Chùa Quan Âm Đà Nẵng – Ngôi chùa linh thiêng trên Ngũ Hành Sơn
Khi đi du lịch Đà Nẵng bạn có thể thấy rất nhiều ngôi chùa linh thiêng thu hút du khách phương tìm đến chiêm bái và chùa Quan Âm là một trong số đó. Chùa Quan Âm sẽ đem đến du khách một cảm giác thật thanh tịnh, nhẹ nhõm khi ghé thăm. Nếu bạn là tín đồ của du lịch tâm linh, Sơn Trà Travel nghĩ bạn nên ghé đây một lần.
Giới thiệu đôi nét về chùa Quan Âm
Giữa xô bồ của cuộc sống, bạn muốn tìm một không gian thanh tịnh, yên bình để cầu nguyện thì chùa Quan Âm Đà Nẵng là một nơi bạn nên đến.
Chùa Quan Âm nằm ở đâu?
Chùa Quan Âm có tên đầy đủ là chùa Quan Thế Âm nằm ngay dưới chân núi Kim Sơn – một trong 5 ngọn núi của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là một địa điểm du lịch Đà Nẵng nổi tiếng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7km.
Địa chỉ: 48 Sư Vạn Hạnh, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng.
Chùa Quan Âm có gì đặc biệt?
Trong khu vực quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn không chỉ có chùa Quan Âm. Thế nhưng, ngôi chùa này vẫn được nhiều người biết đến, thu hút lượng khách tìm tới tham quan, chiêm bái.
Tới thăm ngôi chùa nổi tiếng này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ uy nghiêm của chùa, tìm hiểu về những giá trị Phật giáo, tâm linh. Được vãn cảnh thiên nhiên, non nước hữu tình xung quanh, được khám phá hang động bí hiểm. Đặc biệt là nghe kể về giấc mơ ly kỳ của hòa thượng Thích Pháp Nhãn về nguồn gốc, lịch sử thành lập ngôi chùa này.
Lịch sử chùa Quan Âm Đà Nẵng
Sơn Trà Travel nghĩ khi được nghe về lịch sử xây dựng chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên.
Chuyện kể rằng: trong giấc mơ của cố Hòa thượng Thích Pháp Nhãn, cố Hòa thượng đã nhìn thấy Ngài Quán Thế Âm ứng hiện ở khu vực động linh thiêng, đồng thời cũng là pháo đài của Ngài. Theo đó, hòa thượng đã tìm thấy một ngôi thạch động tự nhiên, ở đó có tôn tượng Quan Âm.
Hòa thượng Thích Pháp Nhãn cảm thấy đây chính là sự nhiệm màu mà Phật giáo mang lại cho Ngũ Hành Sơn và cảm thấy vô cùng kính tin. Chùa Quan Âm cũng được hình thành từ đó.
Trải qua thời gian, ngôi chùa đa được trung tu khang trang hơn và cũng có nhiều hạng mục hơn như tượng đồng, hội trường, tăng xá… Bên cạnh đó là cảnh quan hùng vĩ, hữu tình xung quanh.Trở thành ngôi chùa uy nghiêm, linh thiêng như bây giờ.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Quan Âm ở Đà Nẵng
Tuy không nằm ở trung tâm thành phố nhưng cách trung tâm cũng không quá xa, đường đến đây cũng dễ dàng nên bạn có thể kết hợp địa điểm này vào hành trình của mình. Sơn Trà Travel sẽ hướng dẫn cách di chuyển chi tiết dưới đây.
Đường đi chùa Quan Âm
Đường tới chùa sẽ có 2 tuyến chính, thường được mọi người lựa chọn nhất. Tùy vào vị trí xuất phát, sở thích mà bạn cân nhắc lựa chọn đường đi phù hợp.
- Tuyến thứ nhất:
Nếu đi từ đường Nguyễn Hữu Thọ, bạn đi qua đường 30/4 – Lê Thanh Nghị. Sau đó qua cầu Trần Thị Lý, rẽ phải đi vào Nguyễn Phước Lan, tiếp tục qua đường Minh Mạng – Lê Văn Hiến – Sư Vạn Hạnh. Chạy thưởng đương này rồi nhìn bên tay trái là thấy Ngũ Hành Sơn.
- Tuyến thứ 2:
Tuyến đường này ngắn hơn, dễ đi hơn vì không có nhiều ngã rẽ. Từ cầu Rồng, bạn chạy tới ngã tư, rẽ phải qua Ngô Quyền và cứ chạy thẳng theo đường này. Nối qua đường Sư Vạn Hạnh như trên là tới.
Phương tiện di chuyển
Sau khi xác định được cung đường đi. Bạn hãy lựa chọn loại phương tiện di chuyển. Để tới chùa Quan Âm Ngũ Hành Sơn có rất nhiều cách thức khác nhau. Bạn có thể đi xe máy, ô tô, xe du lịch hoặc taxi đều được. Từ trung tâm thành phố chỉ mất chưa tới 20 phút là đến được ngôi chùa này.
Còn nếu muốn tiện lợi, có thể đi tour du lịch Hội An có kết hợp khám phá danh thắng Ngũ Hành Sơn để tham quan chùa Quan Âm dễ dàng, thú vị hơn.
>> Tham khảo: 16 địa điểm cho thuê xe máy Đà Nẵng uy tín, giá tốt nhất
Vãn cảnh chùa Quan Âm nên đi vào thời điểm nào?
Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Quán Thế Âm mở cửa quanh năm, tất cả các ngày. Chùa không thu phí hay bất cứ khoản nào, vì thế du khách có thể đến vào bất cứ thời điểm nào mình muốn.
Tuy nhiên, để có thể vãn cảnh xung quanh chùa kinh nghiệm của dulichsontra.com khuyên bạn nên đi vào mùa khô từ tháng 3 – tháng 8. Tuy mùa khô có những ngày nắng gắt nhưng xung quanh chùa được bao bọc bởi núi non nên không khí trong lành, mát mẻ. Hơn nữa, trời khô ráo nên cũng lý tưởng cho các hoạt động tham quan.
Hoặc bạn cũng có thể ghé vào dịp đầu năm (tháng 1 – tháng 3). Đặc biệt là dịp Tết, mọi người đổ về đây dâng hương, cầu nguyện cực đông. Mùa xuân thời tiết dễ chịu, ít mưa mà cũng không nắng gắt lại có nhiều sự kiện hấp dẫn.
Chùa Quan Thế Âm Đà Nẵng có gì đáng khám phá?
Mặc dù không quá nổi tiếng nhưng ngôi chùa này vẫn là một điểm rất đáng ghé thăm khi tới du lịch Đà Nẵng. Nơi này có rất nhiều điều kỳ thú đang chờ đợi bạn tới khám phá.
– Vãn cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh tịnh
Tọa lạc giữa khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình, chùa Quan Âm thừa hưởng rất nhiều cảnh đẹp, khiến du khách không khỏi thích thú. Từ vị trí ngôi chùa nhìn về phía Đông sẽ thấy biển xanh, cát trắng trải dài. Còn ở phía Tây là con sông Trường Giang uốn lượn và đồng quê yên ả.
Khuôn viên chùa rất rộng, bố trí thành khu với nhiều cây xanh. Đi sâu vào bên trong là nơi mà mọi người thường dừng chân nghỉ ngơi, vãn cảnh. Không gian yên bình, nhẹ nhàng cùng bầu không khí trong lành thực sự là nơi lý tưởng giúp bạn thả hồn thư giãn.
– Chiêm ngưỡng bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghiêm
Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên được tạc vào năm 2020. Làm từ chất liệu pha lê, có chiều cao lên tới 25m. Bức tượng này được xây dựng dựa theo giấc mơ của cố Hòa thượng Thích Pháp Nhãn. Là một trong những bức tượng có chiều cao ấn tượng và các đường nét điêu khắc tỉ mỉ nhất.
Hình ảnh Phật Bồ Tát Quan Thế Âm đã trở thành biểu tượng linh thiêng ở đây. Mỗi năm thu hút đông đảo Phật tử từ khắp các nơi tới chiêm bái, cầu nguyện và tỏ lòng thành kính của mình.
– Tham quan Pháp Hội Đường – nơi lưu giữ các hiện vật Phật giáo cổ
Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn còn là nơi trưng bày các hiện vật cổ của Phật giáo. Tại khu vực Pháp Hội Đường, nơi có bảo tàng Phật Giáo Việt Nam. Bên trong hiện đang trưng bày và lưu giữ các hiện vật, tàng thư của Phật Pháp Việt Nam.
Ngoài ra, bên trong còn có khu vực thờ cúng và hành lễ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và du khách.
– Khám phá động Quan Âm kỳ bí trong lòng ngôi chùa
Đà Nẵng có nhiều ngôi chùa nhưng hiếm có ngôi chùa nào lại có một hang động ngầm nằm ngay trong lòng chùa như chùa Quán Thế Âm. Động Quan Âm là một trong số hệ thống hang động ở danh thắng này, vừa mang nét huyền bí, vừa mang nét thanh tĩnh thôi thúc du khách tìm đến khám phá.
Đường xuống động năm ngay cạnh chùa. Bạn sẽ đi theo lối đi rộng 10m và dài khoảng 50m là tới được. Ngay khi bước vào, đảm bảo bạn sẽ ngạc nhiên khi trên trần có vô số khối thạch nhũ đầy màu sắc. Càng vào sau bạn sẽ cảm nhận được không khí mát lạnh, cực kỳ dễ chịu.
>> Xem thêm: Khám phá bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng – Top 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh
– Tìm hiểu về Phật giáo và cầu bình an, may mắn
Chùa Quan Âm nổi tiếng linh thiêng. Du khách tới đây ngoài vãn cảnh, chiêm bái các vị Phật thì còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, giáo lý của nhà Phật. Đây cũng được xem là một chốn bình an, nơi mà bạn sẽ tìm thấy cho tâm hồn những giây phút thư giãn, tịnh tâm.
Nơi này sẽ giúp xua tan đi những mệt mỏi, muộn phiền trong cuộc sống. Biết đâu được sau khi tới chùa bạn sẽ có thêm nhiều nguồn năng lượng tích cực. Đừng quên cầu một chút may mắn, bình an cho bản thân và gia đình nhé!
Lễ hội tại chùa Quan Âm có gì đặc sắc
Đến đây, du khách còn được dịp hòa mình vào không khí sôi động, nhộn nhịp của lễ hội chùa Quan Âm – sự kiện lớn nhất được tổ chức định kỳ hàng năm vào ngày 19 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960 mang đậm tín ngưỡng tôn giáo và vẫn được duy trình cho đến tận bây giờ.
Lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2021), thu hút đông đảo các tín đồ Phật tử và du khách mọi nơi đến tham dự. Mọi người tham gia cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội sẽ bao gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm những nghi thức nào?
Phần lễ sẽ có những nghi thức mang đậm tính chất Phật giáo. Tất cả được tổ chức trang trọng, gồm các nội dung chính sau:
Lễ rước ánh sáng: Tổ chức tối ngày 18/2 Âm lịch. Sẽ có hoạt động đốt ruốc, rước kiệu, múa rồng, múa lân. Mang ý nghĩa mong ước được ánh sáng trí tuệ soi sáng, dẫn đường cho mỗi người.
Lễ khai kinh: Do các sư thầy đảm nhiệm, diễn ra vào sáng ngày 19/2 Âm lịch, cầu cho đất nước thái bình, mọi người có cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Lễ trai đàn chẩn tế: Cũng diễn ra trong sáng 19/2 Âm lịch cầu siêu cho các Phật tử được an yên ở cõi vĩnh hằng.
Lễ thuyết giảng về Bồ Tát Quan Thế Âm, dân tộc: Gồm các bài ca ngợi lòng từ bi của Đức Phật.
Lễ rước tượng Quan Âm: Đúng 10h ngày 19/2 Âm lịch sẽ diễn ra hoạt động rước kiệu Phật Bà Quan Âm từ trên chùa xuống thuyền và đi vòng vòng quanh sông Cổ Cò. Để cầu nguyện cho ngư dân đi biển được thuận buồm xuôi gió.
Phần Hội có hoạt động gì?
Sau các nghi thức của phần lễ sẽ đến phần Hội. Phần Hội được tổ chức nhằm tạo không khí tươi vui, nhộn nhịp cho người dân và du khách tham gia cùng trải nghiệm,
Sẽ có nhiều hoạt động văn hóa – thể thao hấp dẫn mang đậm bản sắc dân tộc như: hóa trang, hát tuồng, thi hoa, thi cờ, đua thuyền, thả đèn trên sông và cả hội thi nấu ăn,… Thu hút nhiều người tham gia chơi.
Lễ hội chùa Quan Âm được tổ chức một phần đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng của các tín đồ Phật giáo. Vừa là một hoạt động, sản phẩm du lịch của danh thắng, thu hút du khách thập phương.
Những lưu ý quan trọng cần biết khi chiêm bái chùa Quan Âm
Chùa Quan Âm là một địa điểm du lịch tâm linh và linh thiêng. Khác với những điểm khác, tới đây tham quan du khách cần lưu ý những điều quan trọng dưới đây:
+ Đầu tiên là hãy lựa chọn trang phục phù hợp, vừa lịch sự vừa gọn gọn để thuận tiện cho việc di chuyển cũng như chiêm bái chùa. Không mang những bộ đồ hở hang, phản cảm làm ảnh hưởng đến chốn tôn nghiêm nơi cửa Phật.
+ Ngoài trang phục, du khách nên chú ý đến cách ăn nói. Không dùng những lời lẽ thô tục hay cười đùa ồn ào làm ảnh hưởng đến nơi tu hành và mọi người xung quanh.
+ Bạn có thể chuẩn bị một chút đồ ăn nhanh và nước uống để dùng khi thấy đói. Nhưng nhớ sau khi ăn uống xong hãy bỏ rác đúng nơi quy định nhằm gìn giữ môi trường, cảnh quang ngôi chùa.
+ Bạn được phép chụp hình ở khuôn viên xung quanh chùa, nhưng nếu có ý định chụp ở nơi thờ tự hãy lịch sử hỏi ý kiến của các sư thầy hoặc chú tiểu trong chùa trước.
+ Như đã nói, chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng nằm trong danh thắng nổi tiếng của Đà Nẵng. Vì thế bạn có thể kết hợp thăm thú thêm các địa điểm khác cạnh đó trong cùng chuyến đi để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị hơn.
Ngoài chùa Quan Âm, Ngũ Hành Sơn còn có ngôi chùa nào khác?
Không tính cả Đà Nẵng, ngay trong khu vực Ngũ Hành không thôi cũng có nhiều ngôi chùa với những cái tên và quy mô khác nhau.
– Chùa Tam Thai
Chùa Tam Thai được xây dựng trên ngọn núi Thủy Sơn – một trong 5 ngọn núi thuộc dãy Ngũ Hành Sơn. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo, ấn tượng của ngôi chùa như cổng Tam Quan, bức tượng Phật Di Lặc, chánh điện…
Đặc biệt là, do nằm ở độ cao lý tưởng nên bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cảnh núi non hùng vĩ và biển ca bao la.
Tuy nhiên, để lên được ngôi chùa này bạn phải vượt qua 156 bậc thang phủ đầy rêu phong, nhuốm màu của thời gian. Nếu thấy không đủ sức có thể sử dụng thang máy để di chuyển nhé!
– Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Ngoài chùa Quan Âm thì ngôi chùa này cũng được rất nhiều người biết tới.Đây là một trong 3 ngôi chùa cùng tên Linh Ứng tại Đà Nẵng xuất hiện sớm nhất, với tuổi đời gần 200 năm.
Chùa Linh Ứng này nằm trên ngọn Thủy Sơn, mang vẻ đẹp tâm linh huyền bí. Và là một trong những ngôi chùa linh thiêng, cổ kính nhất thành phố Đà Nẵng.
Chùa Linh Ứng Non Nước có tháp Xá Lợi – công trình trình nhiều pho tượng Phật bằng đá nhất Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 10 ngồi thiền, mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi. Mọi người thường tới đây để chiêm ngưỡng cảnh quan và chiêm bái.
Ngoài ra ở sườn Bắc Thổ Sơn có tới 4 ngôi chùa nhỏ. Trong đó, chùa Long Hoa và chùa Huệ Quang có phong cảnh rất cổ kính, hữu tình.
Gợi ý các quán ăn và khách sạn gần chùa Quan Âm Đà Nẵng
Đến tham quan chùa Quán Thế Âm và danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ mất khá nhiều thời gian (ít nhất là một buổi). Vì thế, chắc chắn bạn sẽ cần một địa chỉ ăn uống “lót dạ”. Sơn Trà Travel sẽ gợi ý một vài quán ăn và cả khách sạn gần đó cho ai có nhu cầu lưu trú.
+ Gần chùa có các quán ăn nào?
Đặc sản của Đà Nẵng khá phong phú và chúng được bán ở khắp nơi nên không khó để tìm thưởng thức. Dễ thấy nhất là món mì Quảng, bún mắm, bún thịt nướng, bánh canh và bánh tráng thịt heo… Vì nằm xa trung tâm nên đồ ăn ở đây được đánh giá rẻ hơn khu vực trung tâm một xíu.
Gợi ý các địa chỉ ăn uống gần chùa Quan Âm:
Bê thui Mười Lợi: 32 Trần Đại Nghĩa, P.Hòa Hải.
Ốc hút Hạnh: 31 Sư Vạn Hạnh, P.Hòa Hải.
Chợ Non Nước: Đường Mai Đăng Chơn, P.Hòa Hải.
Quán Cô Bốn: P.Hòa Hải.
CHÚT – Bánh canh, bánh xèo tuyệt cú mèo: 746 Lê Văn Hiến, P.Hòa Hải.
+ Các khách sạn lưu trú gần chùa
Để lưu trú, bạn có thể di chuyển ra khu vực gần bãi biển Non Nước. Ở đó tập trung nhiều cơ khách sạn, resort với nhiều mức giá cho bạn lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.
Meliá Danang Beach Resort: 19 Trường Sa, P.Hòa Hải.
Maison Homestay: đường Hoàng Bình Chính.
Hotel Campanile Danang Cocobay: Trường Sa, P.Hòa Hải.
Sandy Beach Non Nuoc Resort: : 21 Trường Sa, P.Hòa Hải.
>> Gợi ý: 41 khách sạn Đà Nẵng giá rẻ gần biển, trung tâm có bể bơi riêng
Không biết từ bao giờ, chùa Quan Âm lại trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch gần xa. Không khí linh nghiêm hòa quyện với thiên nhiên, đất trời bao la mang đến cho du khách cái nhìn mới mẻ. Tới đây bạn sẽ tìm thấy sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn. Hãy note ngay vào sổ tay du lịch của mình cái tên này nhé!
Theo Ngân Hà – dulichsontra.com
5/5 – (1 bình chọn)