Đánh giá Acer Nitro 5 Tiger: “Mạnh như hổ” nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
Acer Nitro 5 Tiger là một trong những chiếc laptop tiên phong trang bị chip Intel Gen 12 tại thị trường Việt Nam. Cho đến hiện tại, đây vẫn là một trong những laptop gaming Intel Gen 12 hiếm hoi trong tầm giá, tuy nhiên vẫn còn nhiều thứ khiến bạn phải cân nhắc, đặc biệt là game thủ.
Hiệu năng của Intel Gen 12 không phải bàn cãi, con chip i5-12500H với 12 nhân 16 luồng cho hiệu năng hủy diệt cả Core i7-11800H lẫn Ryzen 7 5800H. Tuy nhiên, một chiếc laptop đâu chỉ có mỗi CPU!
Cấu hình chi tiết Acer Nitro 5 Tiger
Phiên bản Acer Nitro 5 Tiger được đánh giá có cấu hình như sau:
- CPU: Intel Core i5-12500H 12 nhân 16 luồng (4 P-core + 8 E-core)
- GPU tích hợp: Intel Iris Xe 80 EU – 640 Shading Units
- GPU rời: NVIDIA GeForce RTX 3050 4GB GDDR6
- RAM: 8GB DDR4 3200MHz (2 khe, tối đa 32GB)
- SSD: 512GB PCIe 4.0 NVMe
- Màn hình: 15.6 inch, 1920 x 1080 pixel, 144Hz, 45% NTSC
- Cổng kết nối:
- 1x USB Type-C hỗ trợ USB 3.2 Gen 2 (up to 10 Gbps); DisplayPort; Thunderbolt 4; USB; PD 65 W)
- 2x USB 3.2 Gen 2
- 1x USB 3.2 Gen 1
- 1x Ethernet (RJ-45) port
- 1x HDMI 2.1
- 1x 3.5 mm
- 1x DC-in
- Pin: 57.5 Wh, adapter 180W
- OS: Windows 11 Home SL
- Trọng lượng: 2.5 kg (~3kg cả adapter)
Hiệu năng đo bằng phần mềm
Core i5-12500H hỗ trợ đến RAM LPDDR5 5200, tuy nhiên để tối ưu giá thành cũng như việc nâng cấp thuận tiện hơn, Acer Nitro 5 Tiger chỉ trang bị RAM DDR4 3200, lại còn chỉ có 1 thanh 8GB. Vì vậy, hiệu năng của con chip này khó mà bung xõa được hết. Lời khuyên đầu tiên dành cho các bạn là nếu mua hãy nâng cấp lên RAM 16GB ngay và luôn, không chỉ nâng dung lượng mà Dual Channel sẽ giúp hiệu năng cải thiện rất nhiều.
Trong bài đánh giá này mình giữ nguyên cấu hình base, tức chỉ có 8GB RAM nên hiệu năng CPU bị ảnh hưởng rất đáng kể, đặc biệt là điểm Geekbench 5. Trên chiếc MateBook D 16 với i5-12450H (8 nhân 12 luồng), RAM Dual Channel LPDDR4 3733 ghi được tới hơn 8000 điểm, nhưng chiếc Acer Nitro 5 Tiger này lại chỉ ghi được hơn 6400 điểm mà thôi.
Tuy nhiên điểm đơn nhân, điểm đo bằng Cinebench R23 và CPU-Z vẫn khá cao. Trong đó hiệu năng đo bằng CPU-Z thường ít bị ảnh hưởng bởi RAM nên phản ánh khá rõ hiệu năng thực sự của Core i5-12500H. Trong quá trình test, CPU ăn khoảng 70 – 80W và peak khoảng 100W.
Về GPU, RTX 3050 trên Acer Nitro 5 Tiger ghi được hơn 63,000 điểm CUDA trên Geekbench 5, một số điểm khá cao so với những chiếc máy có cùng cấu hình.
Với thử nghiệm 3DMark, máy ghi được ~5400 điểm, trong đó điểm GPU là khoảng 5200.
Tốc độ ổ cứng của máy cũng rất nhanh nhờ SSD PCIe 4.0 đến từ Micron:
Tất cả điểm hiện năng trên đo ở chế độ perfomance.
Hiệu năng chơi game
Bắt đầu với bài benchmark trong Shadow of The Tomb Raider, Acer Nitro 5 Tiger ghi được mức fps trung bình 53 với setting High, 1080p và bật DLSS, một con số ổn để trải nghiệm. Trong quá trình test, GPU tiêu thụ trung bình khoảng 75 – 80W, cá biệt có thời điểm peak lên tới 100W, một con số thực sự ấn tượng với RTX 3050, điều đó lý giải tại sao điểm hiệu năng của máy lại cao hơn mặt bằng chung những chiếc laptop có cùng GPU.
Đến với bài benchmark trong CS:GO, ở thiết lập đồ họa High fps trung bình đạt khoảng 100 – 200, ở cảnh khói mù mịt drop xuống thấp nhất là 45fps. Đây cũng là mức ổn áp để anh em có thể trải nghiệm tựa game này.
Khi mình chơi thử PUBG, setting Low thì fps trung bình ở 80 – 90, thỉnh thoảng có drop xuống mức 50 – 60 fps. Nếu bạn muốn chiến mượt ở thiết lập cao hơn thì rõ ràng RTX 3050 chưa đủ đáp ứng.
Nhiệt độ và độ ồn
Nếu bạn nhìn ở những bức ảnh benchmark phía trên có thể thấy nhiệt độ CPU có thể vượt mốc 100 độ. Tuy nhiên đó là khi benchmark, trải nghiệm thực tế dù là chơi game, dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh… thì cũng hiếm khi nóng tới mốc này.
Khi chơi game, nhiệt độ GPU khá mát mẻ chỉ 60 – 70 độ, CPU thì khoảng 70 – 80, một con số hoàn toàn ổn áp nhờ hệ thống 2 quạt, khe hút gió ở cả mặt trên lẫn mặt dưới kết hợp cùng 4 khe thoát gió phía sau và hai bên. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tiếng quạt kêu thực sự sẽ làm cho các bạn khó chịu. Nếu dùng ở quán cà phê mình tin chắc mọi ánh mắt sẽ phải đổ dồn về phía bạn.
Khi chạy nặng, nó ồn hơn cả tiếng máy lại khi bật quạt mức cao nhất, tiếng rít đủ làm bạn khó chịu nếu không đeo tai nghe. Tốc độ cao nhất của quạt đạt hơn 7000 vòng mỗi phút. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm. Mình đã trải nghiệm qua nhiều mẫu laptop cùng phân khúc như Victus 16, Legion 5, một vài mẫu MSI và ASUS như chưa thấy chiếc máy nào ồn ào đến như vậy.
Nếu đặt giảm hiệu suất xuống ở mức default thì mọi thứ ổn hơn, tốc độ quạt dường như bị giới hạn lại chỉ hơn 4000 một chút, không còn quá ồn đến khó chịu. Nhưng vấn đề là máy sẽ nóng lên nhanh vì tốc độ thoát nhiệt chậm hơn. Hiệu suất cũng giảm mạnh, với thiết lập đồ họa như cũ thì PUBG lúc này chỉ còn khoảng 40 – 50fps, có những lúc drop xuống 30. Benchmark trong Shadow of The Tomb Raider cũng chỉ còn 42fps, GPU chỉ ăn được tối đa khoảng 65W trong chế độ này mà thôi.
Màn hình và những yếu tố khác trên Acer Nitro 5 Tiger
Nói về chất lượng hiển thị, màu sắc thì thực sự Acer Nitro 5 Tiger làm mình hơi thất vọng. Dù rằng tầm giá 24 triệu khó mà đòi hỏi quá nhiều nhưng về cảm nhận bằng mắt thường, màn hình của máy thậm chí còn không bằng Victus 16, dù cả hai máy đều chỉ có 45% NTSC. Nếu so với Legion 5 và một số mẫu ASUS cùng tầm giá thì màn hình này thua kém khá nhiều.
Màu đỏ đặc trưng của CellphoneS khi hiển thị trên Acer Nitro 5 Tiger nó chuyển hẳn thành màu cam. Nếu bạn nào muốn chỉnh sửa hình ảnh, dựng phim hay thiết kế thì hoặc là sử dụng thêm màn hình rời, hoặc là chọn một mẫu laptop khác.
Bàn phím và touchpad và chất lượng âm thanh của Acer Nitro 5 Tiger ở mức trung bình. Nếu không quá khó tính thì phần bàn phím vẫn cho trải nghiệm ổn. Còn touchpad thì chủ yếu để chữa cháy thôi, còn làm việc, học tập lẫn chơi game bạn đều nên dùng thêm chuột rời.
Đèn nền bàn phím của máy có thể thiết lập 4 vùng chứ không thể thiết lập từng phím.
Máy cũng được cài sẵn phần mềm NitroSense quen thuộc cho phép tùy chỉnh khá nhiều thứ từ quạt, hiệu suất, đèn nền, âm thanh…
Về thời lượng pin thì Acer Nitro 5 Tiger cũng chỉ đủ chữa cháy, đủ để dùng 2 – 3 giờ với các tác vụ văn phòng.
Kết luận
Với mức giá 24 triệu đồng, Acer Nitro 5 Tiger thực sự là một lựa chọn khá lỡ cỡ. Nếu chơi game, tầm giá này chọn một chiếc laptop chạy RTX 3050 Ti rõ ràng ngon hơn, bởi Ryzen 5 5600H hay i5-11400H là dư sức để cặp với RTX 3050 Ti thậm chí là RTX 3060 vẫn ổn.
Còn nếu mà để vừa chơi game, vừa tận dụng CPU để làm việc thì màn hình của máy lại chưa ổn nếu công việc có liên quan đến màu sắc. Ngoài ra tiếng quạt ồn ào cũng khiến cho Acer Nitro 5 Tiger không phù hợp để sử dụng trong môi trường văn phòng hay mang ra cà phê làm việc.
Có lẽ chiếc máy này sẽ phù hợp với những bạn vừa chơi game, vừa sử dụng để lập trình, sử dụng trong lĩnh vực kỹ thuật ít đụng đến màu sắc. Hoặc bạn cũng có thể mua thêm một chiếc màn hình rời nếu muốn sử dụng Acer Nitro 5 Tiger để thiết kế, dựng phim… Khi cần mang ra ngoài, hãy chuyển sang chế độ Quiet để tránh làm phiền mọi người, lúc này máy vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu văn phòng.
Và bạn đừng quên, nếu xác định mua Acer Nitro 5 Tiger thì hãy xác định nâng cấp RAM ngay và luôn, nếu có điều kiện thì lên luôn 32GB RAM, nó sẽ cho trải nghiệm khác biệt đấy.
Laptop Gaming Acer Nitro 5 Tiger AN515 58 52SP
24,190,000 đ
27,990,000 đ
Tặng thêm 1 năm dịch vụ bảo hành 3S1 cho KH mua từ 1.8,2022- 31.10.2022
Đặc điểm nổi bật
- Chip Core i5-12500H cùng card rời RTX 3050 cho khả năng chiến các tựa game nặng, chỉnh sửa hình ảnh trên PTS, Render video ngắn mượt mà.
- Ram 8GB, ổ cứng SSD 512GB mang đến tốc độ xử lý nhanh cùng đa nhiệm mượt mà.
- Màn hình 15.6 inch độ phân giải Full HD, mang lại chất lượng hiển thị sắc nét.
- Tích hợp webcam 720p cho phép đàm thoại thông qua video thoải mái.
- Thiết kế vỏ nhựa cứng cáp, nặng 2.5 kg cho cảm giác cầm chắc tay
- Công nghệ âm thanh DTS® X:Ultra Audio, Acer Purified, Acer TrueHarmony – mang lại trải nghiệm giải trí chân thật.
- Đèn bàn phím được tích hợp đèn – Thoả sức làm việc trong môi trường thiếu sáng
- Máy đi kèm Windows 11 bản quyền.
Xem chi tiết