“Hệ sinh thái” nhà TNG Holdings “hút ròng” hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu
Theo giới thiệu tại website tng-holdings.vn, CTCP Đầu tư TNG Holdings Vietnam (TNG Holdings) là doanh nghiệp hoạt động với mô hình Tập đoàn trên nhiều lĩnh vực như: Phát triển, kinh doanh và Quản lý Bất động sản (BĐS), Cho thuê BĐS; Thương mại và Dịch vụ; Khách sạn – Resort; Năng lượng; Nông nghiệp và Tài chính – Ngân hàng…
Nhiều thành viên của Tập đoàn của TNG Holdings đang sở hữu khoản nợ “khủng” từ trái phiếu.
Qua hơn 20 năm phát triển, hiện TNG Holding có 11 công ty thành viên trực thuộc và 2 công ty liên kết gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam, CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL, Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH, Công ty CP Thương Mại Dịch Vụ TNS Holdings,…
TNG Holdings được cầm lái bởi nữ Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường (1972) với chức vụ Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, bà Hường cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thanh Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Mùa đông (nay là CTCP BĐS Mỹ). Chồng bà Hường là ông Trần Anh Tuấn hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn TNG Holding phát hành hàng trăm lô trái phiếu khác nhau với giá trị hành chục nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2021, nhiều thành viên trực thuộc và công ty liên quan của TNG Holding đã phát hành nhiều lô trái phiếu không đảm bảo với giá trị “khủng”. Thậm chí có một số thành viên huy động vốn từ trái phiếu cao gấp nhiều lần số vốn sở hữu của mình.
Từ những thành viên trực thuộc
Cụ thể theo HNX, trong năm 2021, CTCP Năng lượng TNPower đã phát hành 5 lô trái phiếu với giá trị 2.300 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó 4 lô trái phiếu có giá trị 2.000 tỷ đồng là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không đảm bảo do Ngân hàng MSB làm tổ chức đăng ký/lưu ký trái phiếu. Và được thành viên liên kết của Tập đoàn TNG Holdings – Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) làm tổ chức đăng ký/lưu ký trái phiếu.
TNPower được thành lập năm 2015, hiện có số vốn điều lệ gần 1.140 tỷ đồng do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. TNPower được biết đến là đơn vị thành viên phụ trách mảng năng lượng cho hệ sinh thái TNG Holdings.
Một thành viên khác của TNG Holing được niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty CTCP Thương Mại Dịch Vụ TNS Holdings (TNS Holdings, HOSE: TN1) cũng đang có khoản nợ trái phiếu trị giá 490 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 15/3/2025. Đáng chú ý, đây cũng là khoản trái phiếu này không có tài sản bảo đảm.
TNS Holdings được thành lập năm 2014 là thành viên trụ cột quan trọng của Tập đoàn TNG Holdings với những lĩnh vực như: Quản lý vận hành Bất động sản, Công nghệ thông tin, Quản trị nguồn nhân lực, Quản lý dự án.
Dẫn đầu về số lượng phát hành cũng như giá trị trái phiếu của TNG Holdings là CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam (TNR Holings) với hơn 200 lô trái phiếu khác nhau.
HNX cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, TNR Holdings đã phát hành lần lượt 5 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không đảm bảo lần lượt TNRCH2128001, TNRCH2128002, TNRCH2128003, TNRCH2128004, TNRCH2128005. Cả 5 lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào cuối năm 2028, tổng giá trị 2.300 tỷ đồng và đều do thành viên liên kết của Tập đoàn TNG Holdings – Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) làm tổ chức đăng ký/lưu ký trái phiếu.
Cộng với hơn 200 lô trái phiếu được phát hành trước đó, hiện TNR Holdings lưu hành tới 234 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị hơn 10.045 tỷ đồng trái phiếu. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của TNR Holdings là 2.000 tỷ đồng, nghĩa là khoản nợ trái phiếu cao gấp hơn 5 lần vốn của doanh nghiệp này.
TNR Holdings hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và được biết đến bởi hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị như mang thương hiệu TNR Tower, (TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, TNR Tower Láng Hạ, TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Tower Nguyễn Công Trứ); TNR Gold (TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex, TNR The GoldView), và TNR Stars (Amaluna, Star Center Cao Bằng, Star City Lục Yên, Star Thoại Sơn),…
Ngoài ra, một số thành viên khác của TNG Holdings hiện cũng đang sỡ hữu khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu.
Điển hình như CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL (TNL) với 80 lô trái phiếu và giá trị 3.859 tỷ đồng. Các lô trái phiếu do TNL phát hành trong năm 2019 và 2020 đều có kỳ hạn 10 năm. Theo HNX, vốn chủ sở hữu của TNL chỉ 1.000 tỷ đồng, nghĩa là nợ trái phiếu của TNL đã cao hơn 3,8 lần vốn.
Tiếp đến, CTCP Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH (TNH Hotel & Resorts) cũng phát hành 42 lô trái phiếu chủ yếu trong năm 2020, có kỳ hạn có kỳ hạn 7 năm. Số nợ trái phiếu của TNH Hotel & Resorts là 3.600 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần vốn.
Theo giới thiệu, TNH Hotel & Resorts được thành lập từ năm 2015 bởi TNG Holdings. Doanh nghiệp này được biết tới nhiều trong vai trò chủ sở hữu chuỗi khách sạn Sojo Hotels và dự án Lapochine Beach Resort có quy mô 2,8 ha tại Huế.
Và cần lưu ý rằng, chỉ có các lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 thì dữ liệu HNX mới có thông tin cụ thể. Còn hàng trăm lô trái phiếu khác của các thành viên Tập đoàn TNG Holdings phát hành trước đó thì không có thông tin cụ thể.
Đến những Công ty liên quan
Ngoài những thành viên trực thuộc, các công ty liên quan của Tập đoàn TNG Holdings cũng phát hành nhiều lô trái phiếu không đảm bảo. Thậm chí có Công ty bị Bộ tài chính “gọi tên” khi nằm trong top 20 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu năm 2021. Đó là tên CTCP Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân.
Địa ốc Việt Hân dồn dập phát hành trái phiếu không đảm bảo trong năm 2021.
Theo Bộ Tài Chính, Địa ốc Việt Hân phát hành tới 4.000 tỷ đồng trong năm 2021, tuy nhiên theo HNX con số này là 4.300 tỷ đồng. HNX cho biết, trong năm 2021, Địa ốc Việt Hân phát hành 9 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không đảm bảo đều do Ngân hàng MSB làm tổ chức đăng ký/lưu ký trái phiếu.
Tính cả những lô trái phiếu trước đó, hiện Địa ốc Việt Hân đang có khoản nợ trái phiếu tới 10.300 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.
Địa ốc Việt Hân được thành lập từ năm 2006 do ông Đinh Trường Chinh (SN 1974), điều hành công ty trong nhiều năm liền. Đến tháng 10/2016, ông Bùi Quang Tuấn (SN 1980) thay thế ông Đinh Trường Chinh đảm nhận vai trò chủ tịch HĐQT/người đại diện pháp luật Địa ốc Việt Hân.
Trong khi đó, ông Tuấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển TNI Holdings Việt Nam. Đơn vị này do Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH nắm giữ đến 55% cổ phần (10/2017).
Hiện bà Đào Thị Kim Nhung đang giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người Đại diện pháp luật của Địa ốc Việt Hân.
Ngoài Địa ốc Việt Hân, CTCP Bất động sản Mỹ cũng đã huy động thành công 6 lô trái phiếu không đảm bảo do Ngân hàng MSB làm tổ chức đăng ký/lưu ký trái phiếu với tổng giá trị huy động 2.800 tỷ đồng. HNX cho biết, hiện Bất động sản Mỹ đang lưu hành 116 lô trái phiếu có giá trị 7.958,3 tỷ đồng, cao gấp 4,9 lần vốn.
Tiền thân của Bất động sản Mỹ là CTCP Bất động sản Mùa Đông – VID, được thành lập năm 2007 tại Hà Nội do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường giữ chức Chủ tịch HĐQT tại thời điểm thành lập. Thời điểm đó, bà Hường cũng đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings).
Kể từ ngày 01/09/2020, căn cứ theo quy định mới tại nghị định 81/2020/NĐ-CP điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước sẽ có một số thay đổi quan trọng. Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 Nghị định 163/2018, trong đó tại điểm i nêu rõ: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải “Đảm bảo dư nợ trái phiếu không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo Báo cáo tài chính Quý gần nhất thời điểm phát hành”.