Bà Bùi Thị Thanh Hương làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc dân
Trước khi gia nhập NCB, bà Bùi Thị Thanh Hương là Tổng Giám đốc Sun Group và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các ngân hàng như TPBank, SeABank.
Chiều nay (29/7), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB – Mã: NVB) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị.
Hai gương mặt mới được bầu vào HĐQT của NCB là bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Như vậy, Hội đồng quản trị NCB có 5 thành viên gồm: ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Phạm Thế Hiệp, ông Kido Tamaki, bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền.
Bà Bùi Thị Thanh Hương được bầu làm Chủ tịch HĐQT NCB. (Ảnh: NCB).
HĐQT của ngân hàng đã họp và bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
Trước khi gia nhập NCB, bà Bùi Thị Thanh Hương là Tổng Giám đốc Sun Group và từng nắm giữ các vị trí quản lý trong lĩnh vực quản trị chiến lược tại các tổ chức tài chính ngân hàng lớn như: Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính – chiến lược TPBank; Phó Giám đốc phụ trách khối tài chính/kế toán trưởng SeABank.
Bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân năm 2001, nhận chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập năm 2005 (CPA – Bộ Tài chính), tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi ngành Quản trị kinh doanh tại Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) năm 2012 và được cấp chứng chỉ Kế toán viên công chứng Úc năm 2014 (CPA Úc).
Bà Hương đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kiểm toán – tài chính ngân hàng – quản lý điều hành doanh nghiệp.
Việc bầu tân chủ tịch HĐQT cũng như đổi mới công tác quản trị điều hành được NCB đánh giá là bước đi cần thiết và quan trọng trong bối cảnh ngân hàng đang trong lộ trình tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu NCB đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, cần nhiều nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để đảm bảo thực hiện thành công đề án tái cấu trúc.
Trước đó, NCB đã từng mở rộng cửa hợp tác để tìm kiếm đối tác chiến lược ngoại trong nhiều năm nhưng đều chưa có kết quả. Năm 2019, ngân hàng gặp gỡ với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore về việc mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ tuy nhiên thương vụ lại “chìm xuống” khi không có thêm thông báo mới nào sau đó.
Hơn 220 triệu cổ phiếu NVB đã được “sang tay” trong tháng 7
Trong một diễn biến có liên quan, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân đã có biến động mạnh trong thời gian qua. Kể từ đầu năm thị giá cổ phiếu đã tăng tới 91%, riêng trong phiên hôm nay, cổ phiếu NVB đã tăng kịch trần lên 20.900 đồng/cp với khối lượng giao dịch đột biến, khớp lênh hơn 12,7 triệu đơn vị.
Diễn biến cổ phiếu NVB kể từ đầu năm (Nguồn: TradingView).
Trong tháng 7, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã gây chú ý trên thị trường khi xuất hiện nhiều phiên giao dịch thỏa thuận đột biến.
Ghi nhận từ đầu tháng 7 tới nay, có tổng cộng gần 223 triệu cổ phiếu NVB được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương hơn 54% số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.
Trong đó, có hơn 117 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức thỏa thuận, chiếm 49% thanh khoản cả tháng, tương đương với giá trị lên tới hơn 2.329 tỷ đồng. Các giao dịch thỏa thuận tập trung từ ngày 7/7 đến ngày 15/7.
Cụ thể, trong phiên 7/7 và phiên 8/7, gần 62 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức thỏa thuận, tương đương với hơn 15% số lượng cổ phiếu NVB được lưu hành trên thị trường.
Tiếp tục đến ngày 15/7, hơn 25 triệu cổ phiếu được thỏa thuận, chiếm hơn 96% tổng khối lượng giao dịch cả phiên hôm đó. Gần đây nhất, vào ngày 23/7, gần 13 triệu cổ phiếu tiếp tục được giao dịch. Toàn bộ giao dịch trên được trao tay quanh mức giá 20.000 đồng/cp.
Ai đang sở hữu Ngân hàng Quốc dân?
Theo công bố từ Ngân hàng Quốc dân, nhà băng này hiện có 681 cổ đông với tổng số cổ phần là hơn 410 triệu, tương đương với số vốn điều lệ là 4.101 tỷ đồng.
Trong đó, có 650 cổ đông cá nhân trong nước và nước ngoài, ứng với xấp xỉ 80% vốn điều lệ; gần 20% còn lại được sở hữu bởi 24 pháp nhân trong nước (15,52%) và 6 pháp nhân nước ngoài (4,47%).
(Nguồn: NCB).
Vào tháng 11 năm ngoái, ông Nguyễn Trần Trung Sơn, con trai ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT NCB, đã mua vào 7,13 triệu cổ phiếu NVB, nâng số lượng cổ phần sở hữu tại ngân hàng lên gần 16,3 triệu đơn vị, tương đương khoảng 4% vốn điều lệ.
Trong khi đó, Chủ tịch NCB cùng vợ là bà Trần Hải Anh, Ủy viên HĐQT, sở hữu lần lượt là 6,5 triệu cổ phần (1,6%) và hơn 20 triệu cổ phần (4,96%), tính đến cuối năm 2020.
Như vậy, riêng nhóm Chủ tịch và người nhà tổng cộng sở hữu gần 43 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 10,5%.
Trong khi đó, giữa tháng 12/2020, CTCP Năng lượng Sài Gòn – Bình Định cho biết bán ra hơn 18 triệu cổ phiếu NVB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 2,86%, không còn là cổ đông lớn của ngân hàng từ ngày 23/12.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Quốc Dân tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên hơn 5.600 tỷ đồng. Với số vốn được tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng 50 tỷ để thay đổi và xây dựng hình ảnh hương hiệu, 150 tỷ để đầu tư phát triển hạng mục Digital Banking, khoảng 300 tỷ tăng vốn bổ sung cho công ty AMC, và 1.000 tỷ còn lại để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 6 năm và giá phát hành bằng mệnh giá, tương đương quy mô 3.000 tỷ đồng.