Giúp Bé tập vẽ từ nhỏ

Khoa học đã chứng minh rằng thời điểm bé bắt đầu nhận thức được mọi vật xung quanh cũng là lúc bé có thể cầm bút nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên.

 

 

Bé nên tập vẽ khi nào?

 

Ngày nay, đa số các bác sĩ nhi khoa, tâm lý, thầy cô và phụ huynh đều khẳng định phải hướng dẫn bé cầm bút vẽ trong năm đầu, kể từ khi bé tự ngồi thẳng được (khoảng 7-8 tháng tuổi). Để quá trình sáng tác của nghệ sỹ tí hon được suôn sẻ, các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn giấy dán tường khổ to, trải xuống sàn nhà hoặc cho bé ngồi lên ghế ăn rồi vẽ. Tốt nhất là cho bé ở trần, chỉ mặc bỉm thôi, hoặc nếu trời lạnh thì chỉ cần khoác một bộ đơn giản bằng chất liệu dễ giặt. Ở các nước phương Tây thậm chí nhiều bà mẹ cho con vẽ ngay trên tường nhà tắm.

 

Thật khó diễn tả nỗi hân hoan của một em bé 8 tháng tuổi khi nhìn thấy thuốc vẽ nhiều màu và tự mình nguệch ngoạc lên giấy những hình vẽ vô thức. Để an toàn tuyệt đối, các bà mẹ nên chọn mua loại phẩm màu không độc hại. Chúng ta cũng có thể tự chế biến thuốc vẽ bằng cách trộn cháo bột cùng với các loại nước hoa quả có màu.

 

Vào độ tuổi này, em bé bắt đầu nhận biết màu sắc và hình thành phản xạ chân tay. Trò vẽ màu giúp trí não của em nhận thức nhanh và phát triển tứ chi.

 

Giúp bé làm quen với các chất liệu màu khác nhau

 

Khi bé đầy năm, bạn nên cho bé làm quen với bút vẽ. Hãy mua loại bút lông to nhất, sao cho bé cầm thoải mái là được. Đừng quên bọc kỹ thân bút và đậy đầu bút bằng núm cao su kẻo bé chọc vào mình. Khi hướng dẫn bé, bạn nhớ dùng lời nói để minh hoạ cho hành động. Thí dụ nhấn mạnh với bé về màu sắc để bé dễ nhớ.

 

Ngoài bột màu, bạn cũng có thể cho bé tập vẽ với bút chì mềm, phấn, bút chì mầu, bút dạ. Dùng càng nhiều loại bút, hình vẽ của bé sẽ càng đa dạng.

 

Lớn hơn chút nữa, khi khoảng 2 đến 3 tuổi, bé sẽ rất phấn khởi khi tự chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Bạn đừng mắng bé nếu bé vẽ lung tung khắp nhà. Tốt nhất bạn nên dùng giấy trắng dán kín mảng tường phía dưới trong phòng của bé.

 

HƯỚNG DẪN NHỮNG TUYỆT CHIÊU DẪN DỤ BÉ TẬP VẼ

 

1. Khởi đầu từ những đốm  màu

 

Dùng đầu tăm bông nhúng vào màu nước rồi chấm lên tờ giấy trắng những đốm  màu sặc sỡ. Chúng dần dần tạo thành đám mây, ngôi nhà, hoa lá…  khiến bé thích thú đến nỗi đòi tự tay làm lấy.

 

Hoặc bạn bảo con giỏ một giọt mực lên giấy, rồi gợi ý: “Giọt mực này giống cái gì nhỉ?” Nếu bé bảo giống nụ  hoa thì xui bé vẽ thêm cuống và chiếc lá. Nếu giống con bọ dừa ư? Chỉ việc vẽ thêm mấy cái chân, vài sợi râu.

 

2. Vẽ theo mẫu

 

Vẽ theo mẫu là bài học rất cơ bản, giúp bé phát triển óc quan sát, nắm bắt được những quy tắc đơn giản nhất để vẽ sao cho giống. Mẫu vẽ nên là những vật bé yêu thích (ví như chiếc ô tô đồ chơi, em búp bê Barbie, những quả bóng bay…). Cũng có thể cho bé nhìn vào gương để vẽ “chân dung tự họa

 

3. Vẽ theo trí  nhớ

 

Mẫu vẽ khi ấy sẽ ở trong… đầu bé. Bạn có thể gợi ý: “Con thử vẽ em Tít đi, em hay mặc váy đầm màu gì? Tóc em dài hay ngắn?” Chỉ gợi ấy vậy thôi, còn quyết định vẽ ai, cái gì. hãy để bé tự quyết, vì được vẽ mẫu do chính mình chọn bao giờ cũng khoái hơn.

 

4.Vẽ chung với mẹ (hoặc bố)

 

Hai “đồng tác giả” sẽ ngồi sát bên nhau để cùng vẽ lên một tờ giấy lớn những bộ phận khác nhau của một bức tranh. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn giao lưu với bé –  vừa vẽ vừa bình phẩm, hỏi ý kiến nhau rồi cùng nhau cười vui nữa.

 

5. Làm bức tranh ghép

 

Cho bé chọn những hình ảnh mà bé thích (chú rùa nhỏ, em búp bê,  siêu nhân…) từ sách báo cũ rồi giúp bé cắt ra và dán  lên một tờ giấy trắng. Sau đó, bé sẽ tự vẽ  thêm vào đó hoa lá, mặt trời, đám mây…  để hoàn thiện bức tranh.

 

6. Vẽ lên những viên sỏi

 

Chính hình dáng của những viên sỏi có thể gợi ý đề tài cho bức vẽ của bé: một con bọ dừa, một trái dâu tây, hay một chiến xa…). Tuy nhiên sỏi thì rất khó giữ được màu nước, nên ta nên dùng sơn. Và kết quả là bé sẽ có được những món đồ chơi handmade cực bền.

 

7. Chơi trò “bức tranh bí mật”

 

Sau khi chia một tờ giấy thành bốn phần theo chiều ngang, bạn hãy vẽ một cái gì đó (chưa hoàn thiện) lên 1/4 tờ giấy rồi bẻ gập nó lại sao cho chỉ để lộ ra một phần của hình vẽ dở dang. Bé sẽ vẽ tiếp phần chưa hoàn thiện ấy lên 1/4  thứ hai của tờ giấy. Vẽ xong bé cũng gập giấy lại (để bạn không biết bé vẽ gì) và cũng  để thò ra phần dang dở cho bạn vẽ tiếp.

 

Cuối cùng, từ bốn mẩu tranh “bí mật” này bạn và bé sẽ có một tác phẩm rất ngộ nghĩnh, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” (ví như nối với gốc cây là… đầu một con mèo!) Trò chơi càng thú vị hơn khi bức tranh được kéo dài hơn với số “họa sĩ” đông hơn

 

8.Tung hoành với 10 đầu ngón tay

 

Hơi bị lem nhem thật, nhưng bé sẽ thích đấy vì bé có thể điều khiển những ngón tay mình dễ dàng hơn so với cây cọ. Chưa kể, khi nhúng cả năm đầu ngón tay vào màu xanh lam thì bé chỉ cần quẹt một đường là tạo nên cả đại dương dậy sóng. Hoặc với năm đầu ngón tay bé có thể vẽ được 5 cánh hoa “ngũ sắc” một cách tốc hành nhất. “Sáng tác” kiểu này mới tự do làm sao!

 

9. Sáng tác ở ngoài trời

 

Bé cũng thích thú lắm nếu có thể dùng phấn màu vẽ thoải mái trên những tảng đá lớn ngoài trời, trên tường hay mặt đường nhựa để tạo ra những tác phẩm “khủng”. Chưa kể, vẽ ngoài thiên nhiên bé dễ hào hứng hơn vì có thêm rất nhiều khán giả mới –  những vị khách qua đường.

 

Alternate Text Gọi ngay