Ban nhạc “độc, lạ” ở Thái Nguyên
Dù có tên là “Thái Nguyên friendship band” (ban nhạc Tình bạn Thái Nguyên – TNF), nhưng tôi cứ thích gọi tên của band là: “Độc, lạ” Thái Nguyên.
Thái Nguyên friendship band luyện tập trước khi biểu diễn.
40 năm tình yêu với âm nhạc
Vào các ngày thứ Năm và thứ Bẩy hằng tuần, từ căn nhà số 44, tổ 6, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), lại vang lên tiếng đàn, tiếng hát. Các thành viên của band mải mê tập luyện, có hôm trời đã tối sẫm mới lưu luyến rời cây đàn, ai về nhà nấy.
Tôi đoán chắc đây là band nhạc “già” nhất tỉnh Thái Nguyên cho đến thời điểm này. Ba tay đàn nòng cốt là ông Nguyễn Thế Điền (guitar solo); Nguyễn Quang (trống) và Đào Mạnh Hải (guitar bass) có tuổi đời trung bình 64. Họ đều là những hạt nhân văn nghệ, nhân vật “khuấy động” đời sống tinh thần của người thành phố Thái Nguyên một thời.
Tôi xin dành nói nhiều hơn về ba người đàn ông làm nên thế “chân kiềng”, gây dựng band. Họ gặp nhau ở ngôi nhà “Đội nghệ thuật quần chúng Công ty Gang thép Thái Nguyên 29-11” gần 40 năm trước, khi đó họ đều rất trẻ và tràn đầy hoài bão. Được chọn lọc từ các đội văn nghệ nhà máy, xí nghiệp của Công ty Gang thép Thái Nguyên; được đào tạo nhạc lý ngắn hạn và chăm chỉ tự học, họ “làm mưa làm gió” sân khấu Nhà Văn hóa công nhân Gang thép và nhiều chương trình nghệ thuật của tỉnh. Hát hay, sử dụng nhiều loại nhạc cụ, lại điển trai, tươi tắn, họ xuất hiện nơi nào là nơi ấy rộn ràng, sang trọng. Thời vàng son của Công ty Gang thép Thái Nguyên gắn với thời vàng son của họ. Dáng các tài tử ôm đàn đứng choãi chân trên sân khấu như biểu tượng đủ đầy, sung túc của người gang thép.
Một thời đã trẻ
Trong căn nhà số 44, ông Điền, ông Quang, ông Hải trò chuyện với tôi cũng là dịp nhìn lại quãng đời đã qua của mình. Khoảng năm 1998, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty Gang thép bước vào giai đoạn mất cân đối tài chính, nhịp độ sản xuất giảm, công nhân thu nhập thấp. Các tay đàn cũng không trụ được với nghề, xin về “hưu chờ”. Người làm dịch vụ điện nước, người cùng vợ chăm con, người buôn bán nhì nhằng kiếm sống, người học nghề bấm huyệt chữa bệnh. Ấy nhưng máu “đàn ca” vẫn sôi sục chảy trong huyết quản.
Ông Điền mở quán ăn, quán cà phê, không quên đầu tư cho mình một Studio chất đầy nhạc cụ. Không còn band thì ông khoác cây đàn gỗ, một mình làm nghệ sĩ lang thang. Có người nghe là ông đàn, ông hát, cho thỏa nỗi thèm, nỗi nhớ chứ không để kiếm tiền. Nhưng ông bảo: Càng có tuổi càng thấy mình lạc lõng, muốn có anh, có em.
Thức thời hơn, ông Đào Mạnh Hải mở Cà phê Sơn ca quán. Mô hình “hát cho nhau nghe” với một ban nhạc sống (trong đó ông Hải chơi guitar bass) lập tức thu hút sự chú ý của thanh niên thành phố. Vào các buổi tối, sân Khách sạn Thái Nguyên (nơi ông Hải thuê mở quán) đông nghịt. Họ uống cà phê, cắn hạt hướng dương, trò chuyện và nghe hát. Ai có nhu cầu làm ca sĩ, cũng được ban nhạc đệm đàn. Hoạt động của Sơn ca Quán khiến thành phố Thái Nguyên về đêm bớt “âm u” và cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho ông Hải.
Các quán: Hương Ngàn (vườn hoa Sông Cầu), Quê hương (sân Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam), Hoàng Hôn, Trung Nguyên cũng theo đó mà mở cà phê ca nhạc khiến đời sống văn hóa của người dân thành phố Thái Nguyên trở nên sôi động. Năm 2000, ông Hải buông đàn mở sàn khiêu vũ, là một trong những người “kích động” phong trào khiêu vũ ở Thái Nguyên. Và hiện nay, ông vẫn đang quản lý một sàn khiêu vũ mang tên Sơn ca.
Ông Quang hiền hậu kể: Tôi làm ở Nhà máy Cán Gia Sàng từ năm 1974 và hát trong Đội nghệ thuật quần chúng Công ty Gang thép Thái Nguyên 29-11. Sau đó tôi đi bộ đội, được quân đội cho học thanh nhạc, trở thành ca sĩ. Ra quân trở lại Công ty Gang thép, tôi học đánh trống, thành tay trống. Rời Gang thép, tôi tham gia chơi nhạc cho Sơn ca quán của ông Hải, chơi nhạc nhảy ở sàn khiêu vũ…
Một buổi biểu diễn của Thái Nguyên friendship band.
Hạnh phúc là được sống với đam mê
Dù xô dạt ở nhiều góc đời, nhưng “chất” nghệ sĩ vẫn sống khỏe trong mỗi người. Năm 2022, band nhạc “Thái Nguyên friendship band” ra đời do ông Nguyễn Quang làm Đội trưởng, ông Thế Điền làm Đội phó phụ trách chuyên môn. Mục đích của band là: Thỏa đam mê bản thân và truyền đi thông điệp: Dù ở tuổi nào, con người vẫn có thể tìm thấy và lan tỏa niềm vui cho xã hội.
Quan điểm của band là số thành viên (chính thức và cộng tác viên) không quá 25 người, nhạc cụ phải “xịn” và biểu diễn phải hay. Thế nên, mọi người đều cố gắng sắm nhạc cụ hiện đại nhất có thể.
Đến nay, band có thêm 3 nghệ sĩ chơi đàn chuyên nghiệp là Thanh Lịch, Mạnh Hà, Đình Quyền. Các ca sĩ Thanh Loan, Ngọc Phượng, Đàm Ngọc, Trần Thủy đều là những giọng hát được nhiều người Thái Nguyên biết tiếng.
Tâm sự với tôi, Quyền cho biết: Em được đào tạo chơi guitar, công tác tại Đoàn Ca múa của tỉnh. Cuộc sống khó khăn nên vào TP. Hồ Chí Minh dạy nhạc. Quay về Thái Nguyên thì được các anh band nhạc “thu phục”. Dù ít tuổi hơn nhưng em chưa lúc nào thấy các anh chơi nhạc “già” hơn mình, chương trình của các anh cũng rất trẻ.
Xác định mang âm nhạc phục vụ công chúng, bên cạnh một số tiết mục truyền thống, band còn đưa vào danh sách biểu diễn một số bài hát nước ngoài, nhạc trẻ và khiêu vũ quốc tế.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, band nhạc đã nhận được lời mời biểu diễn ở những chương trình long trọng: Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; các ngày kỷ niệm của đoàn thể trong thành phố. Band cũng thường xuyên giao lưu với các câu lạc bộ, các band nhạc khác trong và ngoài tỉnh.
Bạn Nguyễn Vũ (giám đốc ATV media) sau lần giao lưu với band nhạc đã thốt lên: Đến đây cháu mới hiểu và thấy những gì mình đang làm là quá bé nhỏ. Cảm ơn các chú đã cho cháu mở rộng thêm tầm mắt để hiểu hơn về nghệ thuật quần chúng. Không biết sau này chúng cháu bằng tuổi các chú bây giờ còn giữ được ngọn lửa đam mê như thế nữa không…
Chia tay band nhạc, tôi nhớ câu nói của ông Nguyễn Thế Điền: Chúng tôi có đam mê, có kỹ năng, đặc biệt là đoàn kết và có ý thức nghệ thuật. Chúng tôi xác định rõ: Muốn được xã hội công nhận thì phải tập luyện nghiêm túc và luôn tự làm mới mình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối với các trường đại học trong tỉnh để tìm kiếm cộng tác viên trẻ, tài năng; tập lại các bài hát, bản nhạc nổi tiếng một thời; tổ chức biểu diễn đường phố…
Nhìn các ông say sưa với âm nhạc, tôi không thấy sợ tuổi tác nữa. Tôi chỉ thấy khi sống với đam mê, mỗi người sẽ tạo ra sự khác biệt và lực hút của riêng mình.