Dương Công Đích (5%), ông Nguyễn Tri Quảng (4,5%) và bà Đào Hoàng Hương (0,5%).

Như Nhadautu.vn đã đề cập, TD Group là nhà phát triển bất động sản giàu tham vọng. Vào tháng 5/2020 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã có kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra những sai phạm tại lô đất B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 thuộc dự án Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của CTCP Đầu tư Thùy Dương..

Trở lại với doanh nghiệp phát triển dự án Khu du lịch sinh thái Gia Hân, ông Hà Văn An vào tháng 3/2014 đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần từ TD Group, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 80%, đồng nghĩa A&B Group chính thức M&A thành công Khu du lịch sinh thái Gia Hân.

Những tưởng sau khi đổi chủ, dự án sẽ đổi vận, nhưng thực tế cho thấy dự án vẫn rơi vào tình trạng bế tắc.

Dù đã được cấp giấy phép xây dựng từ tháng 4/2017 (tức phải hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 10/2018), nhưng đến tháng 9/2018, dự án mới chỉ xây dựng phần thô 25 căn biệt thự, giá trị khối lượng thực hiện được chỉ đạt hơn 37 tỷ đồng (bằng 18,7% so với vốn đầu tư giai đoạn 1; bằng 6,6% so với tổng vốn dự án).

Được biết, trước đó Gia Hân đã 2 lần bị phạt hành chính do chậm tiến độ dự án (lần 1 phạt 30 triệu đồng ngày 20/7/2017; lần 2 phạt 35 triệu đồng ngày 19/3/2018).

Ngày 31/3/2019, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Gia Hân phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 dự án Khu du lịch sinh thái Gia Hân (thuộc địa bàn 2 xã Ninh Phú và Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) trước ngày 30/4. Giai đoạn 1 bao gồm 89 căn biệt thự và một số hạng mục như: Nhà hàng, nhà đón tiếp, trạm điện, trạm xử lý nước thải…

Cũng trong khoảng tháng 3/2019, Gia Hân có văn bản gửi HĐND tỉnh và một số cơ quan liên quan báo cáo vướng mắc và tình hình thực hiện dự án. Theo yêu cầu của đơn vị quản lý (Tập đoàn Accord), dự án phải tăng số lượng phòng khách sạn, điều chỉnh thiết kế quy hoạch lại mặt bằng. Vì vậy, công ty đề nghị được bổ sung khối khách sạn ở giai đoạn 1, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở tại trị trí xây dựng bungalow, villa…

Tuy nhiên, các đề nghị này đã bị Sở Xây dựng bác bỏ vì không phù hợp quy hoạch phân khu cũng như các quy định pháp luật.

Khách sạn nghỉ dưỡng Móng Tay

Dự án “Khu khách sạn nghỉ dưỡng Móng Tay” tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (tên gọi thương mại mới là Nam Nghi Phú Quốc Island) do Công ty TNHH A B Phú Quốc (A B Phú Quốc) làm chủ đầu tư.

Nam-Nghi-birdeye-view

Dự án Nam Nghi Phú Quốc Island (Ảnh: A&B Group)

A B Phú Quốc được thành lập ngày 29/4/2014, có quy mô vốn 220 tỷ đồng, trong đó ông Hà Văn An  nắm 95%.

Theo như truyền thông đưa tin, thành viên của A&B Group vào khoảng năm 2015 đã dính phải lùm xùm tại dự án khi Công ty TNHH Toàn Thịnh Phát (TTP) đã phát đơn gửi đến nhiều cấp, nhiều ngành ở tỉnh Kiên Giang đề nghị xem xét, kiểm tra tính pháp lý đối với công trình xây dựng của AB Phú Quốc tại Mũi Móng Tay thuộc xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Báo cáo tại Công văn 748/BTL-HC ngày 9/3/2017 của BTL BĐBP cho hay, Bộ Quốc Phòng năm 2007 đã có Quyết định 140/QĐ-BQP, phê duyệt dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” với tổng diện tích 4,4 ha tại mũi Móng Tay, giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Kiên Giang làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2009, giao BTL BĐBP thực hiện chức năng quản lý trực tiếp của chủ đầu tư.

Ngày 21/3/2008, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang ký với TTP một biên bản ghi nhớ về định hướng hợp tác phát triển dự án. Ngày 19/11/2010, BTL BĐBP phê duyệt phương án và đồng ý chủ trương cho Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang chọn đối tác để triển khai dự án với diện tích 6,8 ha (đất quốc phòng và đất địa phương). Với điều kiện đất quốc phòng phải được Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất theo Thông tư 35/TT-BQP và đất địa phương phải được tỉnh Kiên Giang giao quyền sử dụng. Đến giữa năm 2013, dù nhiều lần xin gia hạn nhưng sau gần 5 năm TTP vẫn chưa hoàn thành 2 điều kiện nói trên để triển khai dự án.

Ngoài ra, việc TTP ký với Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư và khai thác kinh doanh dự án (tức hợp đồng số 01/11/HĐNT-TTPPQ ngày 11/10.2011), khi chủ đầu tư chưa được tỉnh Kiên Giang giao đất, đồng thời ứng cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang 2 tỷ đồng để thực hiện bồi hoàn là không đúng quy định.

Đến ngày 8/7/2013, Bộ Quốc phòng đã có công văn số 5080/BQP-TM đồng ý cho BTL BĐBP hợp tác với doanh nghiệp để tận dụng năng lực dôi dư về cơ sở vật chất của dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” để khai thác kinh tế khi nhàn rỗi.

Quá trình thông báo, tìm kiếm có 5 đơn vị xin tham gia dự án, bao gồm TTP và Công ty TNHH Đầu Tư A&B. Kết quả sau cùng, thành viên của A&B Group đáp ứng đủ các điều kiện và đã ký hợp đồng hợp tác số 2853/HĐ-2013 vào ngày 21/10/2013 với BTL BĐBP nhằm hợp tác đầu tư phát triển dự án.

Tới ngày 24/3 và 3/4/2015, BTL BĐBP tiếp tục ký các phụ lục sửa đổi bổ sung hợp đồng hợp tác đầu tư nêu trên với Công ty TNHH Đầu Tư A&B và A B Phú Quốc.

Được biết, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà A B Phú Quốc thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng Móng Tay (Nam Nghi Phú Quốc Island) theo các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký với BTL BĐBP có trị giá hơn 360 tỷ đồng.

Và hợp tác với một số doanh nghiệp khác

Ngoài các dự án nêu trên, A&B Group còn hợp tác với một số doanh nghiệp khác.

Trước hết, ông Hà Văn An vào ngày 30/11/2017 đã góp 60% vốn thành lập CTCP AB Salute Hà Nội (trụ sở chính tại số 47 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Ngành nghề kinh doanh chính là: Dịch vụ tư vấn đầu tư (không bao gồm các dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn kế toán, tư vấn thuế, tư vấn chứng khoán). Vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Ngoài ông An, AB Salute Hà Nội còn bao gồm các cổ đông khác là: CTCP Salute (16%), CTCP Đầu tư AB Đăng Nghi Holding (14%) và một nhà đầu tư cá nhân (10%).

Trong khi A&B Đăng Nghi Holding thực chất là một công ty thuộc sở hữu của ông Hà Văn An (ông An làm Chủ tịch HĐQT và nắm 98% vốn), thì CTCP Salute (sau đổi tên thành CTCP AB&S) lại thuộc về một doanh nhân kín tiếng, đó là ông Võ Văn Hồng (sinh năm 1956).

Theo tìm hiểu, CTCP AB&S cũng có trụ sở tại số 47 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại AB&S, ông Hồng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và cổ đông lớn nhất (nắm 85%).

Được biệt, trụ sở của AB&S cũng là trụ sở chính của một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn Không gian số. Tổng giám đốc/Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Khoa.

Ngoài ra, dữ liệu Nhadautu.vn  cho thấy, ông Hồng cũng đang là cổ đông lớn nắm 66,161% vốn tại CTCP Bến Thành Moscow, đóng trụ sở tại số 58 Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tại Bến Thành Moscow, ngoài ông Hồng, còn có 3 cổ đông khác là Trần Thị Bích Lan (26,324%), Võ Linh Giang (2,22%) và Võ Việt Nga (2,22%).

Bên cạnh CTCP AB Salute Hà Nội, ông Hà Văn An cũng góp 45% vốn thành lập CTCP Đầu tư và Thương mại AB – Châu Mỹ (tháng 10/2017). Các cổ đông còn lại gồm: Công ty TNHH Thương mại & Bất động sản Châu Mỹ (50%) và Hà Đăng (5%).

Công ty TNHH Thương mại & Bất động sản Châu Mỹ thành lập vào tháng 11/2014, trụ sở chính tại 56 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Cơ cấu cổ đông gồm: Phan Thị Khánh (40%) và Phạm Quang Hàng (60%). Tính đến tháng 6/2019, công ty tăng vốn lên 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông giữ nguyên. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, hai cổ đông này nắm trong tay một loạt doanh nghiệp có trụ sở tại quận 1, TP.HCM và Phú Quốc.

Alternate Text Gọi ngay